
Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ hiện có 20 triệu phương tiện giao thông (dự kiến tăng gấp 7 lần trong 15 năm tới). Từ đầu thập niên 1990, lượng tiêu thụ dầu tại Trung Quốc tăng 7,5%/năm, gấp 7 lần tỉ lệ tiêu thụ tại Mỹ. Đến trước năm 2030, Trung Quốc có thể cần 13 triệu thùng dầu nhập khẩu/ngày, tương đương mức nhập khẩu của Mỹ. Việc Công ty Dầu Hải Dương quốc gia (CNOOC) của Trung Quốc thắng thầu mua hãng dầu Mỹ Unocal vào thượng tuần tháng 7-2005 là sự kiện rõ nhất và thời sự nhất của chiến lược an ninh năng lượng Trung Quốc.
- Tiếp cận toàn cầu

Một hợp đồng giữa Công ty Dầu Hải Dương quốc gia (Trung Quốc) và hãng dầu nhớt Shell (Anh).
Khi đến Trung Quốc năm 2004 và mời giới đầu tư nước này thăm khu mỏ dầu tại bang mình, thủ hiến Alberta (Canada) Ralph Klein không nghĩ rằng phía Trung Quốc phản hồi nhanh như vậy. Chỉ một tuần sau khi Ralph Klein trở về Canada, một số viên chức điều hành Trung Quốc đã có mặt tại Alberta để thăm khu công nghiệp dầu khu vực trên, nơi được tin có trữ lượng dầu chỉ đứng sau Saudi Arabia.
Đến nay, 3 công ty dầu nhà nước Trung Quốc đã đầu tư vào Alberta, trong đó có 40% cổ phần trong một dự án 3,6 tỉ USD. Khắp thế giới, từ Trung Á, Trung Đông đến châu Phi, gần như nơi nào cũng có bóng dáng kỹ sư dầu Trung Quốc.
Dân Saudi Arabia hiện hàng ngày có thể xem chương trình truyền hình vệ tinh Trung Quốc trong khi các mũi khoan dầu Trung Quốc tiếp tục ngày đêm xuyên vào mỏ Saudi Arabia. Trung Quốc cũng chiếm được cảm tình Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và giành nhiều hợp đồng quan trọng. Không chỉ Venezuela (vốn đối nghịch Washington), Bắc Kinh cũng chiếm ưu thế tại những quốc gia dầu hỏa không thuộc đồng minh Mỹ, chẳng hạn Iran. Và gần đây nhất, Trung Quốc cũng “đột kích” thẳng vào Mỹ với vụ thắng thầu mua hãng dầu Unocal bởi CNOOC, công ty mà nhà nước Trung Quốc chiếm 71% vốn (Hạ viện Mỹ hiện tiếp tục tìm cách ngăn cản thương vụ).
Năm 1985, báo chí Trung Quốc từng tung lên trang nhất sự kiện người nông dân đầu tiên mua được xe tải riêng. Đến giờ thì phương tiện canh tác cũng như giao thông đã bùng nổ ở tốc độ phi nước đại. Điện nói riêng và năng lượng nói chung là yếu tố chiến lược sống còn. Tháng 10-2004, Bắc Kinh đã thuyết phục thành công để Teheran ký hợp đồng trị giá 70 tỉ USD giúp các công ty dầu Trung Quốc chiếm 51% cổ phần trong dự án khai thác mỏ dầu khổng lồ Yadavaran (mỏ dầu lớn nhất Iran).
