Trường lớp cho năm học mới - Xây nhiều… vẫn thiếu

So với năm học trước, năm nay, số học sinh ở TPHCM tiếp tục tăng thêm trên 85.000 em. Dù thành phố đã đầu tư xây mới, nâng cấp 52 dự án trường học và đưa vào sử dụng thêm 1.537 phòng học mới nhưng cũng chỉ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng cơ học. Nhiều quận - huyện đang đau đầu trước áp lực thiếu chỗ học, sĩ số lớp học vượt chuẩn và khó mở thêm lớp.
Trường lớp cho năm học mới - Xây nhiều… vẫn thiếu

So với năm học trước, năm nay, số học sinh ở TPHCM tiếp tục tăng thêm trên 85.000 em. Dù thành phố đã đầu tư xây mới, nâng cấp 52 dự án trường học và đưa vào sử dụng thêm 1.537 phòng học mới nhưng cũng chỉ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng cơ học. Nhiều quận - huyện đang đau đầu trước áp lực thiếu chỗ học, sĩ số lớp học vượt chuẩn và khó mở thêm lớp.

Hy sinh “chuẩn” để đáp ứng “chỗ”

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2015 - 2016, UBND TPHCM tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho phát triển giáo dục, trong đó đầu tư xây mới, thay thế, nâng cấp mở rộng 52 dự án trường học. Tổng số phòng học mới đưa vào sử dụng là 1.537 phòng, trong đó ngay trong dịp khai giảng năm học mới sẽ khánh thành 941 phòng. Nhiều ngôi trường mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với nhiều phòng chức năng, thí nghiệm… khang trang, hiện đại. Tính đến giữa năm 2015, bằng nguồn vốn ngân sách TPHCM và nguồn vốn ODA, kế hoạch đợt 1 đã đầu tư cho 270 dự án từ khởi công xây dựng mới, chuyển tiếp, chuẩn bị thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư lên đến gần 2.100 tỷ đồng. Đó là chưa kể số kinh phí đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho năm học mới ở 24 quận - huyện, khối trường THPT, giáo dục thường xuyên là 329 tỷ đồng. Có thể nói, nhờ nỗ lực và quyết tâm cao của chính quyền TPHCM, các quận - huyện và ngành GD-ĐT, bức tranh trường lớp ở TPHCM không ngừng được cải thiện, khang trang hơn và có môi trường dạy - học tốt hơn.

Cơ sở vật chất trường lớp luôn là áp lực cho nhiều quận, huyện trong năm học mới. Ảnh: MAI HẢI

Thế nhưng, dù tốc độ xây trường mới, lớp mới ở TPHCM nhanh và nhiều nhất cả nước thì sự nỗ lực vượt khó này cũng không đáp ứng tốc độ tăng dân số cơ học chóng mặt ở các quận, huyện vùng ven. Theo Sở GD-ĐT, trong năm học mới này số lượng học sinh tăng so với năm học trước lên 85.000 em. Trong tổng số trên 1.500 phòng học mới đưa vào sử dụng, riêng bậc học mầm non đã chiếm 699 phòng và bậc tiểu học gần 400 phòng. Số lượng học sinh đầu cấp tăng theo cấp số nhân đã khiến nhiều quận - huyện đau đầu và chấp nhận tăng sĩ số, giảm lớp học bán trú để đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học này có 6 địa phương không có thêm phòng học mới, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 12, Tân Phú. Khó khăn nổi cộm về cơ sở vật chất phải kể đến các quận vùng ven như Thủ Đức, Bình Tân và quận 12. Điển hình nhất là quận 12, nhiều năm qua phải vật lộn với cái khó lưu cữu, thiếu chỗ học, áp lực tuyển sinh lớn và không thể mở rộng lớp học hai buổi/ngày vì dân số độ tuổi đi học luôn tăng cao. Tương tự, quận Gò Vấp, dù xây thêm gần 100 phòng học nhưng trước thực tế số học sinh tăng cao, ngành giáo dục xoay xở không kịp nên nhiều trường phải “hy sinh” chuẩn để đáp ứng chỗ học.

Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, quận Gò Vấp, TPHCM vui mừng được học trong ngôi trường mới.

3 năm và thách thức giảm sĩ số theo chuẩn?

Đó là nỗi niềm trăn trở chung của nhiều vị đứng đầu ngành giáo dục quận - huyện và lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM. Cứ vào đầu năm học, từ phòng GD-ĐT đến các trường lại bù đầu với bài toán cân đối, sắp xếp chỗ học, giải tỏa áp lực tuyển sinh đầu cấp. Tuy đảm bảo mục tiêu huy động 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp, nhưng ở bậc tiểu học và THCS, nhiều quận đành phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày và tăng sĩ số lớp học lên 50 em hoặc cao hơn. Điều này đi ngược với mục tiêu đặt ra là tăng tỷ lệ học sinh học bán trú và giảm sĩ số lớp học đạt chuẩn để mở rộng chương trình dạy tiếng Anh, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng tiên tiến, hiện đại.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Do thiếu vốn và giải ngân chậm, năm nay quận không có trường mới, lớp học mới kịp đưa vào sử dụng. Quận đang triển khai xây mới 6 trường với 250 phòng học cho năm học sau 2016 - 2017. Trước mắt để giải quyết chỗ học, các trường đành phải tăng sĩ số lên 50 em/lớp và vẫn cố gắng duy trì lớp học bán trú như năm học trước”.

Một vị quản lý ngành GD-ĐT ở quận ven bức xúc nói: “Nhìn các dự án xây trường mòn mỏi chờ vốn, chờ giải tỏa mặt bằng, những người làm quản lý giáo dục đau lòng lắm. Trường lớp xây chậm như rùa bò, trong khi đó học sinh cơ học tăng nhanh đến chóng mặt. Chỗ học, chỗ chơi và rèn luyện thể lực cho học sinh đều thiếu thì làm sao nghĩ đến chuyện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục?”.

Trong nhiều hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng nêu cái khó lưu cữu của TPHCM, khi cứ phải đuổi theo tốc độ tăng cơ học mỗi năm một lớn hơn.Vì thế, dù hàng năm ngân sách thành phố đã bỏ ra 3.000 - 4.000 tỷ đồng xây thêm hàng ngàn phòng học mới nhưng điệp khúc thiếu phòng ốc, thiếu chỗ học đạt chuẩn vẫn không thể khắc phục.

Để nắm rõ thực trạng về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016 và thực trạng tăng sĩ số học sinh trên địa bàn, UBND TPHCM đã thành lập hai đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế ở một số quận - huyện; trình báo cáo cho UBND TP để có kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế, tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục phát triển bền vững.

Để chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như dự thảo đặt ra, yêu cầu về sĩ số lớp học đạt chuẩn ở bậc tiểu học là 35 học sinh và bậc trung học là 45 học sinh. Làm thế nào để TPHCM vượt qua thách thức quá khó nếu không muốn nói là không tưởng này trong vòng 3 năm tới? Ngoài nỗ lực của TPHCM, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đầu tư cho giáo dục, bởi lẽ, mỗi năm TPHCM luôn phải gánh thêm số dân tăng cơ học tương đương một quận mới.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục