Từ drone do thám siêu thanh đến chiến lược thu thập tình báo

Dựa trên các tin mật quân sự và tình báo bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ, báo Washington Post đã tiết lộ, quân đội Trung Quốc có kế hoạch triển khai máy bay không người lái (drone) tầm cao siêu thanh, có khả năng di chuyển nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh, giúp Trung Quốc tăng cường khả năng do thám.
Drone WZ-8 tại lễ diễu hành năm 2019
Drone WZ-8 tại lễ diễu hành năm 2019

Tính ưu việt

Washington Post trích dẫn một tài liệu mật của Cơ quan Tình báo địa không gian quốc gia Mỹ và ảnh vệ tinh đề ngày 9-8-2022 cho thấy, 2 drone do thám WZ-8 được đặt tại một căn cứ không quân ở miền Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 560km. Theo đánh giá của giới chức Mỹ, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần như chắc chắn đã thiết lập một đơn vị đặc biệt đầu tiên tại căn cứ này và do Bộ Tư lệnh quân khu miền Đông quản lý. Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư lệnh quân khu miền Đông cũng là đơn vị phụ trách thực thi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với lãnh thổ Đài Loan.

Năm 2019, drone WZ-8 ra mắt công chúng khi 2 trong số các drone này diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Trung Quốc. Đánh giá của Cơ quan Tình báo địa không gian quốc gia Mỹ đã tiết lộ cách thức hoạt động của drone WZ-8. Theo đó, máy bay ném bom H6-M Badger sẽ được sử dụng để phóng drone WZ-8. Sau khi xuất phát từ căn cứ không quân, H6-M Badger sẽ bay ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của Trung Quốc, trước khi thả drone WZ-8. Máy bay do thám này có thể xâm nhập không phận lãnh thổ Đài Loan hoặc Hàn Quốc ở độ cao hơn 30.000m với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Tài liệu không nêu chi tiết việc tạo lực đẩy cho drone WZ-8, nhưng cho biết “các tính năng của động cơ chủ yếu liên quan đến nhiên liệu tên lửa”.

Một bản đồ các đường bay dự kiến cho thấy cách mà máy ảnh và cảm biến quang học điện tử của drone WZ-8 có thể thu thập thông tin tình báo trên đảo chính của lãnh thổ Đài Loan và phía Tây Hàn Quốc, bao gồm cả thủ đô Seoul. Việc sử dụng radar khẩu độ tổng hợp cho phép máy bay do thám lập bản đồ lãnh thổ vào ban đêm và thời tiết có sương mù.

Chi Li-pin, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hệ thống hàng không tại Viện Khoa học và công nghệ Chung-Shan (lãnh thổ Đài Loan) cho biết, mục đích chính của drone WZ-8 là để đối phó với Mỹ và các căn cứ quân sự nước này ở Thái Bình Dương. Hiện drone WZ-8 không được thiết kế để phục vụ các cuộc tấn công, nhưng những sửa đổi có thể cho phép máy bay do thám này thực hiện nhiệm vụ trên trong tương lai. “Rất khó để phát hiện và đánh chặn. Các vũ khí không đối không của Mỹ không đủ tốt”, ông Chi Li-pin phân tích.

Tăng cường hợp tác quân - dân sự

Dean Cheng, chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu chính sách Potomac cho biết, tiết lộ này cho thấy Trung Quốc đang phát triển khả năng giám sát toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Không chỉ nhằm vào Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; cả Đông Nam Á đều nên lo ngại về điều này”, ông Dean Cheng nói. Theo chuyên gia này, Trung Quốc đang tạo ra một loạt các hệ thống công nghệ cao phục vụ cho mục đích quân sự, từ vũ khí siêu thanh chống hạm cho đến vũ khí chống vệ tinh. “Không một vũ khí đơn lẻ nào có thể thay đổi cuộc chơi, vậy nên chúng tôi cho rằng PLA đang phát triển tổ hợp tấn công trinh sát gồm: tìm, đánh và diệt kẻ địch”, ông Dean Cheng nhận định.

Theo trang mạng ASPI Strategist của Australia, quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn cho năm 2035, đánh giá công nghệ hàng không vũ trụ là lĩnh vực nghiên cứu tiên phong mà Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác quân sự - dân sự để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng như đảm bảo nước này đạt được “mục tiêu xây dựng quân đội 100 năm” vào năm 2027. Chẳng hạn, dự án Hệ thống quan sát Trái đất có độ phân giải cao, bao gồm các hệ thống gần không gian, là một trong 16 dự án khoa học và công nghệ cơ bản của Trung Quốc. Điều này làm nổi bật ý nghĩa chiến lược trong chính sách sử dụng drone của Bắc Kinh.

Tháng 10-2017, Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) - với tổng ngân sách năm 2022 là 24 tỷ USD, triển khai một dự án quân sự - dân sự xây dựng hệ thống thí nghiệm khoa học đầu tiên của nước này, nhằm tiến hành các thí nghiệm sinh học vũ trụ, theo dõi thời tiết và đo bức xạ điện từ trong khu vực gần không gian. Theo Viện Nghiên cứu dự án 2049 của Mỹ, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cũng có khả năng thu thập và giám sát tình báo quân sự. Năm 2019, CMA triển khai kế hoạch 15 năm phát triển công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn với tuyên bố sẽ tăng cường khả năng hợp nhất dân sự - quân sự và phát triển các hệ thống như hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu đặt trên không gian, thiết bị quan sát tín hiệu phản xạ trên khinh khí cầu đường dài, siêu áp suất, vệ tinh quỹ đạo thấp và các khí cầu khác.

Việc PLA quan tâm đến không gian gần là một phần của sự thay đổi chiến lược hàng không vũ trụ. Kể từ những năm 1990, không quân PLA chủ yếu dựa vào chiến lược “phòng không lãnh thổ”, tập trung vào việc bảo vệ Trung Quốc đại lục từ trên không. Khi học thuyết chiến tranh của PLA chuyển sang kết hợp nhiều khái niệm chiến tranh thông tin hơn, Hứa Kì Lượng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đề xuất một học thuyết về năng lực hàng không vũ trụ tích hợp tập trung với hoạt động trinh sát và cảnh báo sớm phòng không và triển khai sức mạnh chiến lược. Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc chính thức công nhận năng lực hàng không vũ trụ kết hợp là chiến lược cốt lõi của PLA.

Báo Washington Post cho biết, thông tin về drone do thám của Trung Quốc là từ những tài liệu mật của Mỹ rò rỉ qua mạng Discord. Nghi phạm trong vụ này là Jack Douglas Teixeira, 21 tuổi, bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ bắt giữ hôm 13-4 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục