Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lạm phát năm 2011 dao động khoảng 18%

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng và dự báo năm 2011-2012. Theo phân tích của ủy ban này, chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2011 nhiều khả năng dao động quanh ngưỡng 18%. Bước sang năm 2012, CPI sẽ giảm xuống, dự kiến khoảng 9%-10%.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lạm phát năm 2011 dao động khoảng 18%

(SGGP).- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng và dự báo năm 2011-2012. Theo phân tích của ủy ban này, chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2011 nhiều khả năng dao động quanh ngưỡng 18%. Bước sang năm 2012, CPI sẽ giảm xuống, dự kiến khoảng 9%-10%.

Để kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy lưu thông, phân phối hàng hóa… bên cạnh các giải pháp tác động vào tổng cầu. Ủy ban cũng kiến nghị Tổng cục Thống kê cần công bố thêm chỉ số lạm phát cơ bản (loại trừ 2 yếu tố lương thực thực phẩm và xăng dầu) bên cạnh việc công bố CPI tổng thể như hiện nay.

Hàng bình ổn giá góp phần kéo giảm lạm phát tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng bình ổn giá góp phần kéo giảm lạm phát tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Về tăng trưởng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng mức tăng GDP 2011 khó đạt mục tiêu 6% đề ra, mà chỉ có thể dao động trong khoảng 5,5%-6%. Theo ủy ban này, dự kiến năm 2012 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể cao hơn, đạt khoảng 6,5%-6,7%. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái lần 2.

Nhận định về chính sách tiền tệ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 7,23% của 7 tháng đầu năm là thấp so với mục tiêu 20% của cả năm. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế cũng như gây áp lực tăng mạnh dòng vốn trong những tháng cuối năm. Nếu giữ nguyên mục tiêu tăng tín dụng cả năm 2011 ở mức 20%, mức tăng trung bình trong những tháng còn lại phải đạt khoảng 2,6% mỗi tháng. Đây là mức tăng trưởng quá cao trong điều kiện hiện nay.

Để phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị nên giữ tốc độ tăng trưởng hàng tháng không quá 1,8%-2% trong thời gian còn lại của năm 2011. Theo đó, nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của 2011 xuống mức 15%, mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm cũng nên giảm xuống mức 11%-12%, thay vì 15% như hiện nay. 

B.MINH

Tin cùng chuyên mục