Từ đồng minh trở thành đối thủ

Tòa án tối cao Pakistan ngày 25-2 đã ra phán quyết cấm hoạt động chính trị với ông Nawar Sharif- lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi giáo N (PML-N). Quyết định trên đã đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong khi nước này đang cần ổn định để trấn áp các vụ bạo động của Al Qaeda và Taliban. Sau khi tòa án ra quyết định, hàng trăm người ủng hộ đảng PML-N đã xuống đường tại Lahore và Rawalpindi đốt vỏ xe và ảnh của Tổng thống Asif Zardari.

Tòa án tối cao đưa ra phán quyết trên với lý do ông Sharif đã phạm tội liên quan đến vụ đảo chính ông năm 1999. Vào lúc đó, để ngăn chặn đảo chính, ông Sharif với cương vị Thủ tướng đã ra lệnh không cho máy bay chở người đứng đầu quân đội, tướng Pervez Musharraf, đáp xuống Pakistan. Thế nhưng, vụ đảo chính vẫn thành công và ông Sharif bị cáo buộc tội không tặc và buộc phải sang Saudi Arabia sống lưu vong. Ông Sharif gọi phán quyết này là bất hợp pháp đồng thời cáo buộc đây là âm mưu của Tổng thống Zardari.

Cùng với phán quyết trên, ông Shabaz, em trai của ông Sharif hiện là Bộ trưởng bang Punjab cũng bị cấm hoạt động chính trị. Như vậy ông này sẽ phải từ chức. Lập tức Tổng thống Zardari đã bổ nhiệm ông Salman Taseer, thành viên cùng đảng Nhân dân Pakistan (PPP) với tổng thống điều hành công việc tạm thời cho tới khi bang Punjab có bộ trưởng mới. Punjab là trung tâm ủng hộ anh em nhà Sharif, cũng là bang đông dân nhất Pakistan.

Dĩ nhiên là Tổng thống Zardari đang tranh thủ lập một liên minh thân chính phủ tại bang này trong cuộc bầu cử sắp tới. Để củng cố quyền lực của chính phủ, cảnh sát Pakistan đã được lệnh bao vây tòa nhà nghị viện bang Punjab để bắt giữ 30 nghị sĩ khi họ chuẩn bị biểu tình phản đối Tổng thống Zardari. Hơn thế nữa, Chính phủ Pakistan cũng đã đình chỉ hoạt động của trụ sở nghị viện bang Punjab tại thành phố Lahore, đặt thành phố này dưới sự điều hành trực tiếp của Islamabad.

Dư luận Pakistan và cả Mỹ đang lo ngại Pakistan sẽ lại xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Khó có ai hình dung được rằng mới năm ngoái, cả hai ông Zardari và ông Sharif cùng đứng chung “chiến hào” trong cuộc lật đổ Tổng thống quân sự Pervez Musharraf. Các nhà phân tích tại Mỹ còn đi xa hơn khi lo ngại “những mầm mống đi ngược lại dân chủ” xuất hiện trở lại ở Pakistan như nhận định trên tờ CS Monitor.

Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Cộng hòa quốc tế có trụ sở ở Mỹ tiến hành cho thấy, ông Sharif nhận được 59% ủng hộ của dân Pakistan trong khi Tổng thống Zardari chỉ nhận được 19%. Xung đột giữa PPP và PML-N làm nhớ đến những năm 1990 khi đảng này thi nhau lật đổ chính phủ của đảng kia dẫn đến việc quân đội đảo chính đưa tướng Musharraf lên cầm quyền.

Nhà chính trị tại Pakistan Hasan Rizvi nhận định trên báo The Guardian: “Tương lai của nền dân chủ Pakistan sẽ là một câu hỏi hệ trọng. Chính phủ Pakistan của PPP sẽ phải khó khăn để điều hành đất nước do sinh mạng chính trị của họ bị lung lay”.

Huy Quốc

Tin cùng chuyên mục