Sau cơn mưa to, tại một ngã tư trên đường Hoàng Diệu (quận 4), rất đông người đứng chờ tín hiệu đèn giao thông gần một vũng nước mưa đọng lại khá lớn. Nhiều người đi xe máy vì tránh vũng nước ấy mà chạy ra phía làn đường dành cho ôtô gây kẹt xe.
Trong cảnh hỗn độn ấy, một người đàn ông đi chiếc xe máy cũ, trên người khoác chiếc áo cũng đã sờn vai vội dừng xe ngay vũng nước mưa rồi nhanh nhẹn đi đến bên miệng cống thoát nước gần đấy, dùng tay vớt những chiếc lá cây, bọc rác ứ đọng trước miệng cống. Nhiều người nhìn thấy cảnh ấy thì tỏ vẻ ái ngại rồi cho xe chạy tiếp. Nhờ “việc nhỏ” đó mà dòng nước được khai thông và chỉ vài phút sau vũng nước ngay trụ đèn giao thông đã nhỏ dần, giúp người đi lại thuận tiện hơn. Khi ấy, người đàn ông lên xe đi tiếp.
Chứng kiến hành động đó, ai cũng thầm biết ơn người đàn ông và chắc hẳn không ít người ngẫm về bản thân mình. Nhớ lại cách đây không lâu, câu chuyện về người đàn ông ngoại quốc buộc một cô gái phải xuống xe dẫn bộ trên phố đi bộ tại Hà Nội đã làm xôn xao dư luận. Dù ban đầu cô gái có phản kháng nhưng nhờ thái độ quyết liệt của người đàn ông, cuối cùng cô gái cũng xuống xe. Câu chuyện cho ta thấy ý thức và cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận người dân ngày nay. Tương tự như vậy, một lần chúng tôi chứng kiến một nhóm 5 bạn trẻ chạy xe đạp vào phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), thay vì chạy trên làn đường cho phép chạy xe, nhóm bạn trẻ lại rủ nhau chạy vào đường dành cho người đi bộ với vẻ thích thú. Nhiều người đi bộ gần đó tỏ vẻ khó chịu nhưng không ai lên tiếng phản đối. Chỉ đến khi lực lượng bảo vệ xuất hiện yêu cầu không được chạy xe vào phố đi bộ thì cả nhóm mới quay xe chạy ra ngoài…
Hiện nay chưa có cuộc khảo sát cũng như không có một số liệu nào nói về ý thức trách nhiệm xã hội của người dân ở mức độ nào. Nhưng nếu nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra hàng ngày làm thước đo sự ý thức ấy thì câu trả lời sẽ là “chưa cao”. Có người nói đó là sự khủng hoảng ý thức trách nhiệm xã hội trầm trọng. Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình, nhưng rõ ràng sự thờ ơ, vô tâm đã nhiều lúc dẫn đến thái độ vô cảm, tạo ra những thói quen xấu trong cộng đồng.
Mong rằng những việc làm tốt, những hình ảnh đẹp như câu chuyện người đàn ông khơi thông miệng cống nói trên sẽ tạo sức lan tỏa, nhiều người trong chúng ta sẽ suy nghĩ và tự giác “làm theo”, điều chỉnh các hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.
THÁI PHƯƠNG