Vận chuyển vaccine phòng Covid-19: Châu Á gặp thách thức lớn

Để chuẩn bị chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn, các nước châu Á phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó thách thức lớn nhất lại nằm ở khâu vận chuyển và bảo quản vaccine.
Đá khô được sử dụng trong trữ lạnh vaccine phòng Covid-19 tại Đức
Đá khô được sử dụng trong trữ lạnh vaccine phòng Covid-19 tại Đức

Bảo quản không đúng, thiệt hại rất nặng

Để đảm bảo chất lượng, vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70°C và khi đưa ra sử dụng vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8°C trong vòng 5 ngày. Còn vaccine của hãng Moderna (Mỹ) cần được bảo quản ở âm 20°C. Theo giới chuyên gia, đây là trở ngại dường như không dễ giải quyết. 

Trong khi đó, Zuellig Pharma, một trong những tập đoàn phân phối thuốc hàng đầu ở châu Á, nhìn nhận việc phân phối vaccine phòng dịch trên toàn châu lục, từ việc bảo quản lạnh vaccine trong điều kiện thời tiết vùng nhiệt đới, đến vận chuyển vaccine, là một thách thức không nhỏ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 50% vaccine sẽ bị lãng phí trên quy mô toàn cầu nếu hạ tầng vận tải, công nghệ bảo quản không đạt chuẩn. Việc này đặc biệt khó khăn ở một số nước có nhiệt độ thường trên 30°C. Như tại Ấn Độ, nước này đang thực hiện tiêm chủng cho hơn 1,35 tỷ người trong điều kiện thời tiết nóng và vùng địa lý trải dài. Hệ thống tủ lạnh và tủ đông không đủ cho nhiều vùng nông thôn do giao thông khó khăn, thiếu điện. Chính phủ Ấn Độ đang tính đến kế hoạch thiết lập chuỗi trữ lạnh, bao gồm nhập khẩu các container và tủ đông. Sau đó là xây dựng một nhà máy ở Gujarat để sản xuất các container và tủ đông tại chỗ.

Philippines cũng đối phó các thách thức tương tự. Chính phủ Philippines đang tìm cách xây dựng các kho trữ lạnh ở mỗi khu vực hoặc dùng kho trữ hàng của các hãng dược tư nhân. Ở Indonesia, chính phủ ước tính sẽ cần tới 427 triệu liều vaccine, tính theo tỷ lệ hao hụt là 15%, để tiêm phòng cho 181 triệu công dân, con số mà Tổng thống Widodo muốn đạt được vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng với Pfizer về hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine của hãng này, kèm theo các phương tiện bảo quản siêu lạnh, lại đang lâm vào bế tắc. 

Vận chuyển và trữ lạnh 

Nhằm tránh rơi vào trường hợp tương tự, khi lên kế hoạch chuẩn bị chiến dịch tiêm phòng vào cuối năm 2020, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc xác định việc vận chuyển và trữ lạnh vaccine là những mục tiêu hàng đầu. Các hãng logistics Nhật Bản nhanh chóng khởi động hệ thống vận chuyển vaccine. Hãng bay Japan Airlines (JAL) đã hình thành một nhóm chuyên viên về vận chuyển vaccine bằng đường hàng không cùng với phương án trữ lạnh. Hãng bay đang gấp rút liên lạc với các hãng vận chuyển có hợp đồng trực tiếp với Pfizer và Moderna. Nếu nhà máy sản xuất vaccine gần sân bay nằm ngoài mạng lưới bay bình thường của JAL, hãng sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê bao (charter flight). Chính phủ Nhật Bản dự định chuẩn bị sẵn 3.000 tủ trữ lạnh vaccine Covid-19.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Bộ Giao thông nước này đã đồng ý nâng mức giới hạn vận chuyển đá khô mỗi chuyến bay từ 3.300kg lên 11.000kg. Như vậy, một máy bay Boeing 747 có thể chở tới 52 container vaccine so 15 container như trước. Giới chức Hàn Quốc cũng triển khai xây dựng một cơ sở trữ lạnh vaccine với diện tích tương đương 2 sân bóng đá ở thành phố Incheon.

Tin cùng chuyên mục