Xét riêng ở góc độ chính trị, Bắc Kinh đã thắng Washington trong việc giành Teheran (Thứ trưởng Bộ Dầu hỏa Iran Seyed Mohammed Hadi Nejad Hosseinian từng nói rằng sức ép của Mỹ đã đẩy Iran nghiêng về Trung Quốc). Los Angeles Times (17-7-2005) cho biết, Bộ Năng lượng Mỹ mới đây đã mở một văn phòng tại Bắc Kinh, nhằm tạo cầu nối trực tiếp cho các cuộc đàm phán liên quan đến chiến lược dầu. Mâu thuẫn Bắc Kinh-Washington quanh “chính trị dầu” cũng thể hiện ở Sudan, nơi Công ty Dầu quốc gia Trung Quốc (thuộc nhà nước) nắm 41% cổ phần trong Petrodar (tập đoàn dầu chủ lực của Sudan). Như với Iran, Mỹ cũng không quan hệ tốt với Sudan.
Và giống phát biểu của thứ trưởng Bộ Dầu hỏa Iran Nejad Hosseinian, Bộ trưởng Thông tin Sudan Abdel Basit Sabdarat cũng nói rằng chính Mỹ đã đưa Sudan “rơi vào vòng tay Trung Quốc”. “Quan hệ chúng tôi (Sudan-Trung Quốc) là chiến lược. Chúng tôi không thể cắt bỏ nó vì Mỹ đã buộc chúng tôi phải làm như vậy” – Abdel Basit Sabdarat nói.
- Chiến thuật ngoại giao

Nhiên liệu là vấn đề sống còn của sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
Với các quốc gia Trung Á, Chính phủ Bắc Kinh tất nhiên có nhiều động thái ngoại giao rõ ràng. Khi đến Bắc Kinh cách đây gần hai tháng, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã được tiếp đón trọng thị và sau tiệc chiêu đãi, một dự án hợp tác khai thác dầu trị giá 600 triệu USD giữa hai nước đã được ký. Với châu Phi, Trung Quốc cũng “cạnh tranh” với Mỹ trong chính sách đối ngoại, trong đó có chương trình xóa nợ tổng cộng 1,2 tỉ USD.
Tại Luanda – thủ đô Angola, người ta bắt đầu thấy kỹ sư dầu hỏa Trung Quốc. Bắc Kinh đã làm hài lòng Chính phủ Angola bằng chương trình hiện đại hóa Luanda cũng như nhiều vùng quê nghèo nước này (Trung Quốc xây cầu đường, nhà ga và hiện có chương trình cho vay hỗ trợ xây dựng hạ tầng với chi phí 2 tỉ USD). Angola – nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Saudi Arabia (300.000 thùng/ngày) – là một trong những quốc gia châu Phi nhận được viện trợ của Trung Quốc nhiều nhất.
Không chỉ Angola, kỹ sư Trung Quốc đã lợp lại mái dinh tổng thống cho Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe; trải nhựa đường cho làng quê Rwanda, xây đường xe lửa cho Nigeria; và lập cầu cảng cho Gabon (tháng 2-2004, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Gabon).
Thượng tuần tháng 7-2005, Bắc Kinh tuyên bố giúp phóng một vệ tinh viễn thông cho Nigeria vào trước năm 2007. Với Saudi Arabia, Bắc Kinh hẳn nhiên quan tâm nhiều hơn hết. Quan hệ Saudi Arabia-Trung Quốc cũng là quan hệ chiến lược. Công ty dầu nhà nước Saudi Arabia Aramco đã mở văn phòng tại Bắc Kinh và Saudi Arabia cũng mở lãnh sự quán tại Hong Kong. Đầu tháng 7-2005, Saudi Arabia đầu tư vào một nhà máy lọc dầu ở Nam Trung Quốc. Hiện thời, dishdashas – bộ trang phục trắng toát truyền thống của dân Saudi Arabia – (hầu hết) đều được sản xuất tại Trung Quốc!
