
Tôi đã “mê” ngay “ông tỷ phú” vốn là một chiến sĩ quân báo khá nhiều chiến công thời chống Mỹ này khi vừa được phác thảo về anh. Và khi nghe đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tây Ninh “tốc họa” hình dạng anh, tôi đã tin rằng lúc vô trang trại, mình sẽ nhận ngay ra anh. Nhưng tôi đã nhầm.
Dù biết rõ anh Trần Nuôi trong nhóm người đang dở dang công việc ở khu vườn thí nghiệm trước mắt nhưng trước khi được giới thiệu, tôi không thể nhận ra anh là ai trong số đó. Cũng thân hình rắn chắc, tay chân gân guốc, nước da đen cháy trong bộ áo quần lao động anh không khác gì với những người làm công cho mình.

Vợ chồng cựu chiến binh - tỷ phú Trần Nuôi trong khu vườn mãng cầu đang chi chít những trái non ở trang trại của mình.
Trần Nuôi là con một gia đình nông dân nghèo. Thời đánh Mỹ, năm 1971, khi mới 17 tuổi, anh đã xin gia nhập Quân Giải phóng và được đứng trong đội hình của tiểu đoàn 1 quân báo miền Đông Nam bộ. ở đơn vị rất hợp với sở trường của mình này, Nuôi đã chiến đấu lập công trên nhiều tỉnh miền Đông và cả mặt trận Tây Nam suốt 8 năm liền mới rời tay súng trở lại với cuộc sống đời thường ở quê hương là xã Tân Hưng (Tân Châu, Tây Ninh).
Lúc ấy, nếu trừ nửa mẫu đất xã mới cấp, anh gần như tay trắng. Vậy mà đến nay, anh đã là ông chủ một trang trại lớn đứng hàng đầu huyện Tân Châu, hàng “top ten” tỉnh Tây Ninh. Từ một mẫu đất do hai năm đầu cần cù đi làm thuê dành dụm mua được, đến nay tài sản của anh không chỉ có 72ha đất trang trại và công cụ lao động, sinh hoạt có giá hàng tỷ đồng mà mỗi năm trừ chi phí sản xuất còn thu lãi gần 300 triệu đồng.
Anh không chỉ làm giàu nâng cao đời sống cho gia đình còn tạo việc làm cho nhiều người - lúc ít nhất là 20 người lao động luôn có việc làm, có cuộc sống ổn định. Ở “khu rừng” mãng cầu, xe hơi có thể đi lại khắp nơi theo đường phân lô này, anh đã dựng hơn 10 căn nhà làm “tổ ấm” cho họ với điện và nước sạch được dùng miễn phí.
Hiện giờ trang trại của anh còn trồng xen một phần nhỏ diện tích là mía và cao su. Tới đây như anh nói, cả trang trại sẽ là mãng cầu. Để cây có trái quanh năm, anh đã tác động để 2 năm thu hoạch 3 vụ vào những thời điểm khác nhau. Ngoài ra anh còn tích cực đầu tư áp dụng khoa học và kinh nghiệm đã học hỏi được tạo ra giống mới có trái lớn, chất lượng cao hơn để sớm có một thương hiệu riêng trong thương hiệu “Mãng cầu Núi Bà” nổi tiếng ở Tây Ninh.
Trong vườn mãng cầu của anh, có khu toàn bộ các cây đã bị vặt trụi lá trông giống như những cây khô xương xẩu, nhưng thực ra đang được chăm bón, dưỡng sức; có khu tất cả các nhánh cây đang nẩy ra những lớp lá non mơn mởn; có khu cây nào cũng đang trĩu trái trên cành, có trái nặng 500g.
Vựa Bích Lan, là nơi tiêu thụ mãng cầu của anh. Trừ những lúc trái rộ, thương nhân đến mua gọn cả một khu vườn, còn thường ngày hai xe tải của trại đã chở đến đây. Bà chủ vựa Bích Lan luôn nhận mãng cầu của anh bất cứ lúc nào, vì mãng cầu của anh nây trái, vỏ mỏng, cùi dày, đậm đường, hạt ít, mùi vị dịu thơm. Bằng “đầu ra” này, năm qua trang trại của anh Trần Nuôi đã góp với thị trường 55 tấn trái, thu lãi về hơn 300 triệu đồng.
Anh Trần Nuôi cho biết: “Tôi đã khởi nghiệp từ cây mía, nhưng đó chỉ là kế sách “lấy ngắn nuôi dài” và để cho thuần đất ban đầu. Ngay bây giờ những khu đất mới mua, tôi cũng trồng mía và trồng thí nghiệm cả cao su, nhưng mãng cầu vẫn là chủ lực, vì chất đất ở vùng Núi Bà này rất hợp với mãng cầu.
“Khi mua được một mẫu đất thì ráng làm để lấy nhiều hoa lợi mua mẫu thứ hai. Tới khi có được 4 mẫu, vợ chồng tôi đã đem đất đó thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn lớn hơn. Cứ thế xoay vòng để có được cơ ngơi như hôm nay”.
Từ một “lính trơn” Trần Nuôi đã thành “ông chủ lớn”, thành “tỷ phú mãng cầu”. Anh không chỉ có gan mà còn có chí, có cái đầu không chịu nghỉ ngơi. Vẫn thắm chữ Tâm nên khi đã giàu có, anh vẫn không quên nghĩ đến đồng đội, đến bà con nghèo. Anh đã giúp đồng đội và bà con xây nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo, làm công ích nông thôn. Đấy chính là chất chiến sĩ trong “‘tỷ phú mãng cầu” Trần Nuôi.
HÀ BÌNH NHƯỠNG