Ưu đãi, miễn thuế để kích thích đổi mới sáng tạo

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép TPHCM được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với người làm khoa học trong các tổ chức khoa học - công nghệ (KH-CN), và đặc biệt là các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM

Phóng viên: Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) được xác định là “cú hích” to lớn cho sự phát triển của TPHCM. Riêng trong lĩnh vực KH-CN, nghị quyết này có tác động như thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Các quốc gia trên thế giới đã có thống kê cho thấy, đầu tư cho KH-CN chiếm từ 5%-6% GDP; trong đó nguồn lực nhà nước chỉ chiếm một phần, còn lại là nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư… Do đó, chính sách miễn, giảm thuế từ Nghị quyết 98 là rất quan trọng, khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Nghị quyết 98 có một số chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn và giúp huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH-CN, KNĐMST. Trong đó, thu hút nguồn lực của xã hội với các chính sách miễn, giảm thuế cho các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu phát triển và KNĐMST có ý nghĩa rất lớn. Chính sách này tác động tích cực đến vườn ươm KH-CN, doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư KNĐMST. Việc miễn, giảm thuế sẽ giúp các đơn vị có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KNĐMST.

Nhóm chính sách nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan đến kinh phí, thù lao, hỗ trợ kinh phí theo chức danh… của các đơn vị KH-CN công lập cũng như hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo giúp cho đội ngũ nghiên cứu yên tâm cống hiến và làm việc. Triển khai thực hiện Nghị quyết 98, tôi hy vọng sẽ thu hút được thêm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao, góp phần vào sự phát triển trong ứng dụng KH-CN, KNĐMST để TPHCM phát triển tốt hơn nữa.

Kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST TPHCM giai đoạn 2021-2025” cho thấy, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 5.063 doanh nghiệp, đạt 168,8% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 693 dự án, đạt 69,3% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn; hỗ trợ 236 doanh nghiệp KNĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” tại TPHCM đặt mục tiêu hỗ trợ 300 dự án KNĐMST, 100 doanh nghiệp KNĐMST, trong đó 20 doanh nghiệp KNĐMST gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm; đồng thời thực hiện ươm tạo, phát triển 200 dự án KNĐMST; ký kết chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 3 hệ sinh thái KNĐMST có uy tín trên thế giới.

Sở KH-CN đã có những tham mưu, đề xuất gì khi triển khai thực hiện Nghị quyết 98?

Sở KH-CN được thành phố giao nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan. Dựa trên thực tiễn hoạt động KH-CN của thành phố trong thời gian qua, chúng tôi thấy được nhiều vướng mắc, khó khăn và đóng góp ý kiến, đề xuất nhằm tạo sự phát triển KH-CN TPHCM. Sở đã xây dựng dự thảo “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”; dự thảo “Quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM”; dự thảo “Về quy định các tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TPHCM”… Hiện đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo.

Riêng đề án về chế độ thu nhập cho chức danh lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học dự kiến sẽ trình HĐND TPHCM thông qua trong kỳ họp tới. Theo dự thảo, mức chi thù lao với chức danh người đứng đầu tổ chức KH-CN công lập từ 60-120 triệu đồng/tháng; chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 60 triệu đồng/tháng. Mức chi thù lao này nhằm tăng thu nhập cho người làm khoa học, hướng đến thu hút nhân tài để xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TPHCM.

Doanh nghiệp tìm hiểu thiết bị công nghệ sau thu hoạch được giới thiệu tại hội chợ công nghệ vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức

Doanh nghiệp tìm hiểu thiết bị công nghệ sau thu hoạch được giới thiệu tại hội chợ công nghệ vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức

TPHCM thí điểm các chính sách ưu đãi trong hoạt động KNĐMST, vậy các lĩnh vực khác của KH-CN có được xem xét ưu đãi hay không?

Hoạt động đổi mới sáng tạo phải dựa trên cơ sở KH-CN để đảm bảo tính mới, có sự bứt phá, góp phần chuyển đổi qua mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, vì vậy cần Nhà nước đầu tư mạnh vào KH-CN. Cụ thể là TPHCM cần đầu tư hạ tầng dịch vụ (phòng thí nghiệm, xưởng thiết kế, chế tạo, trang thiết bị…) có thể chia sẻ được với cộng đồng, doanh nghiệp. TPHCM hình thành trung tâm KH-CN mạnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại để kết nối, chia sẻ trang thiết bị với các trường đại học, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi có chính sách tốt, có cơ sở hạ tầng đáp ứng các nhu cầu thực tế thì các nhà nghiên cứu, trường đại học… mới tự tin đổi mới sáng tạo. Thực tế hiện nay, phòng thí nghiệm của các trường đại học còn rất hạn chế. Nếu chúng ta xây dựng các phòng thí nghiệm trọng tâm, trọng điểm hay hình thành trung tâm công nghệ mạnh để kết nối, chia sẻ với các trường đại học, khu vực doanh nghiệp… thì các hoạt động KH-CN, KNĐMST sẽ thêm nhiều cơ hội bứt phá nhờ các đơn vị liên quan đều được hưởng thụ hạ tầng công nghệ do Nhà nước đầu tư.

Ưu đãi, miễn thuế nhằm kích thích lực lượng lao động phát triển, thúc đẩy các liên kết mới trong sản xuất, nhưng khi hết ưu đãi thì “chất xúc tác” cũng phai dần. Vậy Sở KH-CN vận dụng Nghị quyết 98 như thế nào để hiệu quả được bền vững?

Doanh nghiệp KNĐMST cần nhiều vốn để đầu tư nghiên cứu cho đến khi công nghệ, sản phẩm hoàn chỉnh nên từng đồng vốn đối với doanh nghiệp rất quan trọng. Nghị quyết 98 với những chính sách ưu đãi, miễn thuế… sẽ giúp doanh nghiệp KNĐMST rất nhiều. Tôi đã gặp nhiều người tâm huyết với hoạt động KNĐMST phải bán nhà để khởi nghiệp. Tức là họ rất cần vốn để nghiên cứu, triển khai công nghệ, do đó các chính sách hỗ trợ vốn, thuế rất quan trọng. Khi họ đã có sản phẩm tốt, các quỹ đầu tư thấy “ngon” mới đổ tiền vào để tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường. Vậy việc hỗ trợ cho KNĐMST mang giá trị thúc đẩy hoạt động KNĐMST chứ không phải nhận ưu đãi, miễn thuế để lấy đó làm lời, mang tiền đó đi mua nhà, mua xe…

Tôi cũng lưu ý, các chính sách đặc thù ưu đãi về KNĐMST của Nghị quyết 98 có thời hạn 5 năm nên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp, vườn ươm, hoạt động KNĐMST của thành phố. Trong đó, các đơn vị, cá nhân quan tâm cần lưu ý 2 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại. Sau khi hết 5 năm thí điểm, phải đánh giá lại để xem các chính sách có thúc đẩy được KNĐMST hay không. Ở đây, chúng ta cũng đừng kỳ vọng sẽ hình thành những doanh nghiệp tỷ USD, vấn đề là “cái chất” của KNĐMST phải được nâng cao, hoạt động KNĐMST tạo ra nhiều giá trị trong đời sống, thúc đẩy xã hội phát triển.

Đối với nhóm chính sách miễn thuế: sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động doanh nghiệp KNĐMST, tổ chức KH-CN, trung tâm đổi mới sáng tạo. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn thành phố.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ kinh phí không hoàn lại: được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố chi phí ươm tạo dự án KNĐMST, gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, tiền công lao động trực tiếp, dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…

Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động KNĐMST: thương mại điện tử; công nghệ tài chính; logistics; công nghệ giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển bền vững; chuyển đổi số; an ninh mạng.

Tin cùng chuyên mục