Ước vọng vươn khơi

Hơn 35 năm vươn khơi, lão ngư Trần Ban (74 tuổi, trú tổ 20B, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã kinh qua không biết bao nhiêu cơn bão biển kinh hoàng. Với lão, cơn bão biển hung tợn nhưng không đáng sợ. Cái nghèo mới làm nên nỗi sợ hãi. “Làm gì để bám biển, để sống được với nghiệp biển và làm giàu với nghiệp biển?”- những câu hỏi ấy cứ thường trực trong đầu lão. Để rồi, cách đây 15 năm trước, sau 20 năm đeo bám nghiệp biển, ông đã tìm được câu trả lời: phải chiến đấu và chiến thắng biển để làm giàu.
Ước vọng vươn khơi

Hơn 35 năm vươn khơi, lão ngư Trần Ban (74 tuổi, trú tổ 20B, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã kinh qua không biết bao nhiêu cơn bão biển kinh hoàng. Với lão, cơn bão biển hung tợn nhưng không đáng sợ. Cái nghèo mới làm nên nỗi sợ hãi. “Làm gì để bám biển, để sống được với nghiệp biển và làm giàu với nghiệp biển?”- những câu hỏi ấy cứ thường trực trong đầu lão. Để rồi, cách đây 15 năm trước, sau 20 năm đeo bám nghiệp biển, ông đã tìm được câu trả lời: phải chiến đấu và chiến thắng biển để làm giàu.

  • Ước mơ từ những con tàu...

Cách đây hơn 15 năm, thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề đánh bắt xa bờ là chuyện viển vông xa vời với ngư dân miền Trung. Lúc ấy, cái nghèo cái đói vẫn còn bám riết người dân miền biển đến ngóc đầu không nổi. Ngồi lênh đênh trên chiếc ghe nan kiếm cái cơm nuôi sống vợ con nơi cửa Hàn (cách gọi của người Đà Nẵng nơi sông Hàn gặp biển - PV) đã khó huống gì tính chuyện đóng tàu vươn khơi.

Lão ngư Trần Ban
Lão ngư Trần Ban

Nhưng với lão ngư Trần Ban, lúc ấy lão đã nghĩ đến chuyện đóng tàu đánh bắt xa bờ. Thế rồi đến năm 1999, khi Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế biển, lão vay tiền ngân hàng, rồi chạy vạy khắp nơi để đóng con tàu đánh bắt xa bờ. Con tàu trong mơ của lão rồi cũng trở thành hiện thực mang số hiệu ĐNa-90136 có công suất 165CV, một trong những tàu cá xa bờ lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Có tàu, lão và con trai nuôi Trần Văn Sơn quần thảo khắp biển Đông hành nghề lưới vây trước sự thán phục của mọi người.

Chưa thỏa lòng, năm 2004, lão nâng cấp máy tàu lên 250CV, chuyển sang nghề câu mực xà. Sau vài chuyến đi biển, lão giao tàu cho anh Sơn và lui về làm “tổng chỉ huy” ở hậu phương. Ngồi bờ nhưng lão nắm đường đi nước bước, hướng dẫn cho con trai thời tiết nào đi vào tọa độ nào là nhiều mực, đi vào tọa độ nào là an toàn…

Ly kỳ nhất là lão khiển tàu từ xa thoát khỏi cơn bão “trở chứng” Chanchu vào năm 2006 - cơn bão đi zích zắc và “gói” hàng chục tàu cá của Đà Nẵng vào “bẫy”, trong đó có tàu ĐNa-90136 của lão.

“Khi bão đảo chiều, thằng Sơn nó gọi cho tui qua bộ đàm, nghe tiếng được tiếng mất, kêu cứu. Bằng kinh nghiệm mấy mươi năm đi biển, tui biết hết đường chạy rồi nên lệnh nó phải cho tàu đối đầu với hướng bão, đồng thời lấy mền (chăn đắp - PV) buộc chặt vào giàn phơi mực rồi thả trên mặt nước quanh tàu để khỏi sóng đánh vô nước làm tàu chìm. Nó liều mạng nghe theo tui nên thoát được cơn bão, nhưng không ít bạn tàu của Đà Nẵng chết và mất tích trong chuyến ấy. Không tài giỏi gì, nhưng với biển là vậy. Bình thường phải biết chan hòa với nó, nhưng khi nó nổi giận phải biết đối đầu!” - lão ngư Trần Ban tâm sự.

