Từ Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 - 5 năm sau nữa sẽ là gì?

Từ Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 - 5 năm sau nữa sẽ là gì?

Tối  26-9, Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 chính thức khai mạc tại Nhà hát TPHCM. Các nghệ sĩ của làng kịch Việt Nam sẽ bước vào ngày hội với nhiều vở diễn. Tuy nhiên, xung quanh hội diễn, có nhiều chuyện mà những người làm sân khấu phải nhìn nhận để cùng hướng tới tương lai!

Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Mỹ Uyên và Cát Tường trong vở “Biển” của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Mỹ Uyên và Cát Tường trong vở “Biển” của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.

1- Ai cũng biết rằng, 5 năm mới có một kỳ hội diễn để các anh tài làng kịch hội ngộ đua tài, nên sẽ hứa hẹn mang lại những điều thú vị cho nghệ sĩ và công chúng. Nhưng với Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 này, chưa chắc là vậy! Đơn giản một điều, nếu nhìn vào danh sách kịch mục của hội diễn, dễ dàng nhận ra khá nhiều tác phẩm quen thuộc, thậm chí có những tác phẩm diễn viên đã “diễn nhừ như cháo”, còn khán giả thì chỉ cần nhắc đến tên tác phẩm là có thể biết diễn viên nào đóng vai gì, nội dung của kịch thế nào… Vì thế, ở hội diễn này, với sự xuất hiện của không ít vở diễn quen thuộc, sẽ phần nào làm hạn chế sức hấp dẫn, sự đón nhận của người xem.

Theo quy chế của hội diễn, các tác phẩm dàn dựng từ năm 2005 trở lại đây, chưa tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn đều có thể dự thi. Do đó, không thể trách các đơn vị nghệ thuật tại sao tham dự bằng vở diễn cũ, mà ít dàn dựng vở diễn mới để có cái mới, sự sáng tạo mới… Một đạo diễn thuộc hàng “gạo cội” của kịch nói TPHCM thổ lộ: “Tôi cảm nhận một điều, hiện có một số đơn vị nghệ thuật đến với hội diễn cho có mặt, đoạt giải thưởng thì vui, không có cũng chẳng sao, hoàn toàn không có ý nghĩ đua tranh rằng tôi sẽ giới thiệu những cái gì hấp dẫn nhất, hay hơn đơn vị bạn để nhất định giành huy chương… Trong khi đó, với tác phẩm tham gia thị trường, bán vé doanh thu, dàn dựng thì không nói, còn với tác phẩm dự hội diễn, đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo nhiều hơn, mang tính học thuật, nghệ thuật nhiều hơn, không thể nào đánh đồng với nhau!”. Cho nên, hiện có những ý kiến cho rằng, 5 năm mới tổ chức một lần, để cho hội diễn thật sự hấp dẫn, cuốn hút… thì những lần sau nên xem xét quy định lại, tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới dàn dựng, lúc ấy mới mong còn chút gì đó bí mật, nôn nao đợi chờ ngày hội diễn… bật mí!

2- Ở các kỳ hội diễn, liên hoan, những ai quan tâm đến đời sống sân khấu tương lai, luôn ngóng mong sự xuất hiện của các gương mặt đạo diễn trẻ. Nhưng với hội diễn lần này, sự chờ đợi này sẽ được đáp ứng rất khiêm tốn, bởi chỉ có một vài cái tên đạo diễn mới lộ diện. Lý giải cho sự thưa vắng những gương mặt đạo diễn trẻ này, chắc chắn sẽ có nhiều nguyên nhân được đưa ra: những người trẻ còn thiếu kinh nghiệm, tay nghề chưa cao… Công bằng mà nói thì điều này cũng đúng, nhưng chưa đủ. Bởi hầu hết các đơn vị đưa vở diễn tham gia hội diễn luôn có tâm lý “sợ bị bắt nạt, muốn dựa vào các cây đa, cây đề cho chắc ăn” nên không dám đưa “lính” trẻ ra… hội diễn! Cho nên, với những đơn vị nghệ thuật mạnh dạn đưa đạo diễn trẻ tham gia tác phẩm, dù chưa biết sẽ có tạo tiếng vang và đoạt giải hay không thì họ cũng đã “vượt lên chính mình”, xứng đáng được khích lệ. Chính các đơn vị nghệ thuật ấy đang đặt những viên gạch tươi mới cho sân khấu tương lai. Điều ấy thật đáng quý! Nói theo NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Một hội diễn mà chỉ toàn những gương mặt cũ rất dễ nhàm chán. Tôi vẫn luôn ước mong sự xuất hiện của những người trẻ, mang lại một làn gió tươi mới cho hội diễn…”.

3- Nói vậy, không có nghĩa là dịp hội diễn này không có vở diễn mới nào đáng chờ đợi để các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi. Trong số ít vở diễn mới tham gia hội diễn lần này, sân khấu TPHCM có một số vở diễn được các đồng nghiệp nghệ sĩ đón chờ. Đó là Ngàn năm tình sử (Sân khấu Kịch IDECAF), Nỏ thần (Kịch Phú Nhuận), Biển (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần)… Những vở diễn này đều mới được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng với chủ ý tham gia hội diễn, nên hầu hết nghệ sĩ tham gia tác phẩm luôn lao động nghệ thuật nghiêm túc, trau chuốt cho từng vai diễn. Theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Ngọn lửa nghề luôn cháy âm ỉ trong giới nghệ sĩ thành phố, khi cần có thể bùng cháy. Đặc biệt, ở hội diễn lần này, một số đơn vị nghệ thuật ngoài công lập sẽ cho thấy họ đủ sức làm những tác phẩm có chất lượng cao, chứ không chỉ có kịch giải trí, kịch thị trường như nhiều người thường nghĩ. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao duy trì cho được những ngọn lửa này, cháy thường xuyên hơn, chứ không chỉ lâu lâu mới làm một vở diễn hay để tham gia hội diễn rồi thôi. Đó là điều đáng quan tâm. Bởi đời sống sân khấu luôn cần những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng. Tôi nghĩ, với các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, đang có một lực lượng nghệ sĩ dồi dào, tạo được những tác phẩm có chất lượng cao như vậy, cũng cần xem xét đầu tư để trong một năm có thể dàn dựng từ 2 vở diễn trở lên, góp phần mang lại sức hấp dẫn cho công chúng”.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục