Ván bài lật ngửa

Không diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh như thường lệ, đàm phán Mỹ - Trung vòng 12 sẽ được tiến hành ở Thượng Hải trong 2 ngày 30 và 31-7. Dư luận cơ bản không kỳ vọng đàm phán đạt được đột phá, nhưng đang chú ý tới khả năng Mỹ thay đổi chiến thuật. 

Đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu, còn phía Trung Quốc vẫn là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhưng dự kiến lần đầu tiên có sự góp mặt của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Thứ trưởng Thương mại Tiêu Kiến Hoa. 

Thượng Hải đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử ngoại giao Trung - Mỹ, khi nơi đây hiện là trung tâm tài chính, thương mại và vận tải hàng không quốc tế của Trung Quốc, có vị trí nổi bật về kinh tế. Chuyển địa điểm tới Thượng Hải sẽ giúp thay đổi “cảm giác”, mang tới bầu không khí khác biệt cho phía Mỹ, tránh bị ảnh hưởng bởi cảm giác không thoải mái trong những lần đàm phán trước đây tại Bắc Kinh. Trước đàm phán, cả Trung Quốc và Mỹ đều phát đi tín hiệu thiện chí, đối với Bắc Kinh là trong lĩnh vực mua nông sản Mỹ và đối với Washington là trên phương diện xử lý vấn đề Huawei. Mỹ - Trung gặp gỡ đương nhiên tốt hơn việc chỉ trích nhau xuyên đại dương, trong khi 2 bên đều có nhu cầu đàm phán. Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn ổn định các cử tri trung thành trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nền tảng cho khả năng tái cử chiến thắng vào cuối năm 2020. Nếu chiến tranh thương mại gây tổn hại lớn hơn đối với ngành nông nghiệp Mỹ, Tổng thống Donald Trump có thể mất đi sự ủng hộ từ nông dân nước này. 

Có phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump khó lòng theo đuổi một cuộc chiến tranh thương mại lâu dài với Trung Quốc, thay vào đó là chiến lược đánh nhanh thắng nhanh nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Vì vậy, trong vấn đề mua nông sản Mỹ, phía Trung Quốc sẽ không đáp ứng mong muốn của phía Mỹ mà căn cứ theo nhu cầu, mỗi lúc mua một ít để kiềm chế, gây sức ép, buộc ông Donald Trump phải xuống thang ký kết một thỏa thuận thương mại có lợi cho Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đã quyết đánh bài ngửa với Trung Quốc. Một là, không ít trong số 7 chủ đề mà phía Mỹ đưa ra trước thềm vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 12 đụng chạm tới giới hạn đỏ của Trung Quốc. Hai là, phía Mỹ cũng không vội vàng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trả lời chương trình Bloomberg Market and Finance hôm 23-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết mục tiêu của Tổng thống Mỹ là đạt được thỏa thuận thực sự tốt hoặc tiếp tục áp thuế trừng phạt, nên không thể dự đoán đàm phán kéo dài đến bao giờ. Thứ ba, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26-7 cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 2 của nước này đạt 2,1%.

Cuối cùng, ngay cả khi thiệt hại Mỹ phải chịu không ngừng tăng, theo Phó Giáo sư Kinh tế Greg Wright từ Đại học California tại Merced (UCM), Tổng thống Donald Trump vẫn quyết tâm ép Trung Quốc đưa ra nhượng bộ lớn để chứng minh những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ hứng chịu là xứng đáng. Dù chiến tranh thương mại đã khiến lượng đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm, nhưng chương trình hỗ trợ nông dân trị giá khoảng 16 tỷ USD không đơn thuần chỉ phản ánh thiệt hại đối với nông nghiệp Mỹ, mà còn phát đi thông điệp sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài.

Tin cùng chuyên mục