Anh T. quý mến!
Trong ngày chính lễ hôm nay, 10-10, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lễ diễu binh - diễu hành lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 31.000 người được diễn ra. Và rất nhiều con đường ở Hà Nội sẽ lại được đón những đoàn quân, đoàn người diễu qua trong cờ hoa, khẩu hiệu với quân phục, trang phục chỉnh tề. Điều đó khiến nhiều người dễ liên tưởng đến câu hát “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” của nhạc sĩ Văn Cao trong tác phẩm “Tiến về thủ đô” viết năm 1949.
Câu chuyện về cửa ô Hà Nội là một đề tài được nói đến rất nhiều anh ạ. Hà Nội cũng như bất kỳ đô thị nào trên Việt Nam này, đều được hình thành từ xóm làng. Điều kiện tự nhiên, sự quần cư, phồn thịnh cùng những thăng trầm của lịch sử đã làm nên các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng. Cái khác của Hà Nội so với những đô thị khác là còn lưu giữ được khá nhiều “dấu vết” của nguồn gốc làng xóm của mình trong nhịp sống hiện đại, hối hả từng ngày, từng giờ hôm nay.
Nhiều người cho rằng, Hà Nội vốn là một cái làng to. Qua năm tháng, cái khái niệm “làng to” ấy đã thay đổi nhiều và một điều dễ liên tưởng, làng to thì phải có cổng làng to và nhiều cổng! Năm 1831, thời vua Minh Mệnh, bản đồ còn ghi rõ 16 cửa ô khác nhau ở Hà Nội. Mỗi cửa ô chính là một cái cổng làng, ngày mở đêm đóng, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng để ngăn ngừa đạo chích và dè chừng hỏa hoạn... Theo thời gian, cửa ô - cổng làng duy nhất còn sót lại, rất nổi tiếng ở Hà Nội hôm nay chính là ô Quan Chưởng trên phố Hàng Chiếu. Các địa danh nay còn được dùng đến hôm nay là ô Yên Phụ, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Đồng Lầm, ô Chợ Dừa, ô Cầu Giấy.
Thưa anh, trong lịch sử ngàn năm, những cửa ô, những con đường trên đất Thăng Long - Hà Nội đã đón chào rất nhiều đoàn quân tiến về. Và mỗi lần như vậy gắn liền với một chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng quân Nguyên Mông, quân Minh, quân Thanh ở các triều đại phong kiến và trong thế kỷ 20 gắn liền với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 và chiến thắng thực dân Pháp năm 1954. Còn nhiều nữa, và để có được những chiến thắng đó, mỗi con đường, góc phố ở Hà Nội cũng như mỗi người dân Việt Nam đều phải trải qua bao đau thương, mất mát. Đó là việc phải bỏ lại kinh thành Thăng Long cho quân Nguyên Mông để thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” thời nhà Trần; đó là cuộc rút lui đầy hào hùng của Trung đoàn Thủ đô vào ngày 17-2-1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ 38.000 người tản cư an toàn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Pháp xâm lược. Mỗi tấc đất, mỗi đường phố ở Hà Nội theo năm tháng đều thấm đẫm tâm tình cũng như những chiến tích oai hùng của dân tộc Việt Nam. Không phải thành phố, thủ đô nào trên thế giới cũng có ngàn năm tuổi như Hà Nội. Thậm chí là rất ít. Đó là niềm tự hào của chúng ta, những người Việt Nam. Hà Nội chính là nơi lưu giữ và phát quang tất cả những giá trị tinh thần và truyền thống Việt Nam. Gọi là Thủ đô anh hùng, bởi đây là nơi luôn đứng mũi chịu sào trong tất cả những cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc, sự thống nhất đất nước. Sự anh hùng, giá trị văn hiến của Thăng Long - Hà Nội cũng chính là của đất nước Việt Nam hôm nay.
Thưa anh, trong những ngày qua, tôi cũng như rất nhiều người đều vui và tự hào về một Hà Nội cũng như nước Việt Nam hôm nay. Tôi nghĩ, mọi người sẽ còn nhắc đến câu chuyện đại lễ rất nhiều trong thời gian tới. Bởi đây là chuyện ngàn năm mới có một lần. Đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam đều nghĩ đến khi ý thức về cội nguồn, lịch sử dân tộc. Có một khoảng lặng diễn ra trong thời gian đại lễ là khi lũ lụt lớn ở miền Trung. Và rồi Hà Nội đã hủy kế hoạch bắn pháo hoa ở 29 điểm trong đêm nay để dành kinh phí đó ủng hộ đồng bào miền Trung. Tấm lòng của cả đất nước hướng về Hà Nội trong dịp đại lễ là rất lớn và Hà Nội cũng luôn hướng về cả nước, tới miền Nam yêu thương, về miền Trung ruột thịt trong bất cứ lúc nào. Mỗi tấc đất, mỗi ngôi làng, mỗi hòn đảo trên đất nước này, dù xa xôi hẻo lánh, hay gần gũi thân quen đều thấm đẫm mồ hôi, máu xương của các lớp tiền nhân đổ xuống trong công cuộc khai phá và giữ vững biên cương, độc lập của Tổ quốc hàng ngàn năm qua. Chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng, đều là đồng bào, làm sao quên được. Phải vậy không anh?
Vậy là 10 ngày đại lễ đã qua, hẹn anh dịp khác, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn về Hà Nội.
Chúc anh sức khỏe!
TRẦN LƯU