Đi chợ chiều cuối năm

Chiều 30 tết… Má lướt tiktok một vòng xem người ta livestream chợ tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến những phiên chợ cuối năm là má lên mạng coi người ta livestream để xem tình hình buôn bán của bà con mình thế nào. Sau khi coi mấy anh chị ngoài chợ hoa xuân livestream, má bần thần một lúc rồi đứng phắt dậy, bỏ điện thoại vào giỏ, lấy áo khoác choàng vào:

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

- Subin, đi chợ với má!

- Ủa, đi mua cái gì nữa má? Mình mua đủ hết rồi mà.

Vẫn với vẻ mặt bần thần, má nói dứt khoát:

- Đi mua hoa!

- Mình mua hoa đủ rồi mà má, trang trí đầy sân hết rồi kìa. Ở xóm này, nhà mình là mua nhiều hoa nhất đó, mua gì nữa, má!

Giọng má chùng xuống, buồn buồn:

- Kệ, đi mua thêm. Chiều cuối năm rồi mà ngoài chợ hoa còn nhiều quá, bán rẻ như cho mà cũng vắng người mua. Tội nghiệp bà con nông dân trồng hoa, mỗi năm chỉ trông chờ có cái tết…

anh-2-5432.jpg
Má tôi là người phụ nữ tằn tiện, nhưng có một điều lạ lùng là, năm nào cũng vậy, hễ đi chợ tết mua hoa là má mua cho nhiều

Má là người phụ nữ tằn tiện, vun vén, tính toán chi li từng chút một để tiết kiệm cho gia đình. Mua cái gì má cũng đắn đo, suy nghĩ, phải thật sự cần thiết mới mua. Mà có mua thì cũng chỉ mua đủ sử dụng, không mua thừa. Nhưng có một điều lạ lùng là, năm nào cũng vậy, hễ đi chợ tết mua hoa là má mua cho nhiều, mua không bao giờ trả giá. Sự phóng khoáng ấy khiến tôi rất ngạc nhiên, vì đó không phải cái tính của má. Nhớ hồi mới đi chợ tết với má, tôi thấy chỗ kia bán hoa cúc có 100.000 đồng/cặp, trong khi chỗ này người ta bán 120.000 đồng/cặp, vậy mà má cũng mua, không trả giá gì, thấy vậy tôi ghì tay má:

- Má, đằng kia cúc có 100.000 đồng/cặp kìa.

Má không cần suy nghĩ gì, bảo tiền nào của đó. Tôi cãi lại, cúc đằng kia cũng đẹp có khác gì chỗ này đâu. Có lẽ nhìn đôi mắt anh nông dân cụp xuống như sợ má sang mua hoa chỗ khác, nên má thấy tội, chốt ngay:

- Em lấy cho chị 2 cặp cúc!

Mắt anh nông dân sáng hẳn lên:

- Dạ, dạ… Cảm ơn chị!

Má cũng vui hẳn ra, quay qua nói với tôi:

- Phía sau những chậu hoa này có bao ánh mắt trông đợi tết...

anh-1-179.jpg
Có một điều lạ là má tôi đi chợ mua hoa tết không bao giờ trả giá

Rồi má kể, hồi đó, năm nào má và các cậu cũng thấp thỏm, phập phòng dõi ánh mắt về phía những phiên chợ cuối năm. Nhà người ta khá giả, con nít thích năm hết tết đến để được mặc quần áo mới, được thỏa thích đi chơi, ăn uống, nhận tiền lì xì... Còn mấy chị em của má thì vừa trông tết lại vừa sợ tết. Hễ cứ đến những ngày giáp tết là mấy chị em của má đứng ngồi không yên, cứ dõi ánh mắt về phía bến sông trước nhà. Chừng nào thấy chiếc ghe của ngoại thấp thoáng xa xa lướt trên mặt nước nhẹ tênh thì má với mấy cậu mới chạy ùa ra reo vui, vì biết ngoại đã bán hết hoa sớm. Còn cái tết nào hoa bán ế ẩm, ngoại về trễ, chiều cuối năm, nhìn sang nhà hàng xóm, thấy đã cúng rước ông bà, mùi hương trầm quyện trong gió thơm lừng là lòng se thắt vì chái bếp nhà mình còn lạnh tanh.

Nhà ông bà ngoại sống bằng nghề trồng hoa bán tết. Năm nào cũng vậy, những giỏ hoa cúc, vạn thọ, màu gà… nở rộ được ông bà ngoại chất xuống ghe rồi chở đi bán ở các chợ trong tỉnh Tiền Giang, thậm chí là sang các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre để bán. Năm nào bán đắt, đến chiều 29 tết là đã hết hoa. Lúc ấy, nhà mới bắt đầu có tết. Sáng 30, bà ngoại sẽ dẫn má và các cậu đi chợ mua sắm quần áo tết, rồi thịt heo, bánh mứt…

Năm nào bán ế, hoa rẻ thì đến chiều tối 30 tết ông bà ngoại mới về tới nhà. Năm đó coi như nhà không có tết, mấy chị em của má phải mặc quần áo cũ, vì tối 30 tết rồi, đâu còn mua sắm quần áo gì kịp nữa. Vì vậy, má nói đi chợ chiều cuối năm, đừng so đo tính toán thiệt hơn với nông dân, bởi đằng sau những chậu hoa, những mớ dưa, mớ rau, củ, quả… là biết bao ánh mắt trông chờ, biết bao phận đời mong ngóng tết.

Chiều cuối năm thương người nông dân gieo trồng một mùa mơ ước tết. Đi chợ chiều cuối năm đừng ai so đo rẻ - đắt... Vì biết đâu, đó là phần lời, là tết của bao gia đình, bao cảnh đời khốn khó…

SUBIN

TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Tin cùng chuyên mục