Tự tử ở giới trẻ, trách nhiệm của người lớn

Chừng nửa năm nay, liên tục xảy ra nhiều vụ tự tử mà nạn nhân chủ yếu còn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại về cách xử lý tình huống trong cuộc sống của giới trẻ hiện quá manh động.
Tự tử ở giới trẻ, trách nhiệm của người lớn

Chừng nửa năm nay, liên tục xảy ra nhiều vụ tự tử mà nạn nhân chủ yếu còn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại về cách xử lý tình huống trong cuộc sống của giới trẻ hiện quá manh động.

Cô Bùi Mỹ Dung, phụ trách tư vấn học đường của Trường THCS Quang Trung (quận 4, TPHCM) ân cần tiếp và tư vấn kỹ năng sống cho học trò. Ảnh: THU HƯỜNG

Coi thường mạng sống

Không ít phụ huynh không giấu được lo âu khi hầu như ngày nào đọc trên báo mạng cũng thấy có người nhảy cầu tự tử và đa số là giới trẻ. Chị Phạm Xuân Yến (ở Bình Thạnh, TPHCM) vừa có đứa cháu tự tử, thổ lộ: “Biết tuổi mới lớn có những suy nghĩ và hành động nông nổi, dễ buông xuôi trước khó khăn và coi thường mạng sống của mình, nhưng tôi nghĩ cần phải báo động vì chuyện không ít thanh thiếu niên đã chọn cái chết vì những nguyên nhân không đáng”.

Quả thực, điểm lại các vụ thanh thiếu niên tự tử, sẽ thấy có những cái chết vì lý do hết sức ngô nghê đã để lại nỗi đau lớn cho gia đình và người thân. Mới đây, em Vũ Đức T. (15 tuổi, ngụ tại Bình Dương) leo qua lan can cầu Hóa An nhảy xuống sông Đồng Nai tự tử, để lại tin nhắn ngắn gọn: “Buồn mấy thằng bạn”. Trước đó, ngày 21-11, Đào Thị Q. (20 tuổi, ngụ ở Phú Yên) leo qua lan can cầu Hùng Vương nhảy xuống sông Đà Rằng (Phú Yên) tự tử.

Ngày 20-11, Phạm Văn Long (20 tuổi, ngụ tại Hải Phòng) nhảy cầu Khuể tự tử. Khuya ngày 15-11, em Lương Thị H. (16 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) nhảy cầu Cây Cấm (quận 9, TPHCM) sau khi trò chuyện và cự cãi với bạn trai. Rạng sáng 10-11, Nguyễn Phước P. (23 tuổi, quê Quảng Nam, sinh viên ĐH Công nghệ TPHCM) nhảy cầu Sài Gòn tự tử vì giận người yêu. Sáng 23-10, Đặng Hữu H. (26 tuổi, quê Ninh Thuận) nhảy cầu Bình Triệu (TPHCM) tự tử nhưng may mắn được người dân cứu sống. Cũng trên cây cầu này, ngày 15-10, xảy ra hai vụ tự tử liên tiếp khiến người dân xôn xao.  Được biết, trong khi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm thanh niên đã nhảy cầu Bình Triệu 2 vào lúc 10 giờ 20 thì một thanh niên khác tên Kim Thiên H. cũng nhảy cầu Bình Triệu 1 lúc 11 giờ 40. Hay sáng 11-10, nữ sinh Hoàng Thị Mai L. (17 tuổi, ngụ tại Nghệ An) tự tử tại cầu treo chợ Chùa vì bị gia đình cấm yêu… Liên tục những vụ nhảy cầu tự tử như là hội chứng lây lan, để lại bao đau thương, mất mát mà các gia đình phải gánh chịu.

Hiện tượng đáng báo động

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó khoa Tâm thần kinh của Bệnh viện 175, cho rằng việc thanh thiếu niên tự tử là một hiện tượng đã đến mức báo động. Theo ông, tự tử đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba ở thanh thiếu niên, vì vậy các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm. Tự tử là một hành vi nguy hiểm, xuất hiện đột ngột, là sự chạy trốn hay một phản ứng tuyệt vọng của con người. Ở cuộc sống hiện đại, giới trẻ bị tác động rất lớn của thế giới ảo, vì vậy khi một số sự việc trong cuộc sống thực không được như kỳ vọng, dễ khiến trẻ sốc tâm lý, mất tự tin và tìm đến cái chết để trốn chạy sự việc. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tự tử, đứng đầu là do bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt có ảo thanh ra lệnh tự sát; lạm dụng độc chất như rượu, ma túy; căng thẳng trong gia đình; các tình huống khủng hoảng tâm lý như cái chết của một người thân, bị người yêu hoặc thần tượng của mình gây chấn thương tâm lý, bị hành hạ tình dục hoặc thể xác, bạo hành gia đình…

Bác sĩ Ca cho biết, những trường hợp có ý định tự tử thường bộc lộ những dấu hiệu thay đổi về cảm xúc, như sự đau khổ hoặc những hành động bất thường. Nếu để ý, người thân sẽ nhận ra những dấu hiệu ở người có ý định tự tử. Thí dụ người bị ám ảnh về cái chết thường nói những lời liên quan đến cái chết; dọa tự tử trực tiếp hoặc gián tiếp; có hành vi chuẩn bị cho cái chết, như trả lại vật kỷ niệm cho người thân, bạn bè, làm những việc trước đó ít làm; có những thay đổi khác thường trong hành vi, diện mạo, suy nghĩ hoặc cảm xúc… Khi thấy những yếu tố đó ở con em mình, cần giữ bình tĩnh, lựa lời thăm hỏi, tìm hiểu, chứng tỏ rằng chúng ta quan tâm đến sức khỏe, cảm xúc của con em, không cố hỏi những câu khiến con em cảm thấy mình bị buộc tội. Bên cạnh đó, luôn theo sát để chia sẻ, động viên và nhờ bạn bè, người có ảnh hưởng quan trọng với con em hoặc nhân viên tâm lý để tư vấn, giúp con em lấy lại được cân bằng trong suy nghĩ và hành động.

Cô Bùi Mỹ Dung, giáo viên phụ trách tư vấn học đường của Trường THCS Quang Trung (quận 4, TPHCM), lưu ý: “Việc nhiều diễn viên, ca sĩ là thần tượng của các em đã tìm đến cái chết cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của giới trẻ. Thanh thiếu niên có nhiều thời gian ở trường, vì vậy nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức về giá trị của bản thân. Cần xây dựng môi trường học đường gần gũi để trẻ cảm thấy an toàn và sẵn sàng chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống. Nhà trường và gia đình cần lưu ý giáo dục kỹ năng sống cho các em, khuyến khích các em nói về những vấn đề, tình huống gặp phải trong cuộc sống và các mối quan hệ của tuổi mới lớn. Từ đó, người lớn dựa vào suy nghĩ thực của trẻ để đưa ra những kỹ năng ứng xử thích nghi, giải quyết mâu thuẫn xung đột nội tâm hay kỹ năng cân bằng cảm xúc tâm lý, giúp các em bình tĩnh giải quyết mọi khúc mắc trong cuộc sống”.

NGỌC MAI

Tin cùng chuyên mục