Vấn đề cũ, căng thẳng mới

Mới cuối tháng giêng, các quan chức quốc phòng Nga-Mỹ còn tay bắt mặt mừng khi tuyên bố, đã hoàn tất việc đàm phán về vấn đề cắt giảm kho vũ khí chiến lược của hai nước và việc ký kết chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế nhưng, bước sang tháng 2, quan hệ hai bên bắt đầu lạnh trở lại khi hàng loạt các nước Đông Âu như Czech, Bulgaria, Romania, Moldova cho biết họ đang tiến hành đàm phán với Mỹ về việc cho phép triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của mình, một kế hoạch mà Nga luôn phản đối.

Trước đó, Ba Lan cũng tuyên bố đã cho phép Mỹ triển khai hệ thống rada phục vụ cho hệ thống phòng thủ này chỉ cách biên giới phía Tây của Nga có 100km.

Thông tin trên buộc phía Nga phải lên tiếng. Ngày 20-2 Nga cho biết sẽ xem xét trở lại kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Iskander ở Kaliningrad, nếu Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Đông Âu.

Hãng tin Nga RIA-Novosti cho biết, vùng tự trị Transdnestr nói tiếng Nga nằm trong lãnh thổ Moldova cũng tuyên bố sẽ cho phép Nga triển khai một hệ thống phòng thủ hiện đại ngay trong khu vực này để đối trọng với hệ thống của Mỹ.

Các cơ quan thông tấn của Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói trong chuyến thăm Phần Lan mới đây: “Nếu không có thêm mối đe dọa nào với an ninh Nga thì chúng tôi sẽ không triển khai Iskander ở Kaliningrad. Ngược lại chúng tôi sẽ triển khai và quyết định sẽ do Tổng thống đưa ra”.

Đầu năm 2009, khi mới nhậm chức và trước phản ứng quyết liệt của Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ xem xét lại việc triển khai hệ thống này ở Czech và Ba Lan, nhưng nay thì có vẻ như Mỹ đã xem xét lại và quyết định mở rộng thêm sang một số nước, gây quan ngại cho chính Nga, quốc gia vừa kết thúc đàm phán với Mỹ về cắt giảm vũ khí.

Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và các nước Đông Âu này khẳng định hệ thống đánh chặn tên lửa và rada không nhằm vào Nga, mà nhằm vào Iran và CHDCND Triều Tiên. Nhưng về mặt địa lý thì các nước này nằm rất xa Iran và CHDCND Triều Tiên mà lại sát bên Nga, về mối bang giao quốc tế thì hai nước mà họ cho là mối đe dọa lớn nhất này không có xích mích gì với các nước Đông Âu nói trên. Chỉ có Mỹ mới là người có “ân oán” với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Nga có lý do để cho rằng hệ thống này chắc chắn là nhằm vào Nga. Vì theo các nhà phân tích quân sự Nga, với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đặt trên các hạm đội của Mỹ ở biển Bắc, biển Đen và Địa Trung Hải và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa đặt ở Đông Âu, dường như toàn bộ biên giới phía Tây nước Nga đã bị Mỹ bao vây.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, ông Konstantin Kosachev viết trên trang web NewEurope cho rằng, mọi lời giải thích của Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu không mang tính thuyết phục, làm tăng thêm không khí quan ngại và thật sự làm Nga thất vọng. Theo ông, quyết định của Mỹ đã làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga-Mỹ vừa mới được khởi động lại. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục