Trong khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Palestine đang diễn ra (với vai trò trung gian của Mỹ) nhằm làm “sống lại” tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ 17 tháng qua, giới quan sát cho rằng cơ hội tìm giải pháp cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel thật sự đã “vuột qua từ lâu”.
Sự chiếm đóng của Israel trong chiến tranh Trung Đông năm 1967 đã để lại một xã hội Palestine quá rời rạc, chia rẽ, khó có thể hình thành một nhà nước độc lập ổn định. Kế hoạch hai nhà nước độc lập tồn tại bên nhau không còn đáp ứng nguyện vọng của một xã hội Palestine đã bị phân tán, chia rẽ nhiều năm qua. Bờ Tây và Dải Gaza, hai khu vực được xem là lãnh thổ của nhà nước Palestine trong tương lai đã tách rời nhau bằng một phần lãnh thổ của Israel và chính quyền Israel duy trì những giới hạn khắc nghiệt đối với những ai băng qua biên giới. Còn ở phía Đông Jerusalem bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, khoảng 270.000 người Palestine đang sinh sống trong tình trạng tạm bợ nhưng khá ổn định. Mặc dù được xem như cư dân, chứ chưa phải là công dân Israel, họ vẫn được quyền hưởng các dịch vụ y tế - xã hội và nhiều dịch vụ khác mà họ khó có thể có được ở một nhà nước Palestine độc lập còn trên bàn đàm phán.
Về phía Israel, dường như họ muốn kéo dài tình trạng hiện nay càng lâu càng tốt. Bởi vì ngay sau khi cuộc đàm phán gián tiếp một ngày họ tuyên bố vẫn tiếp tục dự án xây dựng khu nhà định cư Do Thái tại Đông Jerusalem, nơi người Palestine cương quyết chọn làm thủ đô Nhà nước Palestine độc lập. Vì sao Israel không muốn thúc đẩy kế hoạch hai nhà nước tồn tại bên nhau? Nguyên nhân chính liên quan đến một trong hai điều kiện tiên quyết mà phía Palestine đòi hỏi là quyền hồi hương tất cả những người Palestine tị nạn đang sinh sống trên các phần lãnh thổ Israel. Nếu tất cả người Palestine sống trên vùng đất bị chiếm đóng được quyền hồi hương thì người Israel cảm thấy không yên ổn vì mất đi lá chắn an ninh là cộng đồng người Palestine. Bên cạnh đó, đây cũng là lực lượng lao động chủ yếu đóng góp cho nền kinh tế Israel.
Sau những cuộc xung đột đẫm máu, sau những lần bỏ lỡ cơ hội hòa bình, tiến trình hòa bình Trung Đông giờ đây dường như lại một lần nữa lỡ hẹn bởi vì những vấn đề xã hội phát sinh hàng chục năm qua không thể nào giải quyết được. Cùng với thái độ không thiện chí của Israel, được người đồng minh Mỹ dung túng, con tàu hòa bình Trung Đông đã lỡ, càng xa vời hơn bao giờ hết!
Xuân Hạnh