
Ngay sau khi có thông tin tai biến do tiêm vaccine viêm gan B gây tử vong một trẻ sơ sinh ở Bình Thuận, dư luận không khỏi lo lắng cho tình trạng an toàn khi tiêm chủng loại vaccine này. Ghi nhận tại TPHCM ngày 23-7 cho thấy vaccine viêm gan B tiêm chủng mở rộng đã tạm ngưng từ 2 ngày nay và trẻ sơ sinh phải tiêm dịch vụ với giá cao.
Tiêm dịch vụ giá cao
Có mặt tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM sáng 23-7, chúng tôi ghi nhận tại Khoa Tiêm chủng dịch vụ khá đông người thân bế em bé chờ tiêm dịch vụ vaccine viêm gan B mũi 1 cho trẻ sơ sinh. Một thân nhân (ngụ Bình Dương) bế cháu gái mới sinh ngày 22-7 cho biết được bác sĩ và các cô hộ lý hướng dẫn đến phòng tiêm chủng dịch vụ để tiêm vì bệnh viện hết vaccine tiêm chủng miễn phí. Một cán bộ phụ trách phòng tiêm chủng dịch vụ cho biết từ 2 ngày nay phải cật lực tiêm dịch vụ vì ở các trại (phòng nhi) đã tạm ngưng tiêm vaccine viêm gan B chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, BS Nguyễn Thị Từ Anh, phụ trách Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thông thường khi sản phụ vào khám sinh, cấp cứu đều được bệnh viện chia làm 2 nhóm đối tượng để xét nghiệm sàng lọc trước khi chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ sau khi sinh.
Nhóm thứ nhất là sản phụ sau khi xét nghiệm bị viêm gan B (người lành mang bệnh hoặc đang mắc bệnh), thì khi sinh em bé được khám sàng lọc và nếu khỏe mạnh sẽ tiêm ngừa vaccine viêm gan B trong vòng 1 giờ sau khi sinh và tiêm luôn cả kháng thể đặc hiệu cho viêm gan siêu vi B.
Nhóm thứ hai là sản phụ không mắc viêm gan B thì qua ngày thứ 2 bé mới được tiêm ngừa vaccine viêm gan B vì nguy cơ lây nhiễm thấp. Tuy nhiên, từ 2 ngày qua, bệnh viện đã ngưng tiêm ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, người thân muốn tiêm ngừa cho bé, chỉ còn cách tiêm vaccine dịch vụ.
Theo BS Nguyễn Thị Từ Anh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người thân em bé và khám sàng lọc trước khi cho bé tiêm vaccine dịch vụ. Người nhà của bé phải trả tiền cho vaccine dịch vụ ngừa viêm gan B có tên Euvax B là 52.000 đồng/liều cộng với kháng thể đặc hiệu cho viêm gan siêu vi B có tên Hepabig là 338.000 đồng/liều. Vị chi, khi người mẹ bị mắc virus viêm gan B phải tiêm dịch vụ vaccine viêm gan B hết gần 400.000 đồng/liều. Khoản tiền này không được bảo hiểm y tế thanh toán! Hiện mỗi ngày bình quân Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM có tới 140-150 ca sinh.
Một số cơ sở y tế có khoa phụ sản khác trên địa bàn TPHCM ngày hôm qua cũng đã ngưng tiêm vaccine ngừa viêm gan B mũi 1 cho trẻ và chuyển qua tiêm dịch vụ. Ngoài Euvax B, loại vaccine dịch vụ khác là Engerix B có giá 50.000 - 80.000 đồng/liều (tùy cơ sở). Trong khi đó, ngay sau khi Bộ Y tế quyết định ngưng sử dụng 2 lô vaccine viêm gan B gây tai biến ở Quảng Trị, một số tỉnh thành và cả TPHCM đang rơi vào tình trạng bị động và chưa thể cung cấp bổ sung vaccine thay thế kịp thời. Còn người dân cũng hoang mang, muốn chuyển qua tiêm vaccine dịch vụ cho… an toàn.

Tiêm vaccine cho trẻ tại Bệnh viện Mekong TPHCM sáng 23-7. Ảnh: TƯỜNG LÂM
Giám sát quy trình tiêm chủng an toàn
Một số bệnh viện phụ sản trên địa bàn TPHCM đang ráo riết giám sát và kiện toàn quy trình tiêm chủng cho trẻ. Tại Bệnh viện Phụ sản Mekong TPHCM, sáng qua 23-7, giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Ảnh đã trực tiếp xuống khoa chích ngừa để giám sát công tác tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh. Tính từ đầu tháng 4-2013 đến hết tháng 6-2013, bệnh viện này đã tiếp nhận 4.672 ca sinh, trong đó số sản phụ được xét nghiệm dương tính virus viêm gan B khoảng 30 trường hợp/tháng. “Bệnh viện đang cho rà soát lại các khâu từ tiếp nhận, bảo quản vaccine đến khám sàng lọc và chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ. Quy trình này sẽ được siết chặt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng” - ông Nguyễn Văn Ảnh nói.
Còn BS chuyên khoa II Lê Thị Hoàng Yến, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Mekong TPHCM, cho biết hiện bệnh viện tiêm chủng theo hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia là tiêm vaccine viêm gan B cho bé trong vòng 24 giờ sau sinh. Tuy nhiên, bệnh viện luôn xem trọng việc khám sàng lọc bởi mỗi bé sinh ra có cơ địa khác nhau. “Những trường hợp sinh non, sinh thiếu tháng, bú chưa tốt, hô hấp chưa ổn, ói ọc hay có bệnh lý, bác sĩ khám có thể cho hoãn chích ngừa và đợi khi bé ổn định sức khỏe tốt mới chích” - BS Lê Thị Hoàng Yến nói. Ngoài việc xem xét lại quy trình an toàn tiêm chủng, bệnh viện cũng đã kiện toàn hộp thuốc chống sốc, cập nhật lại phác đồ chống sốc, tập huấn chích ngừa… và theo dõi sát các phản ứng sau tiêm.
Trước đó, ngay sau sự cố tai biến do tiêm vaccine viêm gan B xảy ra ở Quảng Trị, Sở Y tế TPHCM cũng đã có chỉ đạo các đơn vị y tế nghiêm chỉnh thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng. Trong đó, chú trọng đến các khâu bảo quản vaccine, khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, thực tế không ít cơ sở y tế đang trong tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
| |
TƯỜNG LÂM
- Thông tin liên quan:
>> Bình Thuận: Làm rõ vụ trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B
>> Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine: Khoanh vùng 3 nguyên nhân