Tờ Kinh tế tham khảo Trung Quốc số ra ngày 28-6 đã đăng tải bài viết của ông Lưu Minh Khang, Chủ tịch Ủy ban Giám sát hoạt động ngân hàng thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBRC), phân tích vì sao nước này tránh được cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Theo tác giả, một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn ảnh hưởng cuộc khủng hoảng dây chuyền giữa ngân hàng các nước trên thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng là thiết lập “bức tường lửa” ngăn cách ngân hàng và các thị trường vốn.
Hầu hết các ngân hàng quốc tế chìm vào khủng hoảng là do họ “quên đi” nguyên tắc giám sát căn bản này hoặc cho rằng nguyên tắc này đã lạc hậu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế “bức tường lửa” trong cuộc cải cách hệ thống tài chính của mình. Chỉ có những ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn mới được phép tham gia vào các hoạt động phi ngân hàng và có những “bức tường lửa” nghiêm ngặt để ngăn cách chúng.
Trung Quốc cho rằng nguồn cung cấp vốn chính cho các ngân hàng luôn đến từ tiền gửi. Do vậy, CBRC đã đề ra quy định dựng các “bức tường lửa” giữa các ngân hàng thương mại với những cổ đông của họ; giữa các ngân hàng thương mại với các chi nhánh của họ có hoạt động không thuộc lĩnh vực ngân hàng nhằm ngăn ngừa nguy cơ rủi ro lây lan.
Thực tế đã cho thấy những công cụ truyền thống đã phát huy tác dụng, đặc biệt là khi hoạt động tài chính có thể bị sai chức năng. Điều này càng được khẳng định khi thời gian gần đây nhiều tổ chức giám sát các hoạt động của các thị trường trên thế giới đã quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản này.
Trong giai đoạn 2003-2008, tổng tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc tăng 1,3 lần lên tới 3.470 tỷ nhân dân tệ (khoảng 508 tỷ USD), trong khi lợi nhuận của ngành đạt 521,8 tỷ NDT, tăng 17 lần.
Ngành ngân hàng Trung Quốc có được thành tích tốt như vậy một phần là do những quy định ngân hàng thận trọng của Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng các ngân hàng có gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế thực (kinh tế sản xuất ra hàng hóa) và lĩnh vực tài chính tạm thời không nằm trong nền kinh tế thực.
Trên thực tế, khi những người tham gia thị trường cùng đi theo một hướng thường có tâm lý hùa theo và cổ súy bất hợp lý. Nên CBRC luôn kiểm tra lại những báo cáo giám sát và giữ quyền thanh tra cuối cùng, đặc biệt là đối với những sáng kiến cải tiến các sản phẩm tài chính mới.
Nếu như có ngân hàng nào đó lơ là hoặc thiếu những công cụ để xem xét mức độ rủi ro mang tính hệ thống, thì CBRC sẽ tiến hành những đánh giá về mặt kỹ thuật, giám sát những thay đổi và báo động cho các ngân hàng khi họ nhìn thấy những tiềm năng rủi ro của hệ thống ngân hàng, rồi từ đó đưa ra những biện pháp ngăn chặn rủi ro lây lan giữa các thị trường.
Phương An