Ứng cứu hoa tết

Ứng cứu hoa tết

Sau nỗi lo hàng ngàn con trâu, bò ở vùng cao bị chết đói, chết rét, giờ đây lại tới lượt hàng ngàn nông dân ở đồng bằng Bắc bộ lo rau màu, hoa tươi, đào tết bị chết rét, hoa “ngậm nụ”, không cho thu hoạch vì rét đậm kéo dài.

  • “Toát mồ hôi” vì trời rét đậm

Cách đây 1-2 tháng, những vườn đào ở làng La Cả (Dương Nội - Hà Đông), Ngọc Trục (Đại Mỗ - Từ Liêm), Nhật Tân (Tây Hồ)… nằm ở ngoại ô TP Hà Nội vẫn còn mơn mởn. Gương mặt người nông dân nào cũng hớn hở trong nắng ấm vì tin tưởng năm nay đào, quất tết sẽ bội thu. Nhưng gần 15 ngày qua, khi miền Bắc chìm trong rét đậm, gương mặt nông dân trồng đào không chỉ tím tái, âu sầu vì rét quá dữ mà còn vì những ruộng hoa, vườn đào của họ gieo trồng cả năm chỉ chờ một mùa tết đến đang có nguy cơ “mất tết”, đồng nghĩa với việc thất thu cả chục tới hàng trăm triệu đồng.

Dọc con đường chạy giữa cánh đồng La Cả, những khóm cây đào đứng trong mưa phùn giá lạnh, đen thui thủi như bó củi bị cháy dở. Chỉ vào vườn đào èo uột của mình, chị Nguyễn Thị Dung, ở tổ 1, xóm Đoàn Kết than vãn: “Rét đậm quá. Từ nay tới Tết Tân Mão chỉ còn hơn chục ngày nữa mà các nụ đào vẫn còn lép kẹp, đào vẫn ngậm nụ làm sao kịp bán”.

Theo chị, rét đậm cùng với mưa phùn, sương muối bao phủ đã làm đào không bật các nụ lên được. Cứ tình hình như hiện nay có khi phải tới rằm tháng giêng, đào mới nở.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Thìn, chủ một vườn đào thế khá đẹp, ở cùng xóm Đoàn Kết, làng La Cả, giãi bày: “Độ này năm ngoái, trời nắng chang chang như mùa hè, làm người trồng đào chúng tôi toát mồ hôi vì đào nở bung quá sớm, bán không ai mua. Năm nay, vì lo sợ trời lại nóng như năm ngoái nên chúng tôi mới phải hãm nụ đào lại, bằng cách đánh gốc thật cao, hạn chế nước tưới. Nào ngờ gặp kỳ rét đậm quá dài, chúng tôi trở tay không kịp”.

Trên cánh đồng đào Nhật Tân cũng vậy. Ông Dương Đức Lợi lo lắng bảo: “Hơn 200 cây đào thế của tôi đều đã có khách đặt mua cả rồi. Mỗi cây trung bình 10 triệu đồng. Họ hẹn 20 Âm lịch sẽ qua chuyển về, nhưng nếu nụ không nở được, chỉ có cành khô thì khách không chỉ trả lại mà có khi còn phạt nữa”.

Tại các vùng trồng hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền ở Tây Tựu (Từ Liêm), Mê Linh, Vĩnh Tuy…, người trồng hoa hiện nay cũng đang đứng ngồi không yên vì rét đậm kéo dài.

Những vườn đào thế có nguy cơ “mất tết”. Ảnh: VĂN PHÚC

Những vườn đào thế có nguy cơ “mất tết”. Ảnh: VĂN PHÚC

  • Dồn sức cứu hoa, đào tết

Buổi sáng 15-1, khi trời vừa hửng lên một chút nắng, mặc dù vẫn còn giá rét, nhiệt độ nhiều nơi dưới 15°C, hàng trăm nông dân ở Đại Mỗ, La Cả, Nhật Tân… đã đổ xô ra đồng để cứu đào, hoa tươi khỏi chết rét, cho các nụ mở trở lại.

Ông Nguyễn Văn Tụy, chủ một vườn đào hơn 150 gốc ở Đại Mỗ, cho biết, các gia đình đều phải huy động các loại máy bơm ra bơm nước lên ruộng, dùng cuốc xẻng khẩn trương khơi thông kênh, rãnh để nước tràn đầy vào các khóm hoa, luống đào. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải đun nước ấm, pha thêm đạm để tưới cho đào mau nở. “Trồng đào kỵ nước nhưng chưa năm nào phải tưới nước cho đào như năm nay”- ông Tụy nói.

