Từ chuyện tác quyền…

Vốn đã ngập tràn xúc cảm, nhiều nhà văn dù kiềm chế lắm cũng phải bật khóc khi run rẩy dò tìm tác phẩm của mình có hiện hình trên trang mạng Waka không sau phát hiện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ về việc tiểu thuyết “Quyên” của ông được đăng tải miễn phí trên trang mạng này.

Vốn đã ngập tràn xúc cảm, nhiều nhà văn dù kiềm chế lắm cũng phải bật khóc khi run rẩy dò tìm tác phẩm của mình có hiện hình trên trang mạng Waka không sau phát hiện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ về việc tiểu thuyết “Quyên” của ông được đăng tải miễn phí trên trang mạng này.

Điều đáng nói là bản thân họ cũng có lỗi khi nhắm mắt ký thỏa thuận giao phó toàn quyền khai thác, quản lý, sử dụng cho Ban bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC) mà bản thân những người được giao trách nhiệm chăm bẵm những “đứa con tinh thần” ấy cũng thuộc giới văn nghệ sĩ và hoàn toàn mù mờ trong định hướng kinh tế thị trường. Thôi thì “bút sa gà chết”, nhưng dư luận vẫn thấy xót xa với cái giá bèo bọt 50 triệu đồng cho 189 tác phẩm được “xài” trong 1 năm, tức là với mức ăn chia 80 - 20 (tác giả nhận 80% và 20% cho VLCC) thì đến cuối năm quyết toán xong, mỗi tác phẩm chỉ nhận về trung bình hơn… 250.000 đồng.

Có luồng ý kiến cho rằng “Giời ạ, bán được là may lắm rồi. Cứ nhìn sang Hãng phim truyện Việt Nam bán cho một công ty vận tải đường thủy với giá hơn 30 tỷ đồng mà các ông cứ nhăn mặt bán như cho, song các ông có biết mời chào miết mà đâu có ai nhảy vào đấu thầu. Nói chung, khổ thì có khổ nhưng điện ảnh và truyền hình cũng còn là mảnh đất “có màu”, có đồng ra đồng vô, riêng lĩnh vực văn thơ lại khác, nó đúng nghĩa là “mảnh đất lắm người nhiều ma” với cái nghèo hèn cứ lẩn quất bế tắc như cuộc đời chị Dậu”.

Tuần rồi có mặt ở Tam Đảo tham dự hội nghị đánh giá 30 năm đổi mới văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi ngỡ ngàng ngắm nhìn các thế hệ nhà văn thuộc “đỉnh của đỉnh”, đa phần đã có tuổi mà nói hình tượng là tuổi cao, trí tuệ cao, huyết áp cao… chỉ thấp có thu nhập, thì bất thần một nhà văn chuyên về văn học dân gian có ánh mắt tinh nghịch vỗ vai “lâu quá mới gặp chú em, lát nữa lên phòng anh, anh tặng riêng cho chú cuốn sách mới xuất bản, nó hữu ích cho nghề báo lắm”. Anh thì thầm “Chỉ chú biết thôi nhé, bí mật đấy”. Tôi cũng hiểu nỗi khổ của các nhà văn với sách in có hạn mà cứ biếu không thì sống bằng gì nên cũng đành giấu giếm mang về không để ai thấy… Lát sau, qua tâm sự, đàn anh thổ lộ cũng phải giấu vợ là mình mới ra sách vì nó hỏi nhuận bút đâu thì toi. Theo lời anh, ra sách không những không có nhuận bút mà còn phải mua thêm 200 cuốn để “hỗ trợ phát hành”, thành ra in được là may, “để còn có tiếng là cũng còn ra sách”. Và những người như anh với cả kho chữ trong đầu vẫn không thể mài chữ ra mà ăn được, rất tiếc chiếm đại bộ phận các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Để sống được, họ tham gia viết báo, viết kịch bản phim, làm MC trên truyền hình, làm quản lý chính mảng văn học… Tất cả đều để hứa hẹn ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng xuất hiện tác phẩm để đời.

Cách nay hàng trăm năm, khi bàn về thuộc tính tác phẩm văn học, nghệ thuật, K.Marx đã viết: “Nhà văn, đương nhiên phải kiếm tiền mới có thể sống và viết, nhưng nhà văn tuyệt nhiên không được sống và viết để kiếm tiền”. Khoan nói đến thiên chức xã hội cao cả của nghệ thuật, chỉ nhấn mạnh đến luận điểm của K.Marx về sản phẩm văn học nghệ thuật, mới thấy K.Marx luôn đúng xét trong bối cảnh sản phẩm tinh thần ở nước ta đang chao đảo dữ dội trong cơ chế thị trường. Có luồng ý kiến chỉ trích dữ dội về sự lên ngôi của dòng “văn học thị trường”, nhất là trong giới trẻ với đặc điểm “nội dung khá sáo mòn”, “đơn giản về nghệ thuật”, chỉ loay hoay các đề tài yêu đương lãng mạn, xa rời thực tế… biểu hiện cho sự xuống cấp của văn hóa đọc. Song các nhà văn của chúng ta cũng không thể mãi sống trong “tháp ngà nghệ thuật”, tự nhấm nháp bản thân mà nói theo ngôn ngữ thời @ là “tự sướng” với con chữ của mình mà quên mất công chúng của mình. Vì cuối cùng, một tác phẩm văn học hay cũng phải là tác phẩm có người đọc, tuân thủ quy luật cung - cầu của thị trường. Với ti-ra phần lớn các tác phẩm cả văn xuôi lẫn thơ ca chỉ 500, 1.000, cùng lắm 2.000, 3.000 bản in, thật khó nói đến tác động xã hội của loại hình văn học nghệ thuật hiện nay và thật ra với chuyện lùm xùm tác quyền như kể trên, các nhà văn cũng phải tự xem lại tác phẩm của mình có đáng “đồng tiền bát gạo” để các nhà xuất bản chọn mặt gửi vàng để sống được bằng nghề.

Tất nhiên, những tác giả tên tuổi mà nội tên của họ đã đảm bảo doanh thu khủng của ấn phẩm thì chỉ đếm được trên đầu bàn tay, song không có nghĩa là chúng ta bất lực trước dòng sách “bán chạy”, “ăn khách” với nội dung nhảm nhí như khao khát tính dục bản năng, thế giới thứ ba… 30 năm đổi mới, chúng ta đã “cởi trói” cho đủ loại hình sáng tạo, thế giới có gì ta có nấy, từ siêu thực, hậu hiện đại đến tượng trưng… nhưng vẫn còn quá ít các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Nghĩa là tác phẩm phải có “chất”, vừa “duy lý”, vừa “duy tình”. Đó là món nợ phải trả trong cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái tốt và cái xấu, cao thượng và thấp hèn… Hiện thực đó là vỉa quặng vô tận cho những tìm tòi, sáng tạo của nhà văn.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục