Phong trào dân tộc cực đoan Khu vực cánh hữu (RS) đã quyết định trở thành đảng chính trị của Ukraine và yêu cầu tổ chức bầu cử quốc hội sớm. Nhóm đã đề cử lãnh đạo của mình, ông Dmitry Yarosh làm ứng cử viên tổng thống. Diễn biến như vậy không khỏi làm nhiều nước lo ngại, kể cả Nga và Mỹ.
Yarosh là ai ?
Tiền thân của RS là Hội quốc gia Ukraine (UNA) xuất hiện từ những năm 1990, được xem là một trong những tổ chức cực hữu chính trị vào lúc đó. Nhiều nhánh của UNA giờ đây đang gia nhập RS, trong đó có phong trào tự vệ nhân dân (UNSO), một lực lượng bán quân sự và Trizub. RS cũng đả kích chính quyền Kiev hiện tại, kể cả quyền Tổng thống Aleksandr Turchinov khi cho rằng ông này làm chính trị “quá mờ ám”. Vì vậy ông Yarosh không ngần ngại tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào ngày 25-5 tới. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò gần đây do nhóm nghiên cứu Ukraine SOCIS tiến hành, chỉ 1,6% người được hỏi sẵn sàng bỏ phiếu cho Yarosh.
Theo Itar-Tass, vào ngày 12-3, tòa án quận Basmanny, Mátxcơva đã ban hành lệnh bắt giữ Yarosh về tội khủng bố và đưa ra những lời lẽ cực đoan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nga đưa Yarosh vào danh sách truy nã quốc tế và buộc tội ông Yarosh kích động khủng bố sau khi ông kêu gọi thủ lĩnh phiến quân ở Tresnia Doku Umarov thực hiện các vụ khủng bố nhắm vào Nga. Các nhà lãnh đạo cực hữu của Ukraine đã đe dọa phá hủy đường ống dẫn dầu của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Yarosh cùng với nhiều thành viên khác của UNA - UNSO, đã bị đưa vào danh sách đen của Nga khi họ từng tham gia cuộc chiến chống lại binh lính Nga ở Tresnia trong giai đoạn 1994 - 1995.
Yarosh bước vào sân khấu chính trị quốc tế trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ukraine. Ông đã lãnh đạo Trizub từ năm 2005. Trong các cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Ukraine (Maidan), các phần tử cực hữu đã chủ động gây nhiều vụ bạo lực dẫn đến vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Các thành viên của RS sử dụng gậy gộc, bom xăng và súng chống lại cảnh sát Ukraine và mang phù hiệu của Đức Quốc xã. Yarosh cũng đã bị đưa vào danh sách truy nã của Interpol. Biết rằng mình đang nằm trong danh sách truy nã của Nga, ông Yarosh cho biết đảng của ông đã tăng cường an ninh. Bên ngoài một lối nhỏ dẫn đến khách sạn nơi đảng của ông này đặt văn phòng tạm, mọi người ra vào đều phải có phù hiệu nhận dạng riêng. Bên trong, nhiều thành viên mang súng lục. Ngay trước cửa phòng của Yarosh có bảo vệ ôm khẩu súng trường tấn công Kalashnikov đứng gác. Dọc theo hành lang có rất nhiều camera an ninh. Tất cả những điều này làm cho văn phòng đảng của ông Yarosh giống như một chốt dân quân tự vệ ở Kabul (Afghanistan) hơn là văn phòng một đảng chính trị ở trung tâm của Kiev.
Mỹ cũng lo ngại
Theo báo Washington Post, khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thăm Nhà Trắng hồi trung tuần tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với chính phủ mới ở Kiev nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng không quên đặt câu hỏi vì sao các thành phần cực hữu lại đóng vai trò quan trọng ở chính trường Ukraine. Oleksandr Sych, một trong 3 phó thủ tướng Ukraine là thành viên nhóm đảng Liên minh toàn Ukraine Svoboda, nhóm được xem là cực hữu. Ông này từng cho rằng Ukraine đang bị nhóm “mafia Mátxcơva - Do Thái” kiểm soát trước khi xảy ra biến cố dẫn đến lật đổ Tổng thống Yanukovych. Các thành viên của Svoboda cũng có chân trong các bộ Nông nghiệp và Môi trường của Ukraine. Theo Washington Post, vào năm 2013, Hiệp hội những người Do Thái trên thế giới kêu gọi Liên minh châu Âu xem xét cấm hoạt động những đảng phái tân phát xít, trong đó có Svoboda. Người đứng đầu Hội đồng quốc phòng và an ninh, phụ trách lực lượng vũ trang của Ukraine hiện là Andriy Parubiy. Ông này đã sáng lập đảng Xã hội - Quốc gia Ukraine theo chủ nghĩa tân phát xít và là tiền thân của đảng Svoboda.
Washington Post nhận định: Tất cả điều này cho thấy tình hình ở Ukraine không đơn giản. Thật không công bằng khi nói rằng chính phủ mới của Ukraine bị lực lượng cực hữu chi phối. Nhưng sự hiện diện của các nhân vật nói trên đủ để cảnh báo với các nhà hoạch định chính sách tại Washington rằng, các nhà lãnh đạo mới của Ukraine sẽ phải chú ý tôn trọng quyền của mọi công dân, bao gồm cả những người ủng hộ chế độ bị lật đổ. Các đảng cực hữu tại Ukraine từ lâu đã ủng hộ đưa ra các luật cấm sử dụng tiếng Nga trong kinh doanh chính thức. Họ còn dự định viết lại sách lịch sử tôn vinh người Ukraine cùng với việc chống đối người Nga hay Do Thái.
Báo Washington Post nhấn mạnh, Tổng thống Barack Obama đã lưu ý chính phủ lâm thời Ukraine phải tổ chức cuộc bầu cử mới tự do và công bằng để chứng minh không có dấu hiệu bài Do Thái hay Nga ở Ukraine. Ông Obama cũng thấy trước rằng, nếu các phần tử cực hữu giúp định hình các chính sách của chính phủ mới sẽ đẩy tình hình căng thẳng giữa các khu vực phía Đông và phía Tây của Ukraine càng tồi tệ hơn.
Theo Reuters, mục tiêu của các nhóm cực hữu ở Ukraine không có gì khác ngoài sự kích động tinh thần chống Nga và bài Do Thái. Khác biệt lớn giữa họ với những người chủ trương theo đường lối dân tộc ôn hòa là họ sẵn sàng dùng bạo lực.
THỤY VŨ (tổng hợp)