Từ bài viết Long đong sân khấu - Nỗi lòng người làm nghệ thuật

Sau bài viết
Từ bài viết Long đong sân khấu - Nỗi lòng người làm nghệ thuật

Sau bài viết Long đong sân khấu, phản ánh những trăn trở của người làm sân khấu khi cơ sở vật chất tạm bợ, thu nhập thấp, thiếu đội ngũ kế thừa…, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ người trong cuộc. Xin trích đăng những ý kiến tâm huyết trên.

Đạo diễn NGUYỄN HỒNG DUNG, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: Không an cư, khó lạc nghiệp

Sau 40 năm, sân khấu TP đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, từ thời kỳ hoàng kim trong thập niên 80 của thế kỷ trước, rồi chợt bừng sáng của đợt sóng xã hội hóa vào đầu năm 2000, đến nay lại đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Sân khấu vẫn sáng đèn, nhưng lượng khán giả thưa thớt. Hiếm có một đơn vị nghệ thuật nào dám biểu diễn liên tục 6/7 ngày trong tuần như trước đây. Ngay chính các diễn viên sân khấu cũng chia năm xẻ bảy cho sàn diễn, màn ảnh truyền hình…

Sân khấu xã hội hóa của TP một thời là hiện tượng, nhưng đến nay không còn mạnh như trước. Lực lượng biểu diễn nở nồi ghê gớm mà sàn diễn, sân khấu dành cho họ lại quá eo hẹp. TP đã rất quan tâm trong việc đầu tư tác phẩm, thậm chí là luôn rộng mở cho sáng tác. Nhưng đầu tư cho các lĩnh vực nghệ thuật đều có những đặc thù khác nhau. Nghệ thuật sân khấu đòi hỏi không chỉ có một tác giả mà còn cả một đội ngũ cùng sáng tạo, nên việc đầu tư cho tác phẩm như thời gian qua là chỉ có đầu vào mà không có đầu ra.

TP đang thiếu trầm trọng những nhà hát, rạp hát có quy mô và chuẩn mực. Không thể xem hội trường là sàn diễn chuẩn được. Không gian nghệ thuật không chỉ là quảng trường mà còn là không gian của sự cô đọng. Nếu tác giả nặn tim óc để viết ra tác phẩm chỉ để đọc và nằm trên giấy thì động lực nào có thể khiến cho người ta viết nữa? Sân khấu TP không “an cư”, làm sao mà “lạc nghiệp”?

Một cảnh trong vở Tình lá diêu bông của Sân khấu kịch 5B.

NSƯT NGỌC NGA, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội: Thu nhập thấp, cạnh tranh cao

Hiện nay anh em nhà hát rất băn khoăn vì không biết mình sẽ về đâu. Lãnh đạo nhà hát cũng chỉ biết chia sẻ với anh em rằng chỉ còn chờ và chờ mà thôi. Trong khi đó, tâm tư nguyện vọng của anh em là rất muốn có một sân khấu ổn định để hoạt động và anh em cũng mong muốn giữ lại được rạp Long Phụng để đầu tư, nâng cấp, nhưng điều này có vẻ xa vời quá! Chúng tôi chỉ mong có một nhà hát khoảng 300 ghế để diễn phục vụ.

Anh em diễn viên hát bội không có cơ hội đi diễn như những nghệ sĩ, diễn viên các đơn vị khác nên thu nhập thấp, đành phải chấp nhận sự đón nhận của khán giả. Nhà hát hiện chỉ có 56 người, đã vậy trong khoảng 5 - 10 năm nữa, cả chục anh chị em đến tuổi hưu, chúng tôi lo lớp kế cận có bám trụ nổi với nghề hay không?

Mấy năm gần đây, việc ký hợp đồng biểu diễn của nhà hát cũng gặp không ít trở ngại. Chúng tôi cũng phải phải cạnh tranh khốc liệt với các nhóm, đoàn hát bội tư nhân, lại thêm nhiều nơi thích cải lương Hồ Quảng nên chỉ mời nghệ sĩ cải lương ngôi sao. Nhà hát vì thế cứ mất dần những hợp đồng điểm diễn quen thuộc…

NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCH, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO): Mong mỏi một nhà hát đúng chuẩn

Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã rất mong mỏi về một nhà hát cho riêng mình nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Chúng tôi mong muốn được giao vai trò chủ đầu tư dự án nhà hát, vì đây là sự nghiệp của chúng tôi, chỉ có chúng tôi mới hiểu và tâm huyết với nó.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với Sở VH-TT rằng qua sự việc rạp Hưng Đạo vừa rồi, chúng tôi không tin tưởng Ban quản lý dự án của sở nữa. Việc xây dựng rạp Hưng Đạo với những ngổn ngang, không thể đáp ứng được yêu cầu của một sân khấu biểu diễn nghệ thuật đã gây bức xúc trong giới nghệ sĩ; điều này đã chứng tỏ những người làm dự án không đủ năng lực, không hiểu nghệ thuật, không biết cách chăm sóc, tận tâm với nó. Vậy làm sao chúng tôi có chỗ làm nghề?

Chúng tôi mong muốn xây dựng một nhà hát có 2 sân khấu. Một sân khấu nhỏ 500 chỗ ngồi đáp ứng lượng khán giả cố định và một sân khấu 1.200 chỗ (đúng quy chuẩn quốc tế) để phục vụ loại hình biểu diễn vũ kịch, nhạc kịch, cả cải lương, xiếc… Về chế độ đãi ngộ nghệ sĩ, nay đã quá lạc hậu so với tình hình phát triển xã hội, cần điều chỉnh để anh em yên tâm làm nghề.

Ông HUỲNH ANH TUẤN, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF: Phải coi trọng văn hóa nước mình

Tôi từng đem múa rối nước đi Nhật Bản lưu diễn và thắng lớn. Qua đó, có thể thấy văn hóa dân tộc mình rất đặc biệt, độc đáo, được công chúng thế giới quan tâm. Các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương... của mình cũng rất hay, đặc sắc. Người Nhật có câu nói rất hay: “Muốn người ta coi trọng văn hóa mình thì mình phải coi trọng văn hóa của mình trước”. Việc sân khấu nghệ thuật truyền thống mất dần khán giả, suy cho cùng, lỗi không phải của khán giả mà của người quản lý và người làm nghệ thuật, vì chưa làm cho người ta yêu, chưa mạnh dạn tập cho người ta yêu, người ta mê, say đắm nghệ thuật…

Về điểm diễn, tốt nhất là sửa chữa, cải tạo những rạp hát đang có. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ người sử dụng, cần thiết phải xây dựng nguồn nhân lực làm ra sản phẩm, thưởng thức sản phẩm văn hóa và quan tâm đến những chế độ ưu tiên tài trợ từng vở diễn, phục vụ từng đối tượng khán giả.

THÚY BÌNH 

Ông Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết hội cũng đã góp ý và đề nghị với Bộ VH-TT-DL một số vấn đề: Giải pháp cụ thể về cơ sở vật chất, nhất là vấn đề xây rạp hát; các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa được thuê đất như thế nào; đặt hàng sáng tác (vở diễn) ra sao để sân khấu phát triển đúng hướng... Ông nói: “Băn khoăn lớn nhất của chúng tôi vẫn là việc làm sao thúc đẩy Quyết định 88/QĐ-TTg về việc chỉnh trang, xây mới nhà hát đi vào đời sống cụ thể. Chúng tôi cũng lo ngại rằng việc quy hoạch, định hướng sân khấu từ 2020 đến 2030 là khó thực hiện”. (NHƯ HOA).

Tin cùng chuyên mục