Amoniac là một loại khí rất độc, khi hít phải với nồng độ cao sẽ khiến nạn nhân ngất xỉu ngay, có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Trước đây, đã từng xảy ra các vụ rò rỉ khí amoniac ở Công ty Amanda Foods (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Nhà máy nước đá Thịnh Lợi (phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), Công ty TNHH TM Chí Nguyên (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…, khiến nhiều người bị ngộ độc. Trên thế giới đã có những vụ rò rỉ khí amoniac quy mô lớn, gây thiệt hại nhân mạng và nhiễm độc môi trường. Vậy mà trạm chiết gas amoniac thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc vẫn xem thường an toàn lao động (năm 2008 trạm này cũng đã từng xảy ra cháy nổ).
Nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả vụ rò rỉ khí amoniac tại trạm chiết amoniac thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc. Lượng khí rất lớn rò rỉ ra môi trường xung quanh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân.
Từ vụ việc này, vấn đề rất quan trọng cần đặt ra là sự quản lý khí độc hại vẫn còn quá lỏng lẻo. Nghị định 68/2005/NĐ-CP đã quy định thiết lập khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, cất giữ hóa chất tới các điểm dân cư, công trình công cộng, nguồn nước sinh hoạt... Vậy tại sao một trạm sang chiết khí amoniac lại được cấp phép hoạt động ngay trong khu dân cư? Lẽ nào chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành đều không dự liệu tình huống xảy ra rò rỉ, cháy nổ, thậm chí phá hoại, khủng bố, khiến phát tán khí độc hại có thể sát hại rất nhiều người dân?
Hóa chất được sử dụng ngày càng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và mọi hoạt động của đời sống xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tàng trữ hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vì có thể xảy ra sự cố hóa chất có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, thiệt hại kinh tế và môi trường xung quanh. Nhìn chung, hầu hết các loại hóa chất đều có khả năng phát tán nhanh trên diện rộng, dễ xâm nhập vào cơ thể con người, từ đó gây ngộ độc, có thể để lại những hậu quả lâu dài trong môi trường tự nhiên bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy.
Trong khi nhiều hộ dân đã có ý thức cảnh giác phòng chống cháy nổ, tự trang bị bình chữa cháy, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas tại nhà, thì vẫn còn những cơ sở sản xuất - kinh doanh các hóa chất độc hại, dễ rò rỉ, dễ cháy nổ nằm xen trong khu dân cư, vi phạm các quy định của Luật Hóa chất, Luật Phòng cháy chữa cháy. Để phòng chống hiểm họa, nên rà soát, quy hoạch, rút giấy phép hoạt động, di dời những cơ sở sản xuất - kinh doanh hóa chất độc hại ra khỏi khu dân cư. Cần kiểm tra việc thực thi đảm bảo các điều kiện sản xuất - kinh doanh hóa chất theo Nghị định 68/2005/NĐ-CP. Theo đó, giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất - kinh doanh các loại hóa chất có điều kiện trong công nghiệp phải có bằng đại học các ngành hóa chất. Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể khác đối với từng loại hóa chất, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tại các thành phố công nghiệp, cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 5-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất, có kế hoạch chi tiết phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn, nâng cao sự chủ động, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Cẩn trọng với nguy cơ rò rỉ amoniac khan tại các nhà máy sản xuất tôn, sắt, thép, các nhà máy sữa bột, chế biến mủ cao su, các kho lạnh… Cùng với việc phổ cập cho người dân kiến thức phòng cháy chữa cháy, cũng cần trang bị kiến thức xử lý tình huống rò rỉ hóa chất độc hại.