Ứng dụng khoa học công nghệ, thuận lợi cho hành khách đi xe và cơ quan quản lý

Sau nhiều tháng, Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng bước đầu đem lại nhiều thuận lợi cho cả hành khách đi xe và cơ quan quản lý nhà nước.
Ứng dụng khoa học công nghệ, thuận lợi cho hành khách đi xe và cơ quan quản lý

Sau nhiều tháng, Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng bước đầu đem lại nhiều thuận lợi cho cả hành khách đi xe và cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều tiện lợi

Theo Bộ GTVT, sau 9 tháng thực hiện chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Khánh Hòa, TPHCM… đã giúp các sở GTVT nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện; bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong quá trình đi lại. Đó là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được áp dụng; việc thanh toán đối với người thuê vận tải (hành khách) được công khai, minh bạch biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi. Đặc biệt là công tác thu nộp thuế của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cơ bản được chấp hành tốt.

Hệ thống công nghệ kết nối hành khách với taxi Vinasun. Ảnh: CAO THĂNG

Là một trong những đơn vị thí điểm triển khai hoạt động đặt xe qua ứng dụng công nghệ, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam nhìn nhận, đây là loại hình kinh doanh mới phù hợp xu thế thời đại, phù hợp quy luật thị trường trong điều kiện các tỉnh, thành phố có nhiều phân khúc thị trường, nhiều nhu cầu đi lại khác nhau. Theo ông Hỷ, sau nhiều tháng triển khai, khách hàng đi xe đánh giá cao loại hình vận tải khách văn minh, hiện đại, có nhiều tiện ích bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước địa phương được chọn thí điểm, Sở GTVT TPHCM cho hay, từ khi dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng ra đời đã mang lại sự tiện ích nhất định cho khách hàng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải như: Giúp khách hàng biết được chính xác số xe, lái xe, thời gian chờ đợi, giá tiền phải trả cho hành trình ở từng thời điểm, thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ phần mềm đối với hoạt động vận tải taxi truyền thống.

Tăng cường quản lý loại hình kinh doanh vận tải hợp đồng

Bên cạnh những tiện ích của việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mang lại, hiện vẫn còn một số tồn tại về chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải và quản lý hoạt động vận tải. Đó là còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành như không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định. Một số bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với các website, ứng dụng di dộng cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng dẫn đến một số công ty có hoạt động cung cấp phần mềm điều hành hoạt động vận tải nhưng không đăng ký và thực hiện theo quy định.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay số lượng xe tham gia loại hình vận tải này đang phát triển mạnh mẽ và diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, các xe mang biển số thuộc các tỉnh, thành phố khác không ngừng chuyển về TP để hoạt động, đồng thời các xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải, sau một thời gian tham gia cùng với nhà cung cấp ứng dụng dịch vụ kết nối vận tải, có lượng hành khách quen ổn định và kết nối trực tiếp với khách hàng để cung cấp dịch vụ vận tải mà không thông qua nhà cung cấp ứng dụng. Vì vậy, Sở GTVT TPHCM kiến nghị Bộ GTVT cần đưa ra các quy định trong việc kiểm soát và nghiêm cấm các đơn vị vận tải hành khách lắp đặt các phần mềm ứng dụng không thuộc đề án thí điểm. Đồng thời, phần mềm kết nối trên cũng phải được các nhà cung cấp dịch vụ gửi về cơ quan Nhà nước để kiểm tra, giám sát.

Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Tạ Long Hỷ cho rằng, để đề án thí điểm thành công, cần triệt tiêu việc dùng phần mềm để điều động các xe cá nhân, xe dưới 9 chỗ vào việc đưa đón khách (hay còn gọi là xe dù, xe mù cao cấp). Các doanh nghiệp cung cấp phần mềm cần cam kết chỉ ký hợp đồng cung cấp phần mềm điều hành cho các đơn vị doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải hợp pháp, hội đủ điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống theo quy định của pháp luật. Cần tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi kiến nghị cơ quan quản lý GTVT tăng cường quản lý đối với những hoạt động kinh doanh vận tải của các xe hợp đồng dưới 9 chỗ, đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ cho xe hợp đồng điện tử.

Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các website, ứng dụng di dộng cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng.

 Tính đến giữa tháng 10-2016, cả nước có 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm là ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (Đề án thí điểm GrabCar); Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Đề án thí điểm V-Car) và Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Đề án thí điểm Thanh Cong Car).

MINH VÂN

Tin cùng chuyên mục