Từ “ngại” sử đến ý thức văn hóa kém

Thời gian gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện những tấm ảnh, video clip ghi lại những phát ngôn và hành vi thiếu ý thức, thể hiện sự thiếu văn hóa của một số thanh thiếu niên. Điều đáng trách nhất là thái độ xúc phạm đối với lịch sử dân tộc.
Từ “ngại” sử đến ý thức văn hóa kém

Thời gian gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện những tấm ảnh, video clip ghi lại những phát ngôn và hành vi thiếu ý thức, thể hiện sự thiếu văn hóa của một số thanh thiếu niên. Điều đáng trách nhất là thái độ xúc phạm đối với lịch sử dân tộc.

  • Đừng để học sinh thờ ơ học sử

Mấy hôm rày, dư luận bàng hoàng khi thấy video clip cảnh học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé tan nát những bản đề cương ôn tập môn lịch sử rồi rải tung trắng xóa từ các dãy lầu. Đây là hành vi sai phạm về văn hóa ở học đường và cũng cho thấy học sinh lơ là môn lịch sử. Phân tích vấn đề không chỉ dừng lại ở đó.

Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được nỗi khổ của giáo viên dạy môn lịch sử. Lịch sử là môn phụ nên học sinh và cả nhiều phụ huynh có tâm lý xem thường. Họ cũng có cái lý khi “cửa ra” của môn lịch sử quá hẹp, người theo học ngành lịch sử làm không nhiều tiền. Ở trường, kiếm một học sinh vào đội học sinh giỏi môn lịch sử không phải dễ. Có được rồi thì bằng mọi giá phải giữ, bởi có không ít trường hợp phụ huynh gặp trực tiếp ban giám hiệu nài nỉ: “Thầy cô làm ơn cho con tôi chuyển qua đội chuyên khác, thi rớt cũng được, chứ học lịch sử sau này khó kiếm việc làm”. Thật đau xót biết bao! Ngành giáo dục tổ chức tập huấn giáo viên lịch sử cải tiến phương pháp, tạo cho học sinh chủ động tìm kiếm kiến thức, vậy mà đến khi giáo viên thực hiện đúng theo yêu cầu thì đón nhận những lời đề nghị phũ phàng: “Thầy nói luôn đi thầy ơi!” hoặc “Em không nhớ nữa”… và đã nhiều lần tôi buộc học sinh phải viết kiểm điểm vì làm bài tập các môn khác trong giờ lịch sử. Cái khó bây giờ là đa số học sinh thích nhận kiến thức môn lịch sử một cách áp đặt hơn chịu suy nghĩ, tìm tòi. Các em rất sợ bị lạc đề do nền tảng kiến thức không vững. Một chuyện cũng rất đáng suy nghĩ mà nhiều đồng nghiệp đã tâm sự: càng cải tiến học sinh càng nhầm lẫn, lơ là với môn lịch sử.

Về phía giáo viên, vẫn còn không ít người chỉ lên lớp một cách miễn cưỡng, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh. Việc đào sâu, tìm tòi kiến thức chỉ dừng lại ở sách giáo khoa và sách giáo viên. Trong khi đó, nội dung thể hiện trong 2 quyển sách ấy vẫn còn nhiều điều đáng bàn, bởi số liệu, sự kiện được các tác giả đưa vào khá nhiều (học sinh sợ học sử vì nhớ không xuể), chỉ truyền thụ thôi cũng không đủ thời gian khi mà tiết học được đóng khuôn, đo ni sẵn. Lỡ có học sinh yếu, giáo viên môn lịch sử cũng ráng bấm bụng mà nâng điểm, chứ tổ chức lớp phụ đạo người ta dễ cho là… dở hơi.

