Từ hụt hẫng đến mê nghề

Từng nản lòng và có ý định nghỉ việc khi nghĩ mình tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư lại đi làm việc ở vị trí công nhân bảo trì, nhưng nhờ được các anh chị đi trước tận tình động viên, anh Trương Quốc Hùng (Phòng Cơ điện nước, Công ty Roussel Việt Nam) đã thay đổi suy nghĩ và dành hết tâm sức vào công việc để nâng cao tay nghề, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến.
Từ hụt hẫng đến mê nghề

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015

Từng nản lòng và có ý định nghỉ việc khi nghĩ mình tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư lại đi làm việc ở vị trí công nhân bảo trì, nhưng nhờ được các anh chị đi trước tận tình động viên, anh Trương Quốc Hùng (Phòng Cơ điện nước, Công ty Roussel Việt Nam) đã thay đổi suy nghĩ và dành hết tâm sức vào công việc để nâng cao tay nghề, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến.

Trong nhà máy sản xuất dược phẩm đòi hỏi không khí phải đạt chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, chân áp, cấp độ sạch, do đó chi phí dành cho hệ thống xử lý không khí rất nhiều. Sau một năm nhà máy sản xuất tại Bình Dương đi vào hoạt động, anh Quốc Hùng nhận ra nhiều trục trặc trong hệ thống xử lý không khí. Sau một thời gian nghiên cứu, anh đưa ra sáng kiến thay đổi quy trình điều khiển của hệ thống nhằm tiết giảm điện năng, thay đổi được một số quy trình điều khiển mà công ty không phải tốn thêm chi phí đầu tư, giúp hệ thống xử lý không khí của nhà máy đạt hiệu quả hơn, đồng thời tăng tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm chi phí cho công ty mỗi năm hơn 400 triệu đồng.

Anh Quốc Hùng theo dõi hệ thống xử lý và cung cấp nước RO.

Xuất phát từ thực tế công việc, anh Quốc Hùng cùng đồng nghiệp đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng nguồn nước, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Tại nhà máy của công ty có hệ thống xử lý và cung cấp nước RO, hệ thống này hoạt động khoảng 2 đến 3 tháng phải tái sinh hạt nhựa trao đổi ion một lần và để tái sinh thì cần dùng đến hóa chất. Bản thân Quốc Hùng và anh em rất khó khăn trong việc bảo vệ mình khỏi hóa chất độc hại những lúc xử lý tái sinh hạt nhựa. Vậy là anh cùng đồng nghiệp tiến hành cải tiến, lắp thêm cột làm mềm nước và hệ thống xử lý RO đầu nguồn, lắp thêm bơm hóa chất… Kết quả đã kiểm soát tốt hơn chất lượng nước đầu ra, giảm chi phí tái sinh hạt nhựa, bởi một năm sau mới cần dùng hóa chất để hoàn nguyên. Ngoài ra, sau khi xử lý lọc qua tia cực tím, nước còn được dùng làm nước uống cho công ty. Bên cạnh đó, anh còn đưa ra giải pháp gắn thêm đường ống dẫn lượng nước thải từ thiết bị RO đầu nguồn ra bể chứa để tận dụng tưới tiêu chăm sóc mảng xanh trong khuôn viên nhà máy, giúp giảm chi phí cho công ty mỗi năm hơn 50 triệu đồng.

Quốc Hùng tâm sự, càng làm việc anh càng thấy mê cái nghề đã chọn. Với tinh thần đó nên khi có sự cố xảy ra, anh và đồng nghiệp bỏ cả cơm trưa để xử lý. Ông Lê Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Roussel Việt Nam, nhận xét: “Quốc Hùng là người nhiệt tình, có trách nhiệm. Không chỉ giỏi chuyên môn mà anh còn có nhiều nỗ lực trong công việc cũng như học tập nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó anh còn giúp hướng dẫn, đào tạo nhiều công nhân thành thợ giỏi” .

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục