U Minh Thượng đổi thay

Triển khai từ năm 1999, Dự án Phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng (UMT) là một trong những dự án lớn của tỉnh Kiên Giang. Sau hơn 10 năm triển khai, dự án đã góp phần to lớn cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng đệm (tiếp giáp với Vườn quốc gia UMT). Về UMT trong những ngày này, nắng gắt không làm du khách khó chịu. Ngược lại, họ thấy thích thú với những cánh rừng tràm bạt ngàn và sự tấp nập, đông đúc của cư dân bám trụ nơi đây.
U Minh Thượng đổi thay

Triển khai từ năm 1999, Dự án Phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng (UMT) là một trong những dự án lớn của tỉnh Kiên Giang. Sau hơn 10 năm triển khai, dự án đã góp phần to lớn cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng đệm (tiếp giáp với Vườn quốc gia UMT). Về UMT trong những ngày này, nắng gắt không làm du khách khó chịu. Ngược lại, họ thấy thích thú với những cánh rừng tràm bạt ngàn và sự tấp nập, đông đúc của cư dân bám trụ nơi đây.

Độc đáo vùng “lõi”

UMT là khu căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Đây cũng là nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngày nay, UMT là điểm đến hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng độc đáo của rừng tràm. Từ TP Rạch Giá, qua phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, chạy khoảng 50km là đến Vườn quốc gia U Minh Thượng (VQGUMT). Đây là khu bảo tồn với vùng đất ngập nước quan trọng, được biết đến với các loài chim, gồm 8 loài có trong Sách đỏ của Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN); các loài rùa và rái cá nước ngọt, trong đó có loài rái cá lông mũi chỉ có thể tìm thấy ở Thái Lan. Đặc điểm nổi bật của VQGUMT là sự hiện diện của lớp trầm tích than bùn kết hợp với khu rừng đầm lầy, trong đó cây tràm chiếm đa số. Đây là khu vực duy nhất của hệ sinh thái vùng đầm lầy có than bùn còn sót lại ở Việt Nam.

U Minh Thượng đổi thay ảnh 1

Một góc Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: LÊ CHINH

Vùng lõi được bao bọc bởi một con kênh và đê có hệ thống cống để kiểm soát mực nước. Vào mùa mưa, nước trong vùng lõi thoát ra cải thiện đáng kể cho vùng đệm, có tác động quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Đi giữa rừng tràm dẫn vào khu du lịch sinh thái hồ Hoa Mai nằm trong VQGUMT, chúng tôi như quên đi cái nắng chói chang của buổi trưa. Bình quân mỗi tháng VQGUMT đón khoảng 2.000 du khách trong và ngoài nước”. Được ngắm những cánh rừng tràm bạt ngàn, thăm láng dơi, láng chim, du khách còn có thể thuê xuồng câu cá.

Anh Nguyễn Văn Nhanh, một du khách ở TP Rạch Giá hồ hởi: “Cuối tuần hễ rảnh là tôi xuống đây câu cá. Mua vé và thuê xuồng khoảng 70.000 đồng, ngồi câu thoải mái. Ngồi giữa rừng U Minh, vừa thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, vừa câu được cá”. Theo lời anh Nhanh, khu vực nào có nhiều bèo tai tượng là nơi có nhiều cá. Chính vì thế, mỗi lần đi câu, anh Nhanh đều “trúng lớn”, khi thì cá rô mề, cá lóc hay cá thát lát… Cá câu được khách có thể mang về hoặc đem bán. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các món ngon của vùng U Minh tại căng tin của khu du lịch như: cá rô mề kho chấm đọt choại, cá lóc hấp bồn bồn tươi…

Cú hích cho vùng đệm

Năm 1992, tỉnh Kiên Giang chủ trương khoanh nuôi bảo vệ khôi phục khu rừng tràm nguyên sinh với quy mô 8.128ha và hình thành vùng đệm 14.290ha thuộc địa bàn xã An Minh Bắc (huyện An Minh) và xã Minh Thuận (huyện Vĩnh Thuận). Sau đó, bố trí hơn 3.500 hộ dân không đất sản xuất ở các địa phương trong vùng đến định cư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đến năm 1998, vẫn còn trên 60% diện tích hoang hóa, đời sống nhân dân khó khăn, nhiều hộ phải đi nơi khác làm thuê hoặc vào rừng kiếm sống. Hộ nghèo đói chiếm tỷ lệ cao, có gần 1.000 hộ tại An Minh Bắc và Minh Thuận nằm trong danh sách cứu đói thường xuyên.

Trước tình hình đó, năm 1999, tỉnh Kiên Giang xây dựng dự án phát triển nông hộ vùng đệm UMT, với tổng vốn đầu tư 181 tỷ đồng, nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đệm. Mỗi hộ được giao 4ha đất, vay vốn ngân hàng (từ 25 – 30 triệu đồng) đầu tư múc vuông bao khép kín, sản xuất theo mô hình trồng tràm (1ha) kết hợp với nuôi cá, trồng khóm, mía, rau màu và cây ăn trái (3ha). Hơn 10 năm thực hiện dự án, mô hình trồng mía, khóm, lúa kết hợp nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch ổn định.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, cán bộ UBND xã An Minh Bắc phấn khởi: “Từ ngày triển khai dự án này, nhiều gia đình thu nhập có gần 100 triệu đồng/năm, đời sống người dân được nâng lên thấy rõ”. Ông Nguyễn Minh Thế (sinh năm 1952, ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) là một tấm gương điển hình về thoát nghèo ở vùng đệm. Ông Thế kể: “Năm 1993, gia đình tôi đến vùng đất này sống nhờ vào hái rau muống, bắt cá... Lúc đó, nơi đây hoang sơ lắm, cỏ, lau sậy mọc um tùm. Bây giờ đường sá trải nhựa, xe cộ tấp nập, điện sáng rực. Nhờ được giao 4ha đất canh tác nên mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 50 triệu đồng, không còn đói nữa”.

Hơn 10 năm triển khai thực hiện Dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm UMT, thành quả thu được nhiều, nhưng khó khăn, vướng mắc cũng không ít. Trong đó, số nợ quá hạn tồn đọng tại các ngân hàng còn quá nhiều (nợ gốc chỉ có 32,302 tỷ đồng, nhưng lãi phát sinh đã lên tới 41,558 tỷ đồng). Trước tình hình này, Ban chỉ đạo vùng đệm UMT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành tổng kết dự án, rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm tìm ra giải pháp để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm UMT.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn

LÊ CHINH

Tin cùng chuyên mục