Trong gió xuân đượm thơm mùi khói kéo lửa

Sau những ngày tết đi chúc tết họ hàng, trước khi trở lại đi học, tôi được ông ngoại dẫn đi xem hội làng với trò kéo lửa nấu cơm thi đặc trưng. Mùi khói rơm thơm đườm đượm trong không khí reo hò của dân làng cứ theo tôi mãi đến tận bây giờ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Trong vùng ký ức của tôi, tiếng trống hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch là tiếng trống đặc biệt, khác hẳn với tiếng trống trường thúc giục chúng tôi vào lớp. Tiếng trống hội làng có sức hiệu triệu, gắn kết bao nhiều người dân trong làng lại với nhau trong niềm vui hân hoan, phấn khởi đầu xuân.

Tuổi thơ của tôi được găm vào bởi tiếng hò kéo lửa nấu cơm trong hội làng, đặc trưng của văn hóa nông nghiệp. Cứ ngày mở hội, ông ngoại lại kiệu tôi lên vai đi xem hội, tôi có nặng đến mấy thì ông vẫn chiều tôi để tôi có góc nhìn dễ nhất.

anh-1-3187.jpg
Người chơi đang lấy lửa đốt pháo trong trò kéo lửa

Ông ngoại tôi kể rằng, trò kéo lửa thổi cơm vừa mang tính khoa học vừa mang tính tâm linh. Bởi trò chơi mô tả lại cảnh người xưa tìm ra lửa bằng sự ma sát, rồi lửa giúp con người nấu chín thức ăn, sưởi ấm. Lửa cũng biểu trưng cho sự sống mãnh liệt nên đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người.

Còn đối với trò pháo vịt có lẽ thì mới hơn. Thường thì trò pháo vịt sẽ diễn ra trước và tổ chức ở trong hồ nước. Làng có 3 xóm thì có 3 đội chơi. Các thanh niên sẽ chèo thuyền ra giữa hồ rồi dùng cây hương để đốt bánh pháo được treo lơ lửng trên đầu. Khi đốt được pháo nổ mới được đi bắt vịt. Trò này rất đông người xem nên ông tôi thường phải đặt tôi ngồi lên vai hoặc bế tôi lên thật cao mới nhìn rõ được.

Xong trò pháo vịt sẽ đến trò kéo lửa pháo và thổi cơm. Các đội thi đều mặc trang phục màu đỏ, quấn khăn, đi giày. Mỗi người sẽ có một dụng cụ kéo lửa được gọi là bồn lửa được làm từ một bó rơm cột vào thanh tre và có lỗ để luồn sợi giang. Mở đầu phần thi các cầu thủ phải thực hiện lễ Phật, lễ thánh. Trước đó, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn bồ lửa, hương và các bánh pháo được treo đều lơ lửng trên cao.

anh-2-6859.jpg
Ông ngoại tôi (áo đen) khi còn sống

Trong tiết trời đầu xuân, ngoài trời gió thổi heo hút, các đội thi phải kiễng cao hết chân cầm hương đốt bánh pháo. Bánh pháo nhỏ và bay phần phật trong gió, rất khó để châm được vào ngòi pháo. Cầu thủ nào đốt pháo xong đầu tiên sẽ chuyển sang phần lấy lửa trong bồn bằng cách chà ma sát.

Những thanh niên trai tráng ra sức cọ sợi giang trong bồn lửa rồi ra sức thổi đến khi ngọn lửa bùng lên thì chiến thắng. Không khí xung quanh như vỡ òa khi ngọn lửa đầu tiên được bùng lên, giống như hình ảnh xa xưa con người lần đầu tìm ra lửa. Lấy lửa xong, các đội thi mang lửa về xóm và thi nấu cơm, chân giò gà để dâng lễ thánh.

Khi lớn lên, tôi mới hiểu chứ ngày nhỏ, tôi chỉ khấp khởi trên vai ông xem người ta reo hò, cổ vũ nhưng kể cả chưa hiểu thì cảm giác được cùng ông ngoại đi xem hội đầu xuân khiến tôi thích thú vô cùng và năm nào cũng nôn nao đến tết. Cho dù lối sống hiện đại đã tràn về khắp miền quê nhưng trò chơi dân gian làng chưa bao giờ phai nhạt, vẫn như liều thuốc tinh thần để nhân dân lên dây cót bắt tay vào những thử thách năm mới.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi rong chơi thanh xuân đi tìm những điều mới mẻ trên đường đời, chợt nhớ ra ngày xuân về thăm quê ngoại không còn được đi xem hội kéo lửa nấu cơm nữa. Hội vẫn còn đó mà người đi vân du theo làn mây xứ lạ. Tôi vẫn nhớ ngoại rất thích xem cờ người. Ông đứng chăm chú dõi theo từng nước đi, nhẫn nại từng chút từng chút như nhắc nhở đứa cháu bé bỏng sống ở đời phải biết kiên nhẫn, bao dung…

Một mùa xuân yêu thương đi qua ngang ngõ, một cái tết ấm áp nở hoa. Trong tôi luôn háo hức, trực chờ ngày tết đến xuân về. Cảm giác hồi hộp, hạnh phúc và một chút hoài niệm khi nhớ về ông ngoại lại dâng trào. Cô bé nhõng nhẽo ngày nào giờ cũng đã là bà mẹ 2 con nhưng tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện sử làng ngoại thủ thỉ vào tai mấy mươi năm trước.

Có lần tìm hiểu về nguồn gốc của ngọn lửa, bỗng trong tôi giật người nhớ về ông ngoại, nhớ về cái cầm tay của một bàn tay xù xì, thô ráp của cuộc đời vào bàn tay nhỏ xíu búp măng non đi xem hội. Trong sâu thẳm những người con thoát ly xa xứ hoặc xuất giá lấy chồng, còn gì hơn giữ được một kỷ niệm hình ảnh của quê hương, để ta biết ta có cội có nguồn, có người để yêu thương.

UYỂN HỒNG

Email: ...thuyvan.ajc@gmail.com

Thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục