UNESCO trao bằng công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Tối 31-1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An, Bộ VH-TT-DL, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ vinh danh và đón nhận bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
UNESCO trao bằng công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

(SGGP).- Tối 31-1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An, Bộ VH-TT-DL, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ vinh danh và đón nhận bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tham dự buổi lễ có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam; bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương các câu lạc bộ dân ca 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Bà Katherine Muller Marin trao bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh.

Đáp ứng cả 5 tiêu chí của UNESCO

Phát biểu tại lễ vinh danh, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao. UNESCO mong muốn chính quyền và người dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.

Sau phần lễ công bố quyết định của UNESCO, trao bằng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm.

Sau lễ vinh danh là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền Ví, Giặm”, mang đến cho khán giả những giá trị độc đáo của loại hình di sản này. Chương trình cũng là dịp để khán giả giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian, các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Những câu ca đậm chất miền Trung nắng gió

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là lối hát không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền... Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm cửa quyền, Giặm Đức Sơn…

PGS Ninh Viết Giao, người đã tìm hiểu và nghiên cứu loại hình âm nhạc đặc biệt này chia sẻ: Giọng hát Ví cất lên nghe trầm trầm, tha thiết, lắng sâu vào lòng người, nghe như có gì nấc nghẹn trong lòng, đè nặng lên tâm tư, quấn quýt vấn vương bên mình. Khi đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng, tưởng như người hát, hát cho người khác nghe thì ít mà hát để bộc lộ nỗi lòng của mình thì nhiều. Suốt đêm bà con chỉ hát một làn điệu. Nếu thay đổi có chăng chỉ là giọng thấp, giọng cao, giọng dí dỏm hài hước, giọng giận hờn, trách móc, giọng da diết yêu thương... cho phù hợp với nội dung câu hát và tâm trạng của mình, với môi trường hoàn cảnh xung quanh, với thời gian ngày đêm, không gian núi đồi, sông nước, làng mạc, ruộng đồng hay chỉ trong một cái sân nhỏ, một căn nhà tranh... phù hợp với công việc đang làm, chứ làn điệu trước sau chỉ là một.

Chương trình nghệ thuật “Về miền Ví, Giặm.

Hỡi là người ơi/Muối ba năm muối đang còn mặn/Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/Đôi ta tình nặng nghĩa dày/Dù xa nhau đi chăng nữa, mấy vạn mấy ngàn ngày nỏ xa... Những câu hát đơn sơ, mộc mạc và khúc điệu đầy biểu cảm được cất lên từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc đã dần dần định hình thành thể hát dân ca sinh hoạt trữ tình, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh, trở thành nét bản sắc riêng của vùng văn hóa xứ Nghệ.

Về lịch sử, nguồn gốc ra đời của Ví, Giặm xứ Nghệ có nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, song có thể thấy từ thế kỷ 17 - 18 thì hát Ví, Giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến các nhà khoa bảng, thầy đồ và trí thức đương thời nói chung. Mỗi khi giai điệu của Ví, Giặm cất lên là người nghe hẳn sẽ cảm nhận được tâm hồn, cốt cách của người dân Nghệ Tĩnh. Người ơi, ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Ai biết cuộc đời răng là nhục là vinh/Thuyền em lên thác xuống ghềnh/Nước non là nghĩa, là tình ai ơi...

Sức sống di sản tiếp tục nảy nở và lan tỏa

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, Ví, Giặm xứ Nghệ đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, về hình thức thể hiện, về đề tài phù hợp với sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội và nhu cầu của công chúng. Ví, Giặm được bảo tồn, phát triển trong cộng đồng bằng hình thức văn nghệ quần chúng, thông qua hoạt động Câu lạc bộ, được đưa lên sân khấu, đưa vào trường học và các phương tiện thông tin đại chúng. Khác với nhiều loại hình di sản khác, việc sáng tác lời mới hay chế tác những thể cách, bài bản mới là một hoạt động phổ biến, diễn ra thường xuyên và từ lâu đã trở thành một dòng chảy liên tục của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đấy cũng là một biến thiên cho thấy sức sống của loại hình dân ca này qua những thay đổi, thăng trầm của đời sống xã hội.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh nằm ở “sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh” và “phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của họ”. Trong quá trình lịch sử, Ví, Giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động, nhạc ngữ ấy làm cho âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng, đặc biệt đây là tiền đề của rất nhiều sáng tác nghệ thuật mới dựa trên âm hưởng dân ca Ví, Giặm.

Duy Cường - Mai An

Ông Nguyễn Đình Kế, Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh: Đối với người dân Thạch Châu, các hoạt động văn hóa của làng xã như đám cưới, đám hỏi, lễ mừng thọ cho đến những hội diễn văn nghệ không thể thiếu các tiết mục hát dân ca Ví, Giặm. Mỗi người dân từ già tới trẻ đều thuộc một đôi câu trong các làn điệu Ví, Giặm.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đình Bảo, nguyên nghệ sĩ của Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh: Bây giờ trách nhiệm của con cháu từ thế hệ này, thế hệ khác phải làm thế nào cho dân ca Ví, Giặm vươn xa hơn nữa, cao đẹp hơn nữa, để xứng đáng với công lao của ông cha, xứng đáng với những con người có công lăn lộn, sáng tạo ra nó. Cái mốc sự kiện vinh danh Ví, Giặm thật tuyệt vời, nó làm cho tôi như trẻ ra, sống thêm khỏe, thêm thọ.

Bà Đặng Thị Nguyệt (65 tuổi, Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm Thành Sen, TP Hà Tĩnh - người đã trực tiếp cải biên sáng tác lời bài hát mới trên 30 bài): Hiện nay, để lôi cuốn được lớp trẻ biết và hát dân ca Ví, Giặm, trước hết phải có lời bài hát mới gắn với cuộc sống hiện tại, không xa rời vấn đề thời sự của đất nước”.

Anh Dương Xuân Thắng, xã Hòa Tiến, TP Vinh, Nghệ An: Là đàn ông nhưng tôi vẫn biết ru con, bởi tôi thuộc khá nhiều bài dân ca Ví, Giặm sinh thời mẹ tôi hay hát ru chúng tôi, ru các cháu. Mỗi lần ru con, chỉ cất lời đôi bài Ví, Giặm thôi thì đã thấy ấm áp lắm rồi. Nhờ có dân ca Ví, Giặm mà nhiều bài hát mang âm hưởng của dân ca quê tôi đã trở nên hay, nổi tiếng và sống lâu trong lòng người nghe.

DUY CƯỜNG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục