Theo tiêu chuẩn quốc gia về phân chia các mùa ở Trung Quốc, mức nhiệt độ này đánh dấu thành phố Lhasa đã bước vào mùa hè từ ngày 23-6, lần đầu tiên kể từ năm 1981, khi dữ liệu khí tượng của thành phố này bắt đầu được ghi nhận.
Các dữ liệu khí tượng cho thấy, Tây Tạng ghi nhận nhiệt độ cao và ít mưa kể từ đầu tháng 6 vừa qua. Nhiệt độ trung bình ở đây trong tháng 6 là 13,7°C - cao hơn 1,3°C so với nhiệt độ kỷ lục trước đó. Ngày 24-6, nhiệt độ tại khu vực Gyaca, thuộc thành phố Shannan, lên tới 32,6°C. Giới chức Trung tâm Khí hậu Tây Tạng cho biết, có thể một số thành phố ở Tây Tạng có mùa hè trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tuy nhiên đây là một hiện tượng hiếm thấy và Lhasa hiện vẫn thuộc khu vực không có mùa hè theo truyền thống. Đồ uống lạnh và quạt đã trở thành các sản phẩm yêu thích tại Lhasa, điều hiếm có tại thành phố này.
Hiện tượng Khu tự trị Tây Tạng đón mùa hè lần đầu tiên xảy ra cùng thời điểm ngày 28-6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo năm 2019 đang trên đà lập kỷ lục về năm nóng nhất trong lịch sử. Phát biểu với báo giới ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của WMO nêu rõ, các đợt nóng giờ đây sẽ ngày càng khắc nghiệt, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Với nhiệt độ cao trong 5 tháng đầu năm, 2019 đã được xem là năm nóng thứ ba trong lịch sử thế giới. Trong khi đó, Chương trình biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết, tháng 6-2019 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Mặc dù chỉ mới qua 6 tháng đầu năm, song dường như Trái Đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm (2015-2019) nóng nhất trong lịch sử.
Theo WMO, dù còn quá sớm để cho rằng nắng nóng hiện nay tại châu Âu là do biến đổi khí hậu, song tình hình hiện nay đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt đầu hè, với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45°C ở nhiều nước như Pháp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Cộng hòa Bắc Macedonia. Giải mã cho tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt này, các nhà khoa học cho rằng hoạt động của con người có thể là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu hồi tuần trước, trong đó miền Nam nước Pháp ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 45,9°C - cao hơn 4°C so với mức nhiệt trung bình.
Theo kết luận ngày 2-7 của một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc tổ chức World Weather Attribution, các quan sát cho thấy những đợt nắng nóng tháng 6 tương tự cách đây một thế kỷ có nền nhiệt thấp hơn những đợt nắng nóng tháng 6 ngày nay khoảng 4°C. Biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây. Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy, tác động của tình trạng Trái đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn.