Ngoài ra 4 bị cáo khác là: Phạm Văn Ẩn; Phạm Đức Tú; Trương Văn Lớn và Lê Ngọc Tuân cũng bị phạt 6 tháng đến 8 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Tất cả 5 người được hưởng án treo.
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (35 tuổi) thuê đất rừng phòng hộ Long Thành để nuôi trồng thủy sản và được Ban quản lý bảo vệ rừng đồng ý. Ngày 26-2-2016, nhận được tin bà Ngọc nuôi tôm trên đất rừng phòng hộ có dấu hiệu xây dựng trái phép, Ban Quản lý phân công nhóm bảo vệ đến kiểm tra. Không có chỉ đạo của cấp trên cũng như quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương nhưng các nhân viên này đã xông vào chòi canh tôm của bà Ngọc đập phá, ném khoảng 40 bao xi măng (theo định giá khoảng 3,4 triệu đồng) xuống đầm tôm, gây hư hỏng. Tại phiên tòa, các bảo vệ rừng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Theo Hội đồng xét xử hành vi của 5 nhân viên xâm hại đến tài sản công dân, dù không có trách nhiệm nghĩa vụ cưỡng chế nhưng tự ý ném các bao xi măng xuống đầm tôm gây hư hại. Tuy nhiên, những bị cáo có nhân thân tốt, đóng góp công lao trong việc bảo vệ rừng nên hội đồng xét xử tuyên với mức án trên.
Bà Ngọc tại tòa
Liên quan đến vụ án, trong quá trình tố cáo hành vi của các cán bộ bảo vệ rừng, ngày 19-4-2016 bà Ngọc bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch bắt giữ về hành vi Chống người thi hành công vụ. Lý do 6 tháng trước đó, bà chửi bới công an vì không lập biên bản tàu hút cát lậu trên sông Đồng Nai.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy Đồng Nai làm rõ vụ việc.
Sau 6 ngày bị bắt oan, bà Ngọc được thả tự do, viện kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch và công an huyện đã tổ chức công khai xin lỗi. Thượng tá Trương Quốc Hiếu – Phó Công an huyện Nhơn Trạch, người ký quyết định khởi tố bắt giam bà Ngọc bị đình chỉ công tác. Ngoài ra, điều tra viên thụ lý vụ việc và kiểm sát viên cũng bị kỹ luật.