Còn ở ruộng hoa đồng tiền bên cạnh, anh Nguyễn Trung Hường, nhà ở tổ 1, xóm Đoàn Kết, đang khẩn trương mắc những chiếc bóng điện để ban đêm thắp sáng, sưởi ấm cho hoa. Từ nay tới tết, gia đình ông phải tập trung mọi công việc để cứu đào.

Ở làng hoa Tây Tựu, bên cạnh mắc hàng ngàn bóng điện thắp sáng, người dân còn phải làm nhà lồng, dùng mảnh nylon để che phủ gió và sương muối cho hoa, để hoa nở đúng kỳ tết.

Hiện tại, người dân đang nỗ lực cứu những cánh đồng hoa tết, may ra cứu được khoảng 50%-60% diện tích hoa các loại. Do đó, giá hoa và đào tết năm nay dự kiến tăng lên khoảng 10%-15%.

  • Miền Trung: Lại đối mặt với mưa rét

Từ sáng 15-1, thời tiết tại khu vực Bắc miền Trung lại xảy ra đợt mưa và rét đậm do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường. Cái lạnh tê tái cộng với mưa và gió Đông Bắc cấp 3 - 4 làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhiệt độ trên địa bàn xuống thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây khiến nhiều gia súc chết. Tính đến chiều 15-1, toàn huyện đã có 146 con gia súc chết vì rét (34 con trâu, 92 con bò, 18 con dê và số còn lại là heo). Gia súc chết nhiều nhất tập trung ở các xã Hương Lâm, Hồng Thái và Đông Sơn.

Mưa và rét đậm khiến số bệnh nhân mắc các bệnh biến chứng huyết áp, cảm lạnh, ho tiêu hóa... tăng mạnh. Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện Khoa đang điều trị nội trú cho gần 200 trẻ dưới 6 tuổi, chủ yếu mắc các bệnh do thời tiết mưa lạnh như hô hấp, tiêu hóa... Phụ huynh cần giữ ấm và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với trời lạnh đối với con trẻ. Nên mặc ấm, đồng thời đội mũ len và đeo bao tay cho con trẻ... mọi lúc mọi nơi.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, nhiều gia đình tại khu vực nông thôn và miền núi các tỉnh miền Trung thường đốt than và đóng kín cửa sưởi ấm trong nhà khi nhiệt độ xuống thấp đã dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm. Tại lễ tang bố con ông Nguyễn Văn Thành (45 tuổi) và Nguyễn Thị Năm (15 tuổi) đã được tổ chức tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Công an xã Vĩnh Thái, cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai cha con ông Thành là do bị ngạt khói. Sự việc được phát hiện sáng sớm 13-1 khi người nhà hai nạn nhân nói trên phá cửa vào phòng ngủ thì thấy hai cha con đã chết, tím tái từ lâu. Trước đó vào tối 12-1, trời lạnh, ông Thành đã đặt lò than xuống gầm giường và đóng kín cửa nằm ngủ. Cháu Năm ngủ chung với bố và cùng bị nạn

NHÓM PV

Dồn dập rét đậm, rét hại

Cách đây 10 ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, rét đậm rét hại ở miền Bắc, miền Trung sẽ còn kéo dài tới ngày 20-1. Tuy nhiên, hôm qua 15-1, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương lại đưa ra thêm nhận định: Không khí lạnh cùng rét đậm, rét hại sẽ kéo dài tới ít nhất là ngày 25-1.

Nguyên nhân là do từ nay tới ngày 25-1, sẽ có liên tục 3 đợt không khí lạnh tăng cường nữa tràn vào nước ta. Trong đó, đợt đầu tiên sẽ tràn vào sáng 16-1, miền Bắc trở lại rét đậm, có thể tiếp tục xảy ra băng giá ở vùng cao. Sau đó, vào ngày 17 và 18-1 lại có một đợt và ngày 20 và 21-1 thêm một đợt khác.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, nhận định, rét đậm rét hại có thể kéo dài tới tận dịp Tết Tân Mão. Nếu vậy, đây là đợt rét có thể kéo dài liên tục 25-30 ngày. Đợt rét kỷ lục năm 2008 đã kéo dài 38 ngày, làm 52.000 trâu bò chết, 150.000ha lúa bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

 

Tin cùng chuyên mục