Học sinh bây giờ đã “lớn” hơn thế hệ trước rất nhiều trong suy nghĩ và hành động. Các em có điều kiện tiếp thu những thông tin mới rất nhanh, trong khi quan điểm lịch sử của ta về sự kiện, nhân vật không cập nhật kịp. Vậy phân tích, đánh giá, chứng minh sao đây? Suy nghĩ và cách làm của những người quản lý giáo dục đối với môn lịch sử vẫn còn phiến diện, dù trên bình diện văn bản cho là bình đẳng. Kiến thức lịch sử, văn hóa đầy tính nhân văn ở trường phổ thông bị hổng trở thành một trong những nguyên nhân đưa giới trẻ đến thuốc “lắc”, ma túy, ăn chơi.

Một dân tộc mà giới trẻ còn thờ ơ, không am tường được lịch sử nước nhà thì thật nguy hiểm. Thiết nghĩ, một cuộc “đại phẫu” cần sớm được tổ chức không chỉ vì môn lịch sử mà vì sự phát triển của một dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

LÊ QUANG HUY
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, Cai Lậy, Tiền Giang)

  • Nổi tiếng bằng... tai tiếng

Trong tuần qua, dư luận đã rất bất bình khi thấy diễn viên Hiệp Gà đưa lên Facebook của mình hình ảnh anh mặc quần đùi, áo phông đang bám vào tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đánh đu với vẻ mặt hớn hở. Dù bị cộng đồng mạng lên án gay gắt về hành vi thiếu văn hóa này, anh chàng vẫn không chịu gỡ ảnh xuống và còn cho rằng: “Khu tượng đài đó không có biển cấm sờ. Hành động đu lên tượng đài của tôi cũng chỉ giống như sờ vào thôi, có gì đâu. Nếu như tôi chặt, bẻ tượng đài… hay làm điều gì đó kinh khủng thì hãy lên án tôi. Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ chụp bức ảnh đó nhưng không để mọi người nhìn thấy”.

Diễn viên Hiệp Gà mặc quần đùi, áo phông đang bám vào tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh đánh đu với vẻ mặt hớn hở.

Diễn viên Hiệp Gà mặc quần đùi, áo phông đang bám vào tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh đánh đu với vẻ mặt hớn hở.

Không chỉ Hiệp Gà, trước đó, trên Facebook cũng đã có những bạn trẻ muốn nổi tiếng bằng cách làm “kẻ đốt đền” như vậy. Có nữ sinh đã khoe ảnh chụp đang ngồi ngay trên tấm bia mộ liệt sĩ để tạo dáng chụp ảnh. Có nam sinh khoe ảnh đang ngông nghênh cưỡi lên đầu rùa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Lại có cô gái khoe hình ảnh mặc quần ngắn với vẻ mặc hỉ hả khi ngồi ngay trên đùi của bức tượng danh nhân... Ngay sau đó, họ đã bị cộng đồng mạng đả kích dữ dội. Có người nhận ra mình đã sai nên lặng lẽ gỡ ảnh xuống, có người viết vài lời xin lỗi, nhưng cũng có người như Hiệp Gà, xem tai tiếng là cách để nổi tiếng.

Gần đây, cách ứng xử sai trái này đang có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ sử dụng các trang mạng xã hội, họ nhanh chóng được cộng đồng mạng chú ý chỉ sau ít phút tung những tấm hình phản cảm như vậy lên mạng. Nhìn vào những hình ảnh này, bất cứ một người nào biết suy nghĩ cũng sẽ bất bình vì những hành động ngông cuồng, vô văn hóa. Thật đáng hổ thẹn khi những kẻ ứng xử sai trái ấy đều là những thanh niên có học, đã được dạy về giá trị văn hóa dân tộc và nhân cách, đạo đức con người trong việc tôn trọng lịch sử và giữ gìn nền nếp văn hóa. Và cũng thật đau lòng vì trong khi đa số rất bất bình, lên án về những hành vi thiếu văn hóa này, thì cũng có một số không ít bạn trẻ tán thưởng, cho rằng như vậy mới chứng tỏ là người gan dạ và tung hê như là anh hùng.

Hành vi xúc phạm các di tích lịch sử và danh nhân của dân tộc là xúc phạm đến nền văn hóa và niềm tự hào của cả dân tộc.

ĐINH THU HƯƠNG
(quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục