Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất

Ngày 26-6, ngay sau lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường đã hội đàm.
Thủ tướng Lý Cường chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Lý Cường chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Theo TTXVN, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong - Lan Thương...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Lý Cường khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Đánh giá cao sự phát triển kinh tế nhanh chóng và môi trường kinh doanh năng động của Việt Nam tại khu vực, Thủ tướng Lý Cường nhận định hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có mức độ bổ trợ cao và còn tiềm năng rất lớn; cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.

Đồng thời đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về hạ tầng cơ sở, giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất…

Nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Hai bên đi sâu trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí duy trì phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trong khu vực và trên thế giới; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế...

Kết thúc cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và công bố 4 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trên các lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh, giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu thông minh, nghiên cứu quản lý môi trường biển trong vịnh Bắc bộ.

Chiều 26-6, ngay sau khi đến TP Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề: Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước. Chia sẻ với WEF và các doanh nghiệp về những lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại.

Trong khi đó, lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan tâm tìm hiểu về các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống giao vận (logistics), tiến trình triển khai dự án quy hoạch điện VIII, tình hình đẩy mạnh chuyển đổi số...

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026. Thủ tướng cũng đã tiếp ông Robert H. McCooey Jr., Phó Chủ tịch Tập đoàn Nasdaq (Hoa Kỳ)…

Tin cùng chuyên mục