Trường Đại học Bách khoa TPHCM: Số hóa toàn bộ hệ thống quản lý

Ngày 10-10, Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Công ty Tư vấn thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển (Portcoast) đã chính thức đưa vào sử dụng công trình chuyển đổi số toàn bộ không gian trường tại cả 2 cơ sở.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM: Số hóa toàn bộ hệ thống quản lý

Theo đó, công trình thể hiện không gian 3 chiều của 29 tòa nhà và 50 phòng thí nghiệm điển hình của 12 khoa, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, thư viện của Trường Đại học Bách khoa TPHCM lên nền tảng số thông qua hệ thống hình 360 độ chất lượng cao. Người dùng sẽ có được góc nhìn tổng quan về môi trường học tập, sinh hoạt tại Trường Đại học Bách khoa, đáp ứng nhu cầu truyền thông, tuyển sinh từ xa của trường.

Ngoài ra, các chuyên gia của các tổ chức kiểm định quốc tế có thể dựa trên công trình để đánh giá tiêu chí cơ sở vật chất mà không cần tốn nhiều thời gian và chi phí. Tại đây, Portcoast cũng giới thiệu các chức năng mà giáo viên có thể ghi chú trực tiếp những điểm hư hỏng của thiết bị lên ảnh 360 độ của nền tảng này, sau đó nền tảng sẽ tự động thông báo đúng vị trí thiết bị cho cán bộ phụ trách qua email. Đây cũng là đặc điểm mới so với các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo 3D Virtual Tour, thường chỉ cung cấp trải nghiệm với hình ảnh 360. Khi được tích hợp vào công trình thực tế ảo, các tính năng “động” trên sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác và chi tiết về hệ thống hạ tầng của trường, giúp trường tối ưu hóa công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa…

Portcoast bước đầu cũng đã tích hợp một số đầu sách điện tử lên trên nền tảng số, cho phép sinh viên dùng chung cơ sở dữ liệu cùng lúc mà không giới hạn về không gian, thời gian truy cập. Trên không gian ảo của thư viện, sinh viên có thể di chuyển tới giá sách và chọn cuốn sách đã được số hóa để đọc chúng. Portcoast đã ứng dụng nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại như công nghệ định vị tọa độ và cao độ với các thiết bị GPS Trimble R12i, GPS Leica GS18i, Robotic Total Station Leica TS60; công nghệ 3D Laser Scanning với thiết bị Mobile Mapping Trimble MX50, thiết bị quét Laser Leica P50, Laser RTC 360,... để xây dựng công trình lần này.

Người dùng có thể trải nghiệm công trình trên nhiều nền tảng khác nhau, từ máy tính đến điện thoại/IPad và kính thực tế ảo (kính VR).

Được biết, đây là bước đi tiếp theo của Trường Đại học Bách khoa TPHCM sau khi tiến hành số hóa bài giảng, công tác hành chính, hệ thống quản lý học vụ. Và việc phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện công trình số hóa này cũng là một trong những hướng đi đúng trong mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong quản lý giáo dục nói chung và tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM nói riêng.

Tin cùng chuyên mục