Trung Quốc - Một nền kinh tế lớn

Trung Quốc - Một nền kinh tế lớn

Theo tuyên bố ngày 20-12-2005 của người đứng đầu Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số GDP của nước này trên thực tế còn cao hơn 16,8% so với kết quả chính thức được công bố trước đó do chưa tính đến lĩnh vực các dịch vụ cơ bản. Nếu đúng như khẳng định này, Trung Quốc đã vượt qua Italia để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới.

Còn nếu tính cả GDP của Hồng Công (thường được tính riêng) thì kinh tế Trung Quốc đã nhảy lên hàng thứ tư chỉ sau Mỹ, Nhật và Đức. “Hiện tượng Trung Quốc” – đó là từ mà nhiều chuyên gia trên thế giới đã dùng khi nói về những bước tiến nhảy vọt của quốc gia này.

  • Những thành công đáng ghi nhận

Thời điểm cuối năm 2005 đã ghi nhận một loạt những bước tiến vượt bậc của Trung Quốc, mà điển hình nhất là vụ phóng thành công tàu vũ trụ “Thần Châu-6”. Nhưng đối với người dân Trung Quốc, một sự kiện không kém phần quan trọng khác lại là hội nghị toàn thể BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 8 đến 11 tháng 10 vừa qua, với trọng tâm soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006 - 2010.

Trung Quốc - Một nền kinh tế lớn ảnh 1

Một góc thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Theo những kết quả thống kê từ trước hội nghị này, chỉ trong giai đoạn từ 1978 - 2004, GDP của Trung Quốc đã tăng trung bình 9,4% mỗi năm và đạt được con số 13,65 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,65 ngàn tỷ USD). Hiện nay, Trung Quốc đang đứng thứ 6 thế giới về tiềm lực kinh tế, và thứ ba thế giới về khối lượng thương mại.

Đến cuối năm 2004, Trung Quốc đã thu hút được tổng cộng 562,1 tỷ USD tiền đầu tư của nước ngoài, khuyến khích thành lập hơn nửa triệu xí nghiệp nước ngoài và xây dựng một thị trường nhập khẩu khổng lồ với tổng doanh thu hàng năm gần 560 tỷ USD. Hiện có khoảng gần 400 công ty nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới (theo Tạp chí Forbes) có đầu tư vào Trung Quốc.

Số lượng các trung tâm nghiên cứu khoa học được thành lập bởi các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã vượt quá con số 700. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tích cực mở rộng các thị trường của mình, tìm kiếm những cách thu hút vốn nước ngoài mới, cải thiện luật pháp để lôi kéo và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể nêu ra nhiều con số khác chứng minh về mức độ phát triển của đất nước này. Như số lượng xe hơi tư nhân tại Trung Quốc cho đến cuối năm 2004 đã đạt mức 6 triệu chiếc. Bằng cách này, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tổng số thuê bao điện thoại và người dùng Internet đạt kỷ lục tương ứng là 650 triệu và 94 triệu.

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân ở thành thị cũng như nông thôn. Đến cuối năm 2004, tại 5 thành phố lớn và trung bình của Trung Quốc đã hình thành những hệ thống cho thuê nhà giá rẻ dành cho các gia đình có thu nhập thấp. Chính phủ cũng đặc biệt chú ý đến chính sách xóa đói giảm nghèo với ngân sách 12,2 tỷ nhân dân tệ trong năm 2004, giúp cho tỷ lệ dân nghèo tại nông thôn đã giảm 2,9 triệu người so với năm 2003.

Tuy nhiên, tình trạng phát triển quá nóng của nền kinh tế cũng là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề. Trước tiên phải kể đến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Các số liệu chính thức cho thấy, GDP tính theo đầu người ở những tỉnh miền đông giàu có của Trung Quốc cao gấp 10 lần so với các khu vực còn nghèo ở phía tây. Hiện 10% gia đình có thu nhập cao đang sở hữu khoảng 40% tổng số tài sản tư nhân của người dân Trung Quốc.

Nghị quyết của BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thẳng thắn nhìn nhận và nêu ra những mục tiêu giải quyết thực trạng này. Theo đó trong vòng 5 năm tới, phải giảm bớt đáng kể khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, ngăn chặn hiện tượng phân cực hóa xã hội.

Đáng chú ý là các dự án xây dựng những làng xã hội chủ nghĩa kiểu mới cùng với các biện pháp nâng cao mức thu nhập của người dân nông thôn. Nếu đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc dự kiến đến năm 2010 sẽ tăng gấp đôi chỉ số GDP trên đầu người so với năm 2000.

  • Nỗ lực tạo ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu

“Trung Quốc chúng tôi – theo như tuyên bố mới đây của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – đã xác định được mục tiêu cho 20 năm đầu tiên của thế kỷ mới. Mục đích tựu trung là nhất định phải sử dụng những khả năng chiến lược để xây dựng một xã hội phồn vinh với những tiêu chuẩn cao đảm bảo được quyền lợi cho cả hơn một tỷ người dân”. Rõ ràng là với những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong 20 năm qua, người ta có thể tin tưởng về khả năng đạt được mục tiêu này.

Các nhà bình luận phương Tây ghi nhận, những động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ xu hướng củng cố sức mạnh kinh tế đất nước bằng một đường lối đối ngoại rộng mở và quả quyết trong khuôn khổ một chiến lược đối ngoại dài hạn mới. Có thể nhắc tới chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Ấn Độ vào tháng 4 năm nay, theo đó hai quốc gia có số dân đông nhất thế giới đã tuyên bố về một liên minh hợp tác chiến lược.

Ngoài ra còn một loạt những sự kiện đáng chú ý khác: cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với hai lãnh tụ đảng phái chính trị Đài Loan; vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, trong việc lựa chọn Tổng thư ký LHQ mới sau nhiệm kỳ của ông Annan; việc Trung Quốc mua một số mỏ dầu ở những quốc gia xa xôi như Sudan và Angola v.v…

Với những chính sách kiểu như vậy, theo các nhà phân tích Mỹ, Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một “đối thủ ngang hàng” với Mỹ – có nghĩa là trở thành một cường quốc có đủ tiềm lực về kinh tế và quân sự để tranh giành ảnh hưởng thống trị của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã bày tỏ mối lo ngại về việc chính phủ nước này đã tăng đáng kể những chi phí cho quốc phòng. Nhưng phía Trung Quốc đã công khai giải thích, những khoản đầu tư đáng kể trên chỉ nhằm hiện đại hóa về căn bản lực lượng vũ trang của mình, nhằm xây dựng một quân đội tinh giảm về biên chế nhưng đảm bảo được tính chất hiện đại và chuyên nghiệp.

Tất cả những mục tiêu cụ thể đã được Bắc Kinh nêu rõ trong cuốn “Sách trắng về các vấn đề quốc phòng” được công bố vào năm 2004. Đó là lý do khiến ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm nay tăng tới 12,6% so với năm trước, đạt mức 247,7 tỷ NDT (29,9 tỷ USD). 

LINH NGA
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục