Ngay tại TPHCM vẫn có nhiều trẻ em không được đến trường, phải vào đời sớm. Các trẻ em này bị chính cha mẹ mình hay những người chăn dắt buộc phải kiếm tiền bằng việc đi ăn xin, bán vé số, lượm phế liệu... Nhiều năm nay, chính quyền TPHCM cùng các ban ngành liên quan đã quan tâm ngăn chặn nạn biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền, thế nhưng tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra.
Vất vả chợ đời
Trong khi nhiều trẻ em được chăm sóc đầy đủ, được học hành tử tế thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ trẻ em chưa được quan tâm và chăm sóc như quyền trẻ em được luật pháp quy định và hàng ngàn đứa trẻ chân trần, lam lũ ra đường mưu sinh, học cách kiếm tiền khi chưa được học chữ… Gia cảnh khó khăn, bất hạnh, gánh nặng cơm áo gạo tiền chồng chất và sự vô tâm của người lớn đã đẩy con trẻ ra đường. Khoảng 1 giờ sáng, khi những đứa trẻ khác đang ngon giấc trong chăn ấm nệm êm, tại chợ đầu mối Thủ Đức có không ít trẻ em đang phải căng mắt lao động vất vả. Với dáng người nhỏ thó, Vũ Hồng Nhi phải gồng người kéo một xe đẩy chất đầy củ cải trắng. Mới 11 tuổi, lại là con gái nhưng Nhi đã có thâm niên hành nghề lao lực này 2 năm nay. Do nhà nghèo nên hai chị em Nhi đành gác lại chuyện học khi Nhi đang học lớp 4 còn chị gái học hết lớp 5 để theo ba mẹ lên TPHCM kéo hàng. Khi nhắc đến chuyện học, Nhi vô tư kể: “Mẹ bảo học vậy đủ rồi, với lại cháu còn hơn mấy đứa ở đây, tụi nó không biết chữ”.
Cách đó vài sạp, “đồng nghiệp” của Nhi là Sún, Thịnh, Hà… cũng thoăn thoắt bốc, kéo hàng rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì còn nhỏ, năng suất thấp nên các cháu khó cạnh tranh với các anh chị lớn trong chợ, thỉnh thoảng mới được thuê kéo chuyến hàng lớn, còn lại hầu như theo chân những người buôn đi mua hàng rồi kéo dồn hàng về xe cho họ, mỗi đêm được 30.000 - 50.000 đồng. Trong số trẻ ở đây, nhiều cháu phải bươn chải từ khi 5 - 6 tuổi nên chưa biết chữ. Điều đáng lo, vì lăn lộn mưu sinh tại các chợ khá sớm nên hầu hết những đứa trẻ này đều bị nhiễm ngôn ngữ chợ búa.
Bán vé số đã trở thành một nghề phổ biến nhất của trẻ nhà nghèo. Trên đường phố nào cũng gặp cả chục đứa trẻ với tập vé số trên tay. Cháu Nguyễn Thành Lợi mới 10 tuổi nhưng có thâm niên bán vé số 4 năm. Cuộc sống ở vùng quê nghèo quá khó khăn, bốn mẹ con dắt díu nhau từ Thanh Hóa vào trọ ở hẻm số 7 đường Lương Định Của (phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM) để tìm kế mưu sinh. Lợi xin làm tại xưởng sản xuất giỏ thu nhập 50.000 đồng/ngày. Gia đình không đủ tiền trang trải cuộc sống nên Lợi và chị gái (14 tuổi) phải đi bán thêm vé số, kiếm được 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Lợi kể nghe xót xa: “Em cũng muốn đi học nhưng mẹ không có tiền. Trời mưa mấy ngày liền, bán vé số ế ẩm, đến cơm còn không có ăn, tiền đâu đi học”. Lợi cho biết ở xóm trọ nghèo này, không phải riêng Lợi không biết chữ, chỉ có vài đứa được đi học, còn lại thất học phải đi bán vé số và lượm ve chai.
Hoàn cảnh của cháu Nguyễn Anh Dũng, 7 tuổi, trọ tại đường Trần Quang Khải (gần cầu Bông, quận 1) còn đáng buồn hơn. Đang học lớp 1 cháu phải nghỉ học, hàng ngày rong ruổi bán vé số từ mờ sáng tới khuya. Đang ở tuổi ăn học nhưng Dũng đã trở thành trụ cột gia đình vì bà ngoại và mẹ Dũng không làm gì cả. Dũng cho biết: “Những lúc bị lừa tiền hoặc bị giật mất vé số, cháu không dám về nhà vì sợ bị bà ngoại và mẹ đánh”. Chính sự lười biếng của người lớn đã đẩy nhiều đứa trẻ phải ra đường kiếm sống ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Trách nhiệm xã hội
Hình ảnh những nhóm trẻ nhếch nhác, đen nhẻm chừng 4 đến 8 tuổi đi ăn xin trên vỉa hè, chợ, công viên… giữa cái nắng chang chang đã không còn lạ với những ai sống ở TPHCM. Hỏi gì các cháu cũng không nói, chỉ lắc đầu và đưa cái ca nhựa ra và gật gật tỏ vẻ xin tiền.
Tình trạng trẻ phải lang thang kiếm sống khi chưa tự bảo vệ được mình trước những cám dỗ của thói hư tật xấu, trước những kẻ lợi dụng trẻ em để kiếm tiền vẫn tồn tại phổ biến trong khi xã hội gần như bất lực. Tương lai mờ mịt bởi tuổi thơ không được học hành, bị bóc lột, bị vắt kiệt sức. Đặc biệt trẻ em đường phố còn dễ bị lây nhiễm bệnh, dễ bị hư hỏng, riêng các bé gái có nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục. Điều đó, không chỉ làm làm tổn hại đến sức khỏe, thể chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành lối sống, đạo đức, nhân phẩm.
Chăm sóc bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ bị bóc lột sức lao động là trách nhiệm của toàn xã hội, nó không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn sẽ giúp hướng thiện, dẫn dắt một lớp trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn được vững vàng vào đời. Từng gia đình, dù nghèo khó cần hết sức quan tâm con trẻ bằng tình thương và ý thức trách nhiệm. Chính quyền cần khảo sát để hỗ trợ vốn hoặc tạo công ăn việc làm giúp các gia đình khó khăn, tuyên truyền cho họ biết về tác hại của việc để con trẻ thất học, phải vào đời mưu sinh sớm. Song song đó, tích cực vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chung tay giúp đỡ, mở các lớp dạy chữ, dạy nghề trẻ lang thang, tài trợ mở rộng các mái ấm tình thương trên địa bàn thành phố.
Thu Hường