Trụ vững và vươn lên

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội, địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ KH-ĐT đảm nhiệm vai trò là cơ quan thường trực của tổ công tác này.

Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, cộng đồng DN cần nỗ lực tự thân vận động để có thể được hỗ trợ tốt nhất. Khuyến nghị này được thể hiện xuyên suốt hàng loạt hội nghị, hội thảo được tổ chức tuần qua về chủ đề này.

Đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường nhận định, vẫn có những cơ hội cho các DN đã nhanh chóng chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng. Từ cuối năm 2020, nhiều DN đã chuyển đổi mô hình sản xuất, hoạt động kinh doanh. Vietnam Airlines đã tháo bớt ghế của các máy bay chở khách để chở hàng. Một số DN chuyển sang sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát trùng, đồ bảo hộ… không chỉ để phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.

Hiện nay, dịch đang cao điểm, nhưng nhiều nhà máy vẫn duy trì được hoạt động với các phương thức lần đầu tiên được sáng tạo ra để thích ứng với thực tế như “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc là “3 tại chỗ”. Dù cũng phải nói rõ rằng mô hình này không thể máy móc áp dụng ở bất kỳ đâu với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. DN tăng cường tiếp cận thị trường bằng công nghệ thông tin, nhưng không dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm thông thường mà còn vươn ra, kết nối với bạn hàng nước ngoài để xuất khẩu.

Hiện nay, Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ DN như miễn, giảm, giãn hoãn các khoản thuế và tiền thuê đất được áp dụng sớm nhất và có tính phổ biến rộng nhất, bao trùm được nhiều đối tượng DN. Đây là những chính sách có ý nghĩa, bởi nhiều khoản tiền như tiền thuê đất, thì dù DN có hoạt động hay không, cũng vẫn phải nộp.

Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu của DN thấp, thậm chí không có, thì những chi phí này sẽ là một gánh nặng. Tương tự việc được giãn, hoãn thời gian nộp các khoản thuế, giảm lãi vay đều là những chính sách rất đúng, rất trúng để gỡ khó cho DN.

Tuy nhiên, phản ánh tại các hội thảo cho thấy, nhiều DN vẫn chưa chủ động tiếp cận chính sách bằng nhiều kênh thông tin khác nhau để triển khai đúng các thủ tục đề nghị hỗ trợ. “Nếu DN không quyết toán nổi thì nghĩa là điều hành tài chính quá kém và Nhà nước không thể hỗ trợ cho các DN như vậy”, PGS-TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) nhận xét xác đáng.

Hiểu đúng, làm đúng, tận dụng được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc đổi mới tư duy, thay đổi phương thức hoạt động để tự mình vươn lên vì sự tồn tại của chính mình thì DN mới có cơ hội trụ vững và phát triển được ngay cả khi “bão tố” từ dịch Covid-19 cộng hưởng với sóng gió thương trường.

Tin cùng chuyên mục