Sự lấn át của Trung Quốc (ở đây chỉ nói đến lĩnh vực đầu tư dầu hỏa) cho thấy một thực tế rằng Washington đã thất bại trong một số chiến lược ngoại giao và tạo khoảng trống cho Trung Quốc bước vào. Cụ thể, có thể đơn cử trường hợp Canada. Quan hệ Mỹ-Canada liên tiếp căng thẳng vài năm gần đây quanh vấn đề Iraq, chiến thuật phòng vệ tên lửa của Mỹ và cả vấn đề mậu dịch song phương. Đây là thời điểm thuận lợi để TQ tiếp cận Canada. Đầu tư Trung Quốc vào Canada được thực hiện từng chặng, đầu tiên là CNOOC mua cổ phần trị giá 124 triệu USD trong công ty năng lượng tư nhân nhỏ MEG Energy. Tiếp đó, PetroChina International ký hợp đồng hàng tỉ đôla trong dự án ống dẫn…
Tương tự Canada, Trung Quốc cũng giành được “mối” Venezuela. Tháng 1-2005, Venezuela đã hứa cung cấp 100.000 thùng dầu/ngày cho Trung Quốc (Mỹ nhập 1,3 triệu thùng dầu/ngày từ Venezuela). Tháng 7-2005, Trung Quốc cho biết họ tiếp tục củng cố quan hệ nhiều chiều với Venezuela bằng chương trình xã hội trong đó dùng nhân công Venezuela để xây 10.000 căn nhà tại khu đất thuộc quản lý nhà nước… Còn nữa, quan hệ xấu dần giữa Washington và Brasilia cũng khiến Brazil tiến gần đến Trung Quốc. Trung Quốc và Brazil đang hợp tác trong nhiều dự án nhiệt điện và khí đốt...
- Mối lo của Mỹ
Trên ngôn từ ngoại giao chính thức, Mỹ nói rằng họ không có ý cản trở Trung Quốc trong việc mở rộng chính sách an toàn năng lượng. “Chúng tôi sẽ không đi khắp thế giới để cố đón đầu Trung Quốc ở chiến lược năng lượng” – phát biểu của Karen Harbert, trợ lý Bộ trưởng Năng lượng, đặc trách chính sách quốc tế; và rằng Trung Quốc “không là mối đe dọa cho quyền lợi Mỹ cũng như là nguy cơ đối với các công ty Mỹ”.
Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ (với đại diện Mỹ là Thứ trưởng ngoại giao Robert B. Zoellick) tổ chức vào hạ tuần tháng 7-2005 tới đây, vấn đề năng lượng và chính sách an toàn dầu hỏa Trung Quốc chắc chắn sẽ được bàn. “Sự tranh giành dầu hỏa có thể dẫn đến xung đột vũ trang, đặc biệt với Trung Quốc” – Milton Copulos, Chủ tịch Tổ chức hội đồng quốc phòng quốc gia, thậm chí đã tường trình như vậy trong cuộc họp Hạ viện Mỹ về năng lượng toàn cầu vào tháng 3-2005, nhằm làm đậm vấn đề để gây sức ép yêu cầu Hạ viện Mỹ can thiệp trong vụ CNOOC mua Unocal cũng như nhiều vụ tương tự trong tương lai.
Trước mắt, Trung Quốc đã đi trước đối thủ Mỹ khi giành quyền ưu tiên đàm phán với Nga về dự án tuyến ống dẫn 2.400km trị giá 2,5 tỉ USD cung cấp 700 triệu tấn dầu thô từ Nga trong 25 năm. Trung Quốc và Kazakhstan gần đây cũng thỏa thuận xây tuyến ống dẫn 2,5 tỉ USD đưa 20 triệu tấn dầu/năm đến Tây Trung Quốc...
Từ khi nhập khẩu dầu năm 1993 đến nay, Trung Quốc đã có mặt trên toàn cầu, với vô số thương vụ dầu hỏa-khí đốt đầu tư tại 30 quốc gia. Trong CNOOC, người ta thấy có rất nhiều kỹ sư phương Tây tốt nghiệp Đại học California và Viện Công nghệ Massachusetts. Và nếu còn thông tin nào thú vị nhất chưa được kể, xin nói thêm rằng CNOOC từng mời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger cũng như nhiều doanh nhân tên tuổi thế giới ngồi vào ban cố vấn của họ!
LÊ THẢO CHI