Theo Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh ĐKDT năm 2018 là 925.964 thí sinh. Năm 2018 sẽ có: 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH-CĐ là: 688.610. So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội tăng hơn khoảng 5%.
Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm nay khối ngành kinh doanh, quản lý được thí sinh lựa chọn nhiều nhất với 832.684 nguyện vọng/121.183 chỉ tiêu; tiếp theo là khối dịch vụ, an ninh quốc phòng với 783.703 nguyện vọng/99.439 chỉ tiêu; khối công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, cơ bản được thí sinh lựa chọn nhiều thứ ba với 722.511 nguyện vọng/147.692 chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng nhiều nhất, chiếm 18%. Cá biệt, năm nay có thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất, lên đến 50 nguyện vọng.
Vẫn theo bà Phụng, năm nay nguồn tuyển tăng, tổng chỉ tiêu cả nước tăng 1,2%. Điều đó cho thấy tuyển sinh đã khá ổn định ngay cả trong điều kiện có sự thay đổi (giảm chỉ tiêu sư phạm, tăng đầu vào sư phạm, để các trường tự xác định điểm sàn, trừ điểm sàn sư phạm.
“Xác định chỉ tiêu tuyển sinh hoàn toàn do các trường xác định, dù Bộ không tiền kiểm nhưng chỉ tiêu vẫn chỉ tăng khoảng 1,2%, tức là không tăng nhiều, cho thấy các trường cũng đã ý thức được việc giữ quy mô để bảo đảm chất lượng”, bà Phụng nói.
Đến nay không còn trường nào còn "tổ hợp lạ" mà vừa qua dư luận phản ứng. Nhìn chung, 5 tổ hợp truyền thống vẫn chiếm khoảng 90% số thí sinh đăng ký.
“Điều đó cho thấy những tổ hợp lạ không thể là cứu cánh cho các trường yếu kém tuyển sinh. Chính bản thân các trường cũng đã nhận ra sự thiếu sót của mình. Đó là thành công của dư luận, sự phát hiện của báo chí cùng cơ quan quản lý trong mùa tuyển sinh năm nay. Có tới 384 đơn vị xét tuyển, Bộ GD-ĐT không thể nắm hết, nên sự phát hiện của báo chí là rất quan trọng”, bà Phụng nhận xét.
Trả lời câu hỏi tại sao Bộ GD-ĐT để các trường tự xác định ngưỡng đầu vào (điểm sàn), theo bà Phụng là nhằm bảo đảm quyền tự chủ thực sự của các trường.
“Cũng có nhiều nỗi lo trường sẽ xác định điểm sàn thấp, thực tế cũng đã có một số trường đưa điểm sàn vào đề án tuyển sinh, mức điểm thấp nhưng sau khi dư luận lên tiếng, Bộ GD-ĐT nhắc nhở thì các trường đã thôi. Điểm sàn chỉ được công bố khi có điểm thi”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay.
Bộ GD-ĐT đánh giá, trước mùa xét tuyển năm nay đã có một số dấu hiệu bất thường, tuy nhiên đã được chấn chỉnh kịp thời. Bộ GD-ĐT hy vọng trong thời gian diễn ra xét tuyển sẽ không còn những hiện tượng đó.
Dù tin tưởng đa số các trường đi theo con đường phát triển bền vững nhưng vẫn có một số trường vì tuyển sinh khó khăn đã bất chấp để tuyển. Vì thế Bộ GD-ĐT sẽ theo sát, đồng thời kêu gọi sự giám sát của báo chí, dư luận về vấn đề này, bảo đảm ngăn chặn những hiện tượng như sử dụng tổ hợp lạ, điểm sàn thấp...
“Chúng tôi đã trao đổi với các trường và họ đều thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội. Sẽ không có chuyện các trường bất chấp để tuyển sinh. Còn nếu các trường bất chấp thì hệ quả rất lớn, các trường sẽ phải chịu như bị xã hội quay lưng, người học từ chối, nhà tuyển dụng không chấp nhận tuyển dụng sinh viên của trường”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.