Trộm đường sông lộng hành trên kênh Đôi

Kênh Đôi chảy qua một số phường ở quận 8, TPHCM. Dọc 2 bên bờ kênh có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong những căn nhà tạm bợ. Đặc thù của những căn nhà đó là cửa chính đều thông ra đường nhựa. Phía sau nhà giáp với bờ kênh, nhiều hộ dân đã xây dựng thêm các công trình phụ và trổ cửa để thông thoáng, đây chính là đường “nhập nha” của bọn trộm vào đêm khuya…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Khóa cửa chính để nhốt chủ nhà

Thời gian gần đây, khu vực ven kênh Đôi, phường 12, quận 8 liên tiếp xảy ra một số vụ trộm. Ông Sáu N., nhà ở đường Nguyễn Duy, phường 12, quận 8, cho biết: “Bọn trộm hoạt động khá tinh vi và tạo thành nhóm, phân công, phân việc hẳn hoi. Khi phát hiện nhà nào cửa nẻo lỏng lẻo thì đối tượng ở dưới sông sẽ liên lạc với đồng bọn ở trên bờ. Sau khi xác định đúng địa điểm, các đối tượng ở trên bờ sẽ dùng dây kẽm cột lại hay lấy ổ khóa để khóa cửa trước, không cho chủ nhà chạy ra đường tri hô. Nhóm dưới sông sẽ đột nhập vào nhà lấy trộm đồ rồi lặng lẽ khiêng lên ghe. Chúng thực hiện rất công khai. Không ít lần người dân phát hiện, nhưng cứ lầm tưởng là nhà đó đang dọn nhà nên không tri hô!”.

l4a-2003.jpg
Cửa phụ tiếp nối với kênh Đôi khá mong manh và bọn trộm đã đột nhập từ hướng này

Cách nay chưa lâu, một căn nhà trên đường Nguyễn Duy đã bị bọn trộm đột nhập vào lấy 3 điện thoại di động, hơn 2 triệu đồng, một số áo, quần... Mới đây, vào rạng sáng 29-12, bọn trộm đột nhập vào nhà số 925 Nguyễn Duy. Ông Phạm Tuấn Phong, ngụ nhà số 925 Nguyễn Duy, kể: “Khuya bữa đó, tôi dậy khá sớm, nhưng vẫn nằm trên gác. Bỗng tôi nghe có tiếng động ở khu nhà bếp. Qua ánh đèn lờ mờ từ phía bờ kênh, tôi phát hiện một cái ghe cập sát nhà tôi. Bọn chúng trải tấm mền ra ở dưới ghe chuẩn bị chuyển đồ xuống. Tôi làm nghề xây dựng, đồ đạc khá lỉnh kỉnh và nặng nề. Mấy tên trộm ở trong nhà đã kéo mấy cái máy sàn bê tông, máy bơm… ra sát bờ kênh. Tôi vội vàng lấy mấy cái chai đổ nước vào rồi quăng xuống kênh. Nghe tiếng động, bọn chúng lên ghe chạy mất!”.

Chung tay phòng chống tội phạm

Dù vụ trộm xảy ra vào lúc rạng sáng, nhưng đến trưa cùng ngày, ông Phạm Tuấn Phong vẫn chưa đến cơ quan công an trình báo. Chúng tôi hỏi ông Phong sao không trình báo thì ông trả lời: “Có mất cái gì đâu mà báo!?!”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy các vụ trộm gần đây, bà con có trình báo không?”. Ông Sáu N. chen lời: “Hình như họ cũng không báo. Bởi lẽ tài sản bị mất không bao nhiêu! Thực tế thì tại các cuộc họp chi bộ hay tổ dân phố, chúng tôi cũng từng cảnh báo, nhắc nhở nhau phải hết sức cảnh giác với bọn trộm đường sông. Có lẽ do ngần ngại vì tài sản bị mất không đáng bao nhiêu, hoặc do bận kế sinh nhai, nếu trình báo thì phải nghỉ việc, tốn thời gian làm bản tường trình hay phải vài lần lên, xuống cơ quan chức năng nên bà con cũng ngại đi trình báo”.

Tuy nhiên, hiện nay, công an các địa phương, nhất là cảnh sát khu vực đều áp dụng các phần mềm tiện ích như: Zalo, Viber… để quản lý địa bàn, tuyên truyền các thủ đoạn, hành vi của tội phạm. Tại thời điểm này, việc trình báo tình hình an ninh trật tự không khó khi ai cũng sở hữu một hay vài điện thoại thông minh. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin về an ninh trật tự và xử lý, giải quyết như thế nào để người dân tin tưởng, yên tâm. Qua đó góp phần đảm bảo sự bình yên của thành phố trong dịp tết đến, xuân về...

Tin cùng chuyên mục