Dư luận Trung Quốc đang xôn xao với thông tin Trưởng ban Tin trong nước của Tân Hoa xã, ông Wan Wuyi, đột nhiên “mất tích” sau chuyến công tác tại Anh.
Theo tờ Daily Telegraph của Anh, ông Wan Wuyi, 58 tuổi, công tác tại Tân Hoa xã được 8 năm, đột nhiên biến mất sau khi hoàn thành khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ tại Đại học Oxford diễn ra từ ngày 22-5 đến 6-6. Hiện có nguồn tin cho rằng ông Wan đã “đào tẩu” khỏi Trung Quốc, vì có thể đang bị điều tra liên quan đến tham nhũng.
Phản ứng trước thông tin trên, Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại London Hei Dalong cho biết: “Đó hoàn toàn là tin đồn sai sự thật. Wan đã bị ốm hơn 1 tháng qua và đang trong quá trình hồi phục sức khỏe nhưng rất chậm chạp”.
Trưởng Phân xã Hei Dalong còn khẳng định: “Wan không thể đi đâu vào thời điểm này và ông ấy đang ở nhà tôi”. Tuy nhiên, một phóng viên khác lại cho hay Wan từng tìm cách bỏ trốn khỏi Trung Quốc và đáng chú ý là vợ của ông Wan hiện đã di cư sang Anh.
Chưa biết thông tin trên thực hư thế nào, nhưng theo Daily Telegraph nếu ông Wan thực hiện một cuộc đào tẩu, đây có thể là một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bỏ trốn khỏi nước này từ trước đến nay.
Trước đó, năm 2008, Yang Xianghong, nguyên Bí thư Đảng ủy một quận ở TP Ôn Châu tỉnh Chiết Giang đã mất tích trong chuyến công tác ở Pháp đúng thời điểm ông Yang bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng.
Năm 2003, nguyên Phó thị trưởng TP Ôn Châu từ năm 1995-1988, Yang Xiuzhu, cũng “hô biến” khỏi Trung Quốc để tránh bị kết tội nhận hối lộ khoản tiền trị giá 30 triệu USD lúc còn tại nhiệm. Chính phủ sau đó đã tịch thu được số tiền 5 triệu USD và đóng băng số tài sản và các tài khoản trị giá hơn 8,4 triệu USD. Thống kê của Bộ Công an Trung Quốc cho biết riêng trong năm 2009, đã có hơn 800 quan chức bị buộc tội biển thủ 9,7 tỷ USD đã cao chạy xa bay ra nước ngoài.
Trước tình trạng nhức nhối trên, Chính phủ Trung Quốc đã khẩn trương đưa ra các điều luật mới quyết tâm cắt bỏ “ung nhọt” đang gây náo loạn cho đời sống xã hội nước này. Ngày 25-7 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một điều luật mới, theo đó, các quan chức Đảng và Chính phủ Trung Quốc có vợ/chồng hoặc con định cư ở nước ngoài sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt khi xin hộ chiếu cá nhân và xuất ngoại.
Quy định mới này của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và Hội đồng Nhà nước nằm trong hàng loạt các nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc trong thời gian qua. Những đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định trên thường được gọi “quan chức trần trụi” có chiêu thức là đưa vợ con ra nước ngoài định cư rồi “tuồn” tiền và tài sản phi pháp vào tài khoản của vợ con họ.
Cho dù có bị bắt đi chăng nữa, số tiền bất chính chuyển vào tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài vẫn thuộc về gia đình của các vị quan tham này. Đây là một “mánh lới” mới của “các quan chức trần trụi” để tránh việc họ bị tịch thu tài sản khi bị gặp sự cố, như trường hợp ông Yang Xiuzhu. Ngoài ra, các “quan chức trần trụi” sẽ phải kê khai thu nhập, tài sản của vợ/chồng và con cái đang ở nước ngoài và phải thông báo với cơ quan chức năng khi có bất cứ sự thay đổi nào về tình hình tài chính.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từng nhấn mạnh, chống tham nhũng là vấn đề sống còn đối với chính phủ nước này. Tuy nhiên, với các mánh khóe ngày càng tinh vi của các quan tham, công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc vẫn thực sự là một thách thức.
ĐỖ CAO