  • …đến con tàu lớn nhất miền Trung

Sau bão Chanchu, đoàn tàu câu mực khơi hùng mạnh ngày nào của Đà Nẵng bỗng chốc rệu rã, tan tác. Người bỏ mạng, kẻ thoát được về bán tàu đổi nghề, quyết đoạn tuyệt với biển. Nghề câu mực xà Đà Nẵng từ đó yếu hẳn đi nhưng ông khuyên con trai quyết bám biển, không được bỏ nghề câu mực xà dù khó khăn đến đâu. Trời chẳng phụ lòng người, nghề câu mực xà ngày càng trúng lớn, mỗi chuyến đi kiếm cả tỷ đồng. Riêng trong năm 2011, con tàu ĐNa-90136 thu được 10,5 tỷ đồng, sau khi trừ phí tổn, chia cho bạn tàu, gia đình lão thu lợi được hơn 2,5 tỷ đồng.

Con tàu có công suất gần 1.000CV do lão ngư Trần Ban tự đóng.

Con tàu có công suất gần 1.000CV do lão ngư Trần Ban tự đóng.

Nghề câu mực xà thắng lớn, trong khi tàu thì nhỏ nên mỗi chuyến biển chỉ kéo dài 1 tháng phải quay về tiếp nhiên liệu, mua thức ăn, nước uống và bán mực khiến phí tổn ngày càng cao, nhất là vật giá ngày càng leo thang, nên làm thì nhiều mà chẳng hưởng được bao nhiêu. Chưa tính phí tổn đi lại, cái thiệt lớn là mất thời gian vào – ra và tốn công dò ngư trường.

Trước bức xúc đó, lão tính phải đóng con tàu to gấp nhiều lần để có thể kéo dài chuyến biển lên 3 tháng. Nghĩ là làm, lão và con trai út là anh Trần Văn Mười (sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh Đà Nẵng) hì hục lên thiết kế rồi bôn ba vào tận Sài Gòn đặt mua máy, bu-lông, trục lắp, cánh quạt loại lớn… để chuẩn bị đóng con tàu cá “khủng” nhất miền Trung.

Tháng 9-2011, lão bắt tay vào đóng tàu. Sau 3 tháng không ngừng nghỉ, trước tết cổ truyền 2 ngày (27 Tết - PV), con tàu ĐNa-90567 trị giá hơn 4 tỷ đồng được đóng từ 150m³ gỗ, 7 tấn bu-lông, công suất 948CV (mã lực), rộng 7,25m, dài 23,8m; có thể chở 20 tấn dầu, 60 tấn nước, 2 tấn gạo, 1 tấn mì tôm, 600 lít dầu ăn, 2 tấn gas, 40 thuyền viên, 35 thuyền thúng, chịu sóng gió cấp 8 được hạ thủy trước sự ngỡ ngàng của các chủ tàu bạn. Tàu còn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu - GPS, máy I-com, máy thông tin liên lạc tầm xa…

Ngoài ra, tàu có 3 phòng ngủ lớn, có bếp gas, có nồi áp suất như ở nhà; 2 tivi, đầu đĩa… phục vụ cho bạn trong những lúc rỗi rảnh. Lão ví von số hàng hóa chuẩn bị cho chuyến biển 3 tháng của mình nhiều đến mức “nó trông như cái chợ Cồn”.

Thấy lão và con trai đóng tàu cá “khủng”, hai người bạn của con trai lão ở Quảng Nam cũng đóng con tàu lớn gần bằng tàu ĐNa-90567 và lập thành một đội câu mực thiện chiến với số ngày bám biển siêu dài: 3 tháng. Ngày 20 tháng giêng vừa rồi, con tàu ĐNa-90567 chính thức xuất bến hướng thẳng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chở theo bao nhiêu kỳ vọng của lão, của gia đình lão và cả của cả ngành thủy sản.

Con tàu gần 1.000CV của lão ngư Trần Ban ra khơi được xem như là sự kiện lớn, một hiện tượng hiếm có trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Từ con tàu của lão, nhìn lại hàng trăm con tàu bé nhỏ của ngư dân miền Trung ngày này qua tháng nọ bám biển mà thấy việc làm của lão vĩ đại quá. Nhìn con tàu của lão rẽ nước tiến thẳng về Hoàng Sa - Trường Sa lừng lững, ai nấy cũng trầm trồ mà miệng vẫn buông câu bâng quơ: Được mấy ai dám “liều mạng” như lão? Nhìn con tàu xa dần, lão bảo như đinh đóng cột: “5 năm nữa tui lấy lại vốn!”. 

Tui đóng tàu lớn vươn khơi bám biển không chỉ để kiếm sống, kiếm cơm mà còn bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Mong một ngày nào đó, Đà Nẵng có nhiều tàu lớn như tàu tui, thậm chí to hơn, hiện đại hơn để thỏa giấc mơ nghiệp biển của ngư dân"

Lão ngư Trần Ban tâm sự

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục