
Ngày 30-10, Trung Quốc tiếp tục phóng thành công hai vệ tinh truyền thông và thông tin liên lạc tự tạo đầu tiên SinoSat-2, bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Đây là lần phóng vệ tinh thành công thứ 51 của nước này kể từ tháng 10-1996 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh. Điều này thêm một lần nữa tái khẳng định những hoài bão và nỗ lực của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đã gặt hái không ít thành công trong suốt 30 năm qua.
Quyết tâm chinh phục vũ trụ
Vào ngày 23-10, theo lời tuyên bố của một quan chức hoạt động trong ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, ngành công nghiệp vũ trụ của cường quốc châu Á này hiện đang ấp ủ kế hoạch mô phỏng hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Galileo của châu Âu, thông qua việc phát đi tín hiệu với tần số M giống như của vệ tinh định vị dẫn đường của Mỹ để kiềm chế ưu thế về mặt quân sự của hệ thống vệ tinh này. Vào năm 2000 - 2003, Trung Quốc đã phóng thành công 3 vệ tinh định vị dẫn đường “Bắc Đẩu-1”, khiến Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới xây dựng được hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường hoàn chỉnh, sau hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Mỹ (GPS) và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS) của Liên Xô cũ.

Trước đó, Trung Quốc đã không che giấu tham vọng trở thành một trong những nước có ngành công nghiệp vũ trụ phát triển nhất thế giới. Theo nguồn tin được tiết lộ, số tiền đầu tư cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc hiện nay đã lên đến hàng tỷ USD cùng với đội ngũ chuyên gia nghiên cứu lên đến hàng trăm nhà khoa học.
Mục tiêu của việc phát triển ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc nhằm vươn tới trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, kỹ thuật ứng dụng điều khiển từ xa của Trung Quốc đã phát huy vai trò rất hữu ích trong lĩnh vực khảo sát tài nguyên lãnh thổ, xây dựng sinh thái, quan sát và ước tính sản lượng vụ mùa bảo vệ môi trường.
Dự kiến, Trung Quốc cũng sẽ phóng thêm nhiều tàu vũ trụ nữa để thám hiểm mặt trăng và với khả năng kỹ thuật hiện nay, ngành vũ trụ Trung Quốc đang gấp rút lập kế hoạch đưa khách du lịch muốn thám hiểm không gian trong tương lai gần. Gần đây, các quốc gia Mỹ và Nga đều đã thực hiện thành công việc này góp phần đem lại nguồn kinh phí không nhỏ trong việc phát triển lĩnh vực nghiên cứu hàng không vũ trụ.
Giữa tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã công bố sách trắng thứ 2 về “Hoạt động vũ trụ của Trung Quốc năm 2006 nhằm mục đích đề ra những mục tiêu phát triển và nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp vũ trụ trong 5 năm tới. Theo kế hoạch, quốc gia này sẽ phóng vệ tinh thăm dò mặt trăng đầu tiên trong năm tới. Vệ tinh trị giá 175 triệu USD sẽ bay một năm để thu thập các số liệu về môi trường và bề mặt mặt trăng. Đây chỉ là một phần trong dự án gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 2 sẽ đưa thiết bị lên thăm dò mặt trăng năm 2012 và giai đoạn 3 là đưa tàu module lên thu thập mẫu đất đá năm 2017.
Khát vọng vươn xa
Từ vị trí đứng ngoài ngành hàng không vũ trụ, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 5 tự phóng vệ tinh nhân tạo vào năm 1970 sau khi phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Đông Phương Hồng 1 vào không gian. Tiếp theo, vào những năm 1990, ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc tiếp tục vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ sau những thử nghiệm thành công về việc phóng tàu không gian Thần Châu không người lái.

Năm 2003, tàu Thần Châu 5 mang theo phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, Dương Lợi Vĩ, được phóng thành công đánh dấu một mốc son trong lịch sử hàng không vũ trụ không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn khu vực châu Á, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới đưa thành công phi hành gia vào không gian.
2 năm sau, thêm một thành công nữa của tàu Thần Châu 6 đưa tiếp 2 phi hành gia càng tái khẳng định vị thế của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc trên toàn thế giới. Đồng thời thúc đẩy nước này đạt được những tiến bộ lớn hơn trong chương trình nghiên cứu vũ trụ. Trước những thành công gặt hái từ năm 2003, Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện việc chế tạo tàu vũ trụ Thần Châu 7 tiếp tục việc chinh phục vũ trụ lần thứ 3.
Tuy không thể phủ nhận những thành công vượt bậc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã đưa quốc gia này trở thành cường quốc phát triển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đứng thứ 3 trên thế giới nhưng hiện vẫn còn tồn tại khoảng cách khá xa để bắt kịp hai cường quốc đi đầu là Mỹ và Nga. Nhưng người Trung Quốc vẫn đang hy vọng rút ngắn những khoảng cách về khoa học công nghệ để thu được những thành tựu lớn hơn về lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Theo Giám đốc Cục hàng không Trung Quốc, ông Tôn Lai Yến, trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ nghiên cứu và chế tạo tên lửa đẩy có tính năng cao, không độc hại, tiếp tục chương trình phóng tàu vũ trụ có người điều khiển và bước ra khoảng không đồng thời thử nghiệm ghép nối các module vũ trụ với nhau và nghiên cứu nguồn tài nguyên trên mặt trăng bằng cách xây dựng phòng thí nghiệm không gian trong quỹ đạo.
Thám hiểm và nghiên cứu vũ trụ là ước mơ và khao khát từ muôn đời nay của người Trung Quốc. Cho đến nay, ước mơ ấy đã phần nào trở thành hiện thực do sự nỗ lực cố gắng và không ngừng phát huy những khả năng vốn có trong đội ngũ khoa học kỹ thuật tại quốc gia này.
THANH HẰNG