30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Trưởng thành vượt bậc và chuyển biến vai trò mạnh mẽ

Ngày 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau 30 năm đồng hành cùng Hiệp hội, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật, khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 diễn ra ở Malaysia, tháng 7-2025. Ảnh: BNG
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 diễn ra ở Malaysia, tháng 7-2025. Ảnh: BNG

Thành viên đáng tin cậy

Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương, hành trình 30 năm tham gia ASEAN ghi dấu nỗ lực hội nhập sâu rộng cùng với đóng góp trách nhiệm của Việt Nam cho một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Từng bước học hỏi, thích nghi và tham gia với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đã vươn lên cùng các nước thành viên đóng góp định hướng con đường phát triển của ASEAN, định hình các tiến trình hợp tác của ASEAN.

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương khẳng định, ASEAN hiện nay trở thành một hạt nhân trong các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực. Theo Đại sứ, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nghĩa vụ luân phiên trong ASEAN. Gần nhất, với vai trò Chủ tịch ASEAN trong nhiệm kỳ 2020, Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước cơn bùng phát của đại dịch Covid-19, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như: Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED)…

Về đóng góp của Việt Nam trong ASEAN, Đại sứ Malaysia (nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025) tại Việt Nam, ông Dato’ Tan Yang Thai nhận định, là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN, Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế thương mại toàn cầu của ASEAN khi đóng vai trò then chốt trong việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại nội khối; tích cực hỗ trợ các mục tiêu hội nhập kinh tế của ASEAN, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công. Theo Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, sau 30 năm miệt mài nỗ lực kể từ khi mới tham gia ASEAN, Việt Nam giờ đây là một thành viên đáng tin cậy, có những đóng góp mang tính xây dựng đối với sự đồng thuận của “mái nhà chung”.

Giáo sư Hal Hill thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định: Việt Nam gia nhập ASEAN là một trong những bước phát triển chiến lược và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại khu vực. Cùng ý kiến với Giáo sư Hill, Giáo sư Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU) chia sẻ những đánh giá sâu sắc về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN suốt ba thập kỷ qua. Theo Giáo sư Chu Hoàng Long, trong 30 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật là giúp ASEAN hoàn thiện cấu trúc “một Đông Nam Á” toàn diện.

Còn theo học giả kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn, cam kết nhất quán của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, thị trường mở và hòa bình khu vực đã góp phần định hình chương trình nghị sự của ASEAN một cách có ý nghĩa. Ông Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã xác định rõ hai mục tiêu trọng tâm: phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Chính hai mục tiêu kép này đã thúc đẩy quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Tầm nhìn hướng đến tương lai

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) đầu tháng 7 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong giai đoạn bất ổn hiện nay, đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN cùng cam kết mạnh mẽ về phát triển bao trùm và bền vững tiếp tục là kim chỉ nam dẫn dắt Cộng đồng ASEAN.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề xuất 3 định hướng trọng tâm cho ASEAN trong thời gian tới. Thứ nhất, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Thứ hai, hướng tới một cộng đồng số hóa hàng đầu, ASEAN cần đẩy nhanh đàm phán hiệp định khung kinh tế số, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ… Thứ ba, để xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân, ASEAN cần tăng cường kết nối với người dân. Vai trò của ASEAN không chỉ hiện diện qua các tuyên bố cấp cao mà quan trọng hơn, cần được lan tỏa thông qua các hành động cụ thể và thiết thực.

Nhìn về tương lai, các chuyên gia về ASEAN như Giáo sư Chu Hoàng Long, Giáo sư Hal Hill, học giả Kavi Chongkittavorn cho rằng trước các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, an ninh biển, hay cạnh tranh công nghệ - kinh tế giữa các nước lớn, ASEAN cần giữ vững tiếng nói chung. Trong vai trò là một thành viên chủ chốt, Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa các nước thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài. Trong tiến trình này, Việt Nam có thể đóng vai trò “cầu nối”, nhờ quan hệ thực chất và linh hoạt với cả Mỹ và Trung Quốc, trên nền tảng đôi bên cùng có lợi.

Vai trò tiên phong của TPHCM

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước và là nơi có các cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế của cả phía Nam, trong đó có các cơ quan lãnh sự của các thành viên ASEAN. Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM vừa mở rộng thành siêu đô thị, các hoạt động ngoại giao, gắn kết với các thành viên ASEAN càng trở nên sôi động, nhất là trong quan hệ ngoại giao nhân dân.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM (HUFO), trong những năm qua, HUFO đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức và tổng lãnh sự quán các nước ASEAN tại TPHCM để góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung với các nước thành viên ASEAN. Cụ thể là phối hợp với tổng lãnh sự quán các nước ASEAN tổ chức Ngày hội ASEAN, Tuần lễ Văn hóa ASEAN, Liên hoan Ẩm thực ASEAN, triển lãm ảnh và giao lưu văn nghệ. Tổ chức tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ hữu nghị nhân kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN (8-8) và ngày quốc khánh các nước ASEAN.

Ông Hồ Xuân Lâm chia sẻ các hoạt động hỗ trợ kết nối và hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục luôn được HUFO ưu tiên, trong đó có kết nối các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại TPHCM với các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức ASEAN để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư. Các bên cùng phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, du lịch, logistics, chuyển đổi số, phát triển bền vững giữa TPHCM và các thành phố trong ASEAN. HUFO cũng hợp tác cùng các trường đại học, tổ chức thanh niên tổ chức diễn đàn, trại hè, cuộc thi tìm hiểu về ASEAN, giúp thế hệ trẻ TPHCM nâng cao nhận thức và tinh thần cộng đồng ASEAN, HUFO còn hỗ trợ các hoạt động giao lưu thể thao, nghệ thuật dành cho sinh viên và thanh niên ASEAN đang học tập, làm việc tại TPHCM.

PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á TPHCM (VAFA), cho biết, thời gian qua VAFA đã không ngừng nỗ lực phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả trong việc tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Thông qua các hoạt động phong phú và sáng tạo, Hội đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, khẳng định bản sắc Việt Nam trong lòng Cộng đồng ASEAN.

Tin cùng chuyên mục