Trước thềm năm học mới - Đau đầu bài toán nguồn nhân lực

Năm học 2016-2017 đã bước vào những ngày học đầu tiên đối với học sinh các bậc tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM. Nhưng đến nay, nhiều quận, huyện vẫn chưa hoàn tất công tác tuyển dụng giáo viên (GV), bài toán quản lý đội ngũ sau quy định cấm dạy thêm, học thêm của UBND TPHCM vẫn còn bỏ ngỏ...
Trước thềm năm học mới - Đau đầu bài toán nguồn nhân lực

Năm học 2016-2017 đã bước vào những ngày học đầu tiên đối với học sinh các bậc tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM. Nhưng đến nay, nhiều quận, huyện vẫn chưa hoàn tất công tác tuyển dụng giáo viên (GV), bài toán quản lý đội ngũ sau quy định cấm dạy thêm, học thêm của UBND TPHCM vẫn còn bỏ ngỏ...

Trước thềm năm học mới - Đau đầu bài toán nguồn nhân lực ảnh 1

Học sinh ở Trường Mầm non 30-4 quận 1 nghe cô đọc truyện tranh. Ảnh: Mai Hải


Trường xây xong, chờ giáo viên

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng qua 18-8, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, cho biết trong đợt khảo sát công tác chuẩn bị năm học mới vừa qua của Ủy ban MTTQ TP, đoàn đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của quận Bình Tân trong việc đưa thêm 10 trường mầm non vào sử dụng trong năm học mới. Trường, lớp xây xong khang trang, nhưng hiện nay toàn quận đang thiếu hơn 500 GV, dự kiến sẽ tiếp tục tuyển GV trong năm học. Tương tự, các quận như Thủ Đức, 12, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi năm học này đưa thêm vào sử dụng hàng trăm phòng học mới, nhưng vẫn chưa tuyển đủ số GV. Chỉ tính riêng bậc mầm non, năm nay quận Thủ Đức đưa thêm vào sử dụng 68 phòng học, cần bổ sung thêm 94 GV; huyện Bình Chánh tăng thêm 95 phòng học, Củ Chi tăng 82 phòng và Hóc Môn tăng 18 phòng. Ngoài ra, theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, toàn TP hiện còn 15 trên tổng số 86 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non công lập chưa kịp khởi công trước thềm năm học 2016-2017 do chờ bàn giao mặt bằng hoặc đang trong thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng cơ bản. Như vậy, trong thời gian tới, TP sẽ đưa thêm vào sử dụng hàng trăm phòng học mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Song một lần nữa, yếu tố con người lại đặt ra thử thách mới.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, đánh giá giáo dục TP đang dành nhiều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa chú ý đúng mức đến vấn đề đào tạo và bồi dưỡng GV. “Chỉ tính riêng năm học này, TP sẽ dành 36 tỷ đồng bồi dưỡng GV mầm non, chưa kể kinh phí bồi dưỡng GV tiếng Anh theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Những năm tiếp theo, ngân sách TP sẽ tiếp tục chi thêm hàng chục tỷ đồng, nhưng chúng ta vẫn đang thiếu một chiến lược đầu tư bền vững, lâu dài, không thể thực hiện mãi kiểu chắp vá hiện nay”, ông Năng bày tỏ. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị TP sớm trình Bộ Nội vụ đề án tăng thêm biên chế lao động cho TP, đặc biệt trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế để đảm bảo yêu cầu hoạt động, tránh tình trạng “việc chờ người” hiện nay.       

Dạy thêm, học thêm: Cấm hay không cấm?

Xung quanh quy định cấm dạy thêm, học thêm của UBND TPHCM, bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, thừa nhận đây là chủ trương đúng đắn. Song “trên thực tế có cháu không cần học thêm vẫn học tốt, có cháu cần bổ sung thêm kiến thức bị hổng từ các bậc học dưới, nên quy định cần hướng đến việc xác định rõ đối tượng nào được tham gia dạy thêm, học thêm. Quy định đặt ra phải đáp ứng nhu cầu người học chứ không phải nhu cầu người dạy, không phải là chuyện cấm hay không cấm mà nên có hướng dẫn, xác định tiêu chí rõ ràng”, bà Khánh bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Năng nêu ý kiến: “Theo tôi, cần quản lý chặt dạy thêm, học thêm chứ không nên cấm. Vì cấm cũng không được, cấm hình thức này sẽ nảy sinh hình thức khác đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Hơn nữa, chủ trương cấm chỉ tạo ra sự an toàn về mặt trách nhiệm chứ không quản được nhu cầu học tập có thật của người dân. Thay vào đó, cần phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực của thực trạng này”. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với quan điểm dạy thêm, học thêm không nên tổ chức đại trà gây mất kiểm soát, nhưng không thể cấm hoàn toàn vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Bà Nguyễn Thị Yến Thu đề xuất, thay cho chủ trương cấm, TP nên xác định rõ đối tượng học sinh nào được học thêm, quy định dạy học thế nào để vừa đảm bảo chất lượng giờ dạy chính khóa, vừa không nảy sinh tiêu cực từ việc tổ chức dạy thêm như thời gian qua.

Ngoài ra, nhiều vấn đề năm nào cũng được xới lên nhưng chưa có giải pháp quản lý hợp lý từ những người có trách nhiệm như quy định về mua bán đồng phục, cặp sách, nhãn vở; làm sao để phát huy tối đa nguồn lực của hệ thống giáo dục ngoài công lập; giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở trường công, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học đường… cũng được đặt ra tại hội nghị. Trước bài toán ngổn ngang đó, ông Lê Hoài Nam cho biết ngành giáo dục sẽ từng bước tìm cách tháo gỡ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

MINH QUÂN
 

Tin cùng chuyên mục