Tượng đài Bác trong lòng người dân thành phố - Bài 1: Linh hồn của thành phố Hồ Chí Minh

Hà Nội ngày 31-5-2011, trong một phiên họp quan trọng, ngay sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo, Ban Bí thư đã kết luận: “Đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính TPHCM. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao, bền vững, xứng tầm với TP mang tên Bác, nơi có vị trí đặc biệt về kinh tế - xã hội của cả nước”. Bắt đầu từ thời điểm đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tập trung triển khai đề án xây dựng tượng đài với tất cả sự tâm huyết và tình cảm kính yêu đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân TPHCM đối với Bác Hồ vĩ đại.
Tượng đài Bác trong lòng người dân thành phố - Bài 1: Linh hồn của thành phố Hồ Chí Minh

Hà Nội ngày 31-5-2011, trong một phiên họp quan trọng, ngay sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo, Ban Bí thư đã kết luận: “Đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính TPHCM. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao, bền vững, xứng tầm với TP mang tên Bác, nơi có vị trí đặc biệt về kinh tế - xã hội của cả nước”. Bắt đầu từ thời điểm đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tập trung triển khai đề án xây dựng tượng đài với tất cả sự tâm huyết và tình cảm kính yêu đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân TPHCM đối với Bác Hồ vĩ đại.

Vị trí đắc địa nhất của TPHCM

Qua khảo sát thực tế các địa điểm được nghiên cứu xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TPHCM và nghe lãnh đạo TP báo cáo về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha), lãnh đạo các bộ ngành Trung ương khi tham dự các cuộc họp đều thống nhất cao vị trí xây dựng tượng đài theo đề án của Ban Thường vụ Thành ủy trình là đặt tượng đài Bác tại công viên trước trụ sở HĐND - UBND TP (86 Lê Thánh Tôn, quận 1).

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá: “Địa điểm này có dấu ấn rất đậm nét về văn hóa, lịch sử, chính trị, là vị trí đắc địa nhất của TP, có không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng và gần gũi với nhân dân; là điểm tham quan không thể thiếu khi đến TPHCM của du khách trong và ngoài nước”.

Phối cảnh Tượng đài Bác Hồ trước trụ sở HĐND - UBND TPHCM.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, vị trí đặt tượng đài là “địa chỉ vàng” của TPHCM cả về cảnh quan, không gian kiến trúc, về giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự phát triển hiện tại; là nơi có không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng, gần gũi với người dân; là nơi đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến TPHCM tham quan. Mặc dù vị trí này cũng có một số hạn chế như không gian không rộng, thiết kế tượng đài phải dựa trên không gian đô thị có sẵn làm hạn chế khả năng sáng tạo, nhưng ở thời điểm hiện tại, trong các vị trí được nghiên cứu xây dựng tượng đài thì vị trí trước trụ sở HĐND - UBND TPHCM là tối ưu, có nhiều điểm ưu việt nhất.

Phân tích thêm vị trí đắc địa này, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng, lẽ thường theo nguyên tắc thì cần một không gian mở, tầm vóc lớn, góc độ ánh sáng… nhưng trong tất cả các yếu tố đó, yếu tố quan trọng, quyết định tất cả là giá trị lịch sử. Có người nói đặt trước trụ sở UBND TP thì tượng đài bị hẹp, bị chìm đi bởi những tòa nhà cao tầng xung quanh. Nhưng chính tại đây, vị trí lịch sử của TP được chứng tỏ nhất. Nơi đây có Đốc Phủ lý, có Tòa Đô chính (giờ là trụ sở HĐND - UBND TP)… là chứng nhân của thời cuộc. Bác ở đó, như một thủ lĩnh tinh thần của nhân dân miền Nam nói chung, TPHCM nói riêng không chỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà bây giờ vẫn tiếp tục soi đường chỉ lối cho nhân dân tiến lên công cuộc xây dựng đất nước. Đặt tượng Người ở đó còn hàm ý nhắc nhở từng cán bộ, đảng viên đang giữ những vị trí chủ chốt của TPHCM phải luôn luôn rèn luyện, nỗ lực không ngừng để xứng đáng với trách nhiệm mà nhân dân đã giao phó.

