Chỉ vài ngày nữa Trường THCS Trần Phú quận 10 TPHCM sẽ mở rộng cửa đón trên 1.000 học sinh vào học, nhưng quang cảnh ở đây còn ngổn ngang với phòng ốc xây tạm chưa xong. Phía trước hai dãy nhà - một xuống cấp, một đã tháo dỡ đợi tiền xây mới “tủi thân… nằm khóc”.
Muốn chạy khỏi trường...
Nhiều phụ huynh đang có con học ở đây than thở: “Chẳng thể tin rằng nằm ngay giữa khu dân cư Bắc Hải sang trọng, khá giả thuộc phường 15 quận 10 lại có một ngôi trường, xuống cấp đến như vậy?”. Thậm chí có phụ huynh có hai con học ở đây và đứa lớn đã ra trường lâu rồi, cũng không hiểu tại sao dự án xây mới, cải tạo trường Trần Phú đã được nói đến từ hơn 10 năm trước, nhưng hiện tại vẫn dài cổ chờ đợi. Nhiều phụ huynh dù muốn con cái học theo tuyến gần nhà nhưng thấy trường lớp ở đây “tệ quá” nên đành “chạy” sang trường khác, quận khác. Khó có thể diễn tả tâm trạng “tủi thân” vì trường không ra trường, lớp chẳng ra lớp của cả thầy lẫn trò ở ngôi trường này trước thềm năm học mới.
Trường THCS Trần Phú đã nhiều lần kiến nghị quận, TP sớm duyệt dự án xây mới hai dãy nhà xuống cấp, trong đó có một dãy thảm đến mức cửa bung, tường nứt lòi cả sắt, mái tôn mục và có thể sập bất cứ lúc nào. Mới đây, một trần nhà bị sập nên dãy phòng học “thương tật” này phải đóng cửa vĩnh viễn. Còn một dãy nhà nằm gần kề - vốn là phòng làm việc của ban giám hiệu, văn phòng cũng bị tháo dỡ vì không thể sử dụng, được che tạm làm bãi giữ xe. Vì thế để giải quyết bài toán về chỗ học cho hơn 1.000 học sinh, chỗ làm việc cho ban giám hiệu, văn phòng… trường được quận cấp gần 500 triệu đồng để xây tạm 2 phòng học, một phòng thí nghiệm, sửa chữa bảng, quét vôi...
Dẫn chúng tôi xem 2 phòng học dã chiến đang chạy nước rút hoàn thành, thầy Huỳnh Quốc Khanh, hiệu trưởng cho biết: “Nhằm đảm bảo đủ chỗ hoc cho học sinh 4 khối lớp từ 6 đến 9, trường phải ngăn phòng học ở dãy nhà duy nhất còn đàng hoàng thành 2 phòng để tiếp nhận 35 học sinh (mỗi phòng tạm này có diện tích khoảng 24m²).
Năm học mới này, quận giao chỉ tiêu cho trường tiếp nhận 8 lớp 6, nhưng trường chỉ có thể mở 7 lớp. Thầy Khanh ngậm ngùi: “Như vậy, dù cố gắng hết sức, trường cũng chỉ có được 18 phòng học cho 31 lớp và chấp nhận thực tế “nhiều không”: không có phòng giáo viên, không có phòng chức năng, chuyên môn, dạy nghề... Để làm việc, tất cả từ nhân viên văn phòng đến ban giám hiệu phải chen chúc trong một căn phòng rộng hơn 20m². Đó là chưa kể đến nhà vệ sinh cũ kỹ khiến thầy và trò của trường không muốn ghé vào...
Chờ đến bao giờ?
Đó là câu hỏi đầy nỗi niềm, nếu không muốn nói chán nản, thất vọng của thầy trò, phụ huynh về dự án cải tạo xây mới cơ sở vật chất ở ngôi trường này. Được biết lãnh đạo quận 10 rất sốt ruột với dự án của trường và đã phê duyệt, chuyển lên TP nhưng đến năm học mới trường vẫn chưa được cấp kinh phí “ưu tiên đặc biệt”. Trong khi đó sự xuống cấp nghiêm trọng và nỗi buồn phải đối mặt với quá nhiều cái không của thầy và trò thì tăng nhiệt. Với cơ sở vật chất như thế này, làm sao nhà trường tạo được môi trường sư phạm và thực hiện sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng như kỳ vọng của xã hội.
Vẫn biết TPHCM hàng năm vẫn dành nguồn kinh phí lớn, chiếm 26% ngân sách cho giáo dục và niềm vui có nhiều phòng học, trường lớp khang trang mọc lên ở nhiều quận, huyện nhưng không thể để thầy trò trường Trần Phú phải chịu đựng sự bất công, chờ đợi quá lâu như vậy. Trong quy trình, thủ tục kéo dài đến mòn mỏi này, niềm tin của người trong cuộc lẫn những người tâm huyết với giáo dục của quận cũng phải nản lòng. Mong các cơ quan chức năng của TP, nhất là đoàn giám sát về tình hình năm học mới của UBMTTQ TPHCM sớm xuống thăm ngôi trường này để chia sẻ, thấu hiểu sự tủi thân đến rơi lệ của họ.
KHÁNH BÌNH