Đánh giá về vị trí đặt tượng, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định: “Vị trí xây dựng tượng đài trước trụ sở HĐND - UBND TP là nơi phù hợp nhất. Đây là địa điểm gắn với tiềm thức của nhân dân và du khách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; một địa điểm có cảnh quan đô thị đảm bảo tính trang nghiêm nhưng ấm cúng, gần gũi với cuộc sống của nhân dân TPHCM; có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho đầu tư hiệu quả, tiết kiệm”.

Nắn nót từng chi tiết

Để khắc phục những hạn chế về không gian, TP cũng đã có các phương án tổng thể cho toàn khu vực để hài hòa với tượng đài. Quy mô xây dựng công trình là hơn 3.730m2, trong đó ngoài tượng đài ra thì diện tích quảng trường chiếm hơn 603m2, còn lại là lối đi bộ, bồn hoa, cây xanh, hồ sen, bệ đá, chậu cây, ghế đá…

Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận phân tích, không gian kiến trúc tượng đài có vị trí quan trọng nhất trong tổng thể đồng bộ của khu vực trung tâm TP, hài hòa về cảnh quan để tạo không gian mở với trụ sở HĐND - UBND TP, Nhà hát TP, đường Nguyễn Huệ… Trong đó, trụ sở HĐND - UBND TP là công trình kiến trúc bảo tồn; đường Nguyễn Huệ được cải tạo, nâng cấp thành đường đi bộ để kết nối với dự án xây dựng tượng đài. Hai bên tượng đài bố trí hai hàng cây xanh, chọn loại cây khi đã định hình có chiều cao không cao hơn tượng đài Bác Hồ để nhìn thấy chung quanh tượng Bác là tán cây xanh mát. Điêu khắc trên viền nền trong quảng trường nên nghiên cứu theo phương án đá tự nhiên hoặc các họa tiết, hoa văn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. UBND TP chỉ đạo thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ, quận 1 (các công trình ngầm, lát nền, điều chỉnh cốt cao trình, trồng cây, chiếu sáng…) đảm bảo đồng bộ với đề án xây dựng tượng đài Bác. Bố trí cây xanh hai bên quảng trường, dải phân cách giữa không gian đi bộ và tuyến xe lưu thông; bố trí hai làn xe lưu thông một chiều hai bên quảng trường, không gian phân luồng xe chạy ngang trước tượng đài; sử dụng đá lát mặt đường có hoa văn nhẹ nhàng phù hợp với không gian quảng trường, lát đá cùng loại quảng trường nơi đặt tượng, không có đường cắt ngang giữa các giao lộ ngang qua đường Nguyễn Huệ.

Về quá trình xây dựng tượng đài, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ: “Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ là một công trình văn hóa có giá trị và ý nghĩa chính trị quan trọng. Để có được công trình văn hóa này là cả một quá trình trăn trở về ý tưởng, về lựa chọn địa điểm, mẫu sáng tác phác thảo và quá trình thi công… Đó là kết tinh tình cảm, trí tuệ, lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu của mọi tầng lớp nhân dân TP, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà văn hóa, các nhà điêu khắc TP và cả nước”.

Cùng với công viên trước trụ sở HĐND - UBND TPHCM, 6 vị trí khác được nghiên cứu xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Công viên trước Nhà hát TP, Công viên 23-9, sân Hội trường Thống Nhất, Công viên 30-4, Nhà khách Chính phủ, quảng trường trung tâm Thủ Thiêm. Các vị trí đều có thuận lợi và hạn chế, trong đó, các hạn chế chủ yếu: hướng ánh sáng không đạt, không gắn kết với trung tâm hành chính TP, cảnh quan có giới hạn, bị chi phối bởi hai dải cao ốc hai bên… Cuối cùng, vị trí đắc địa trước trụ sở HĐND - UBND TPHCM được lựa chọn làm nơi xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

HỒNG HIỆP - MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục