Vấn đề người cao tuổi ở châu Âu

Bài 1: Ra ngõ gặp người già
Vấn đề người cao tuổi ở châu Âu

Bài 1: Ra ngõ gặp người già

Những công dân “tuổi vàng” đang ngày càng trở nên đông đúc trên thế giới. Tại Pháp và một số nước châu Âu, những vấn đề liên quan đến người cao tuổi đang trở thành mối bận tâm lớn, mang tầm cỡ quốc gia.

  • Mọi lúc mọi nơi

Tại thủ đô Paris của nước Pháp, mỗi lần ra ngoài đường, dù đi bộ, sử dụng phương tiện cá nhân hay công cộng, chúng tôi đều gặp rất nhiều cụ ông, cụ bà tóc bạc. Những người già đi bộ thì chậm rãi nhấc từng bước chân trên vỉa hè, không ít cụ đồng hành cùng một chú chó tung tẩy phía trước. Trên đường phố hoặc đường quốc lộ, chúng tôi không ít phen phát hoảng vì khó tưởng tượng được rằng những tài xế bằng tuổi ông bà mình ở Việt Nam - vốn thường chỉ quanh quẩn chăm cháu hoặc lo việc nhà - lại ngồi trên ô tô lái băng băng trên đường.

Vấn đề người cao tuổi ở châu Âu ảnh 1

Những chú chó là con vật nuôi yêu quý luôn đồng hành cùng người cao tuổi ở Pháp

Theo Cơ quan Thống kê Eurostat thuộc Liên minh châu Âu (EU), khoảng 1/3 dân số EU sẽ ở độ tuổi ngoài 65 vào năm 2050. Cách đây 3 năm, tỷ lệ này chỉ là 16,5%. Theo dự báo của Eurostat, đến năm 2010, tỷ lệ dân EU trên 65 tuổi sẽ là 18% và đạt mức 25% vào năm 2030. Hiện tại, Đức và Italia là những quốc gia “già” nhất châu Âu, với tỷ lệ người dân trên 65 tuổi là 20%.

Có lẽ nếu so với thế giới, chỉ Nhật Bản mới phải đối mặt với tình cảnh tương tự (khoảng 1/4 trong tổng số 128 triệu dân Nhật đã qua tuổi 65 và tỷ lệ này tiếp tục có xu hướng gia tăng). Riêng đối với Pháp, vào năm 2060, trên tổng số 71,8 triệu người, 10,8 triệu người sẽ ở tuổi ngoài 80 và 25,9 triệu người hơn 65 tuổi.

Dự báo của LHQ và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng khẳng định xu hướng dân số giảm và già đi của châu Âu. Năm 2050, dân số EU sẽ mất đi 20 triệu người, chỉ còn 470 triệu dân, vượt qua dân số của Mỹ (theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu di cư Mỹ, dân số Mỹ sẽ khoảng 468 triệu người vào năm 2060).

Theo ước tính của LHQ, vào năm 2050, số dân châu Âu dưới 18 tuổi nhiều nhất cũng chỉ chiếm khoảng 24,5%. Điều đáng chú ý là những quốc gia mới gia nhập EU lại nằm trong số những quốc gia có nhiều người già nhất. Theo các dự báo, dân số Bulgaria sẽ chỉ còn 5,1 triệu năm 2050 so với 9 triệu năm 1989. Ngay từ năm 2025, 1/5 người Bulgaria sẽ hơn 65 tuổi.

  • Mối lo của các nước phát triển

Nhờ mức sống gia tăng, các phương pháp và phương tiện chăm sóc sức khỏe ngày càng hoàn thiện, tuổi thọ của người dân châu Âu đã tăng đáng kể. Từ năm 1990 - 2005, tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu đã tăng thêm 2 năm. Tuổi thọ tăng, số lượng người già cũng vì thế mà tăng theo. Bên cạnh tuổi thọ của người dân châu Âu được cải thiện, tỷ lệ sinh ở “lục địa già” cũng giảm (từ 1,6 năm 1990 còn 1,5 hiện nay), khiến tỷ lệ người già trong xã hội gia tăng.

Mức sinh giảm nhiều hơn cả lại thuộc về các quốc gia Trung và Đông Âu, trong đó có 10 nước gia nhập EU từ năm 2004. Vào năm 1989, tỷ lệ sinh ở các nước thành viên EU mới này vẫn xoay quanh 2 trẻ/1 phụ nữ. Hiện nay, tỷ lệ này đã giảm (chẳng hạn, tại Slovakia, tỷ lệ chỉ là 1,2 năm 2006). Mô hình gia đình truyền thống (ở đó phụ nữ ở nhà chăm lo con cái, nhà cửa còn người chồng đi kiếm tiền ở bên ngoài) đã bắt đầu ít dần. Phụ nữ châu Âu dành nhiều thời gian hơn cho học hành và sự nghiệp trước khi có con. Năm 2003, tính trung bình, phụ nữ châu Âu có con đầu lòng khi ở tuổi 28, già hơn 2 tuổi so với năm 1990.

Còn theo một báo cáo của Viện Chính sách gia đình (Institute for Family Policy) có nhan đề “Sự tiến triển của gia đình ở châu Âu năm 2008” công bố giữa năm 2008, các chỉ số dân số, sinh đẻ, kết hôn và thành phần gia đình tại châu Âu đều xấu đi từ 27 năm qua. Số người già trên 65 tuổi nhiều hơn số trẻ em 14 tuổi đến 6 triệu. Số trẻ sinh ra hằng năm hiện ít hơn số sinh vào năm 1980 tới 1 triệu.

Báo cáo của Viện Chính sách gia đình cho biết, tại châu Âu, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu vụ phá thai (tương đương với dân số của Luxembourg và Malta cộng lại). Tỷ lệ kết hôn ở EU cũng giảm nghiêm trọng: Năm 2006, có 732.752 đôi kết hôn, giảm 23,9% so với năm 1980.

Không những thế, các cặp uyên ương lấy nhau cũng muộn hơn: Phụ nữ kết hôn ở tuổi trung bình là 29 và nam giới ở tuổi 31 - muộn hơn 5 năm so với trước dây. Số vụ ly hôn cũng gia tăng kỷ lục: Năm 2006 có hơn 1 triệu vụ ly hôn, tăng 365.000 vụ so với năm 1980.

Từ năm 1996 - 2006, hơn 10,1 triệu cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Với xu hướng giảm hôn nhân, giảm sinh và tăng ly hôn, cơ cấu gia đình ở các nước EU cũng thay đổi: Mỗi gia đình chỉ còn trung bình 2,4 thành viên; cứ 4 gia đình thì có 1 gia đình chỉ có 1 thành viên, nhiều khi thành viên duy nhất đó lại là một người cao tuổi.

Các chuyên gia cho rằng có thể đối phó với tình trạng giảm tỷ lệ sinh để theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như: Tạo điều kiện cho các gia đình cân đối giữa sự nghiệp và gia đình nhờ tăng cường khả năng đón nhận của các lớp trông trẻ và trường mầm non (giống như ở Pháp), hoặc trợ cấp hào phóng cho các ông bố bà mẹ trẻ để khuyến khích sinh đẻ (như ở Thụy Điển).

Một số nước thành viên EU lựa chọn giải pháp nhập cư để bù đắp cho mức sinh giảm. Tây Ban Nha đã thu hút hàng triệu người nhập cư trẻ, trong đó rất nhiều người đến từ Mỹ Latin. Tuy nhiên, các chuyên gia dân số vẫn cho rằng các nước châu Âu phải quen dần với cơ cấu dân số mới và học cách thích ứng. Các chính phủ sẽ phải cân đối ngân sách để đảm bảo hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe cho số người cao tuổi ngày càng lớn trong xã hội .

Bài 2: Thách thức của thời đại

Niềm vui về sự trường thọ của con người không che khuất mối lo của các quốc gia về những vấn đề mà người cao tuổi đặt ra. Giải quyết các vấn đề liên quan đến người cao tuổi hiện là một thách thức của thời đại.

“Bệnh” của người già

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản công bố một báo cáo về tình trạng đáng báo động ở Nhật Bản: số vụ phạm tội cả lớn lẫn nhỏ mà thủ phạm là những người trên 65 tuổi đang gia tăng, thậm chí tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua (năm 2007 là 48.605 vụ - không kể các vụ vi phạm luật giao thông đường bộ).

Đa số các vụ phạm tội này là ăn cắp ở quầy hàng siêu thị. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng người già phạm tội - theo Chính phủ Nhật Bản - là do thu nhập giảm, sự cô đơn và hoàn cảnh sống không ổn định của người cao tuổi.

Cũng liên quan đến người già nhưng vấn đề ở các nước châu Âu không giống như ở Nhật Bản. Hàng xóm bên cạnh nơi chúng tôi ở tại Paris là một cụ bà hơn 70 tuổi, sống một mình trong căn nhà rộng tới 5 phòng.

Bà thường giam mình trong nhà từ sáng đến tối, thi thoảng mới đánh xe đi đâu đó. Chiều đến, nếu trời đẹp, bà lại rong ruổi cùng con chó cưng của mình đi dạo quanh khu nhà. Con cái thì bà có nhiều nhưng chúng đều lớn và sống riêng, chẳng ai sống chung với mẹ, để bà một mình cô đơn sau khi cụ ông qua đời mấy tháng trước.

Vấn đề người cao tuổi ở châu Âu ảnh 2

Một người cao tuổi đang chơi trò chơi trong một nhà dưỡng lão của Pháp

Nhìn ra xung quanh mới thấy chuyện người già sống cô đơn đang trở nên phổ biến ở cả châu Âu. Tại Anh, người già, đặc biệt là các cụ ông, sống cô đơn ngày càng nhiều. Số cụ ông trên 60 tuổi sống một mình lần đầu tiên đã đạt con số kỷ lục 1 triệu người - theo nghiên cứu của tổ chức nhân đạo Anh “Help the Aged”.

Nghiên cứu này cho rằng có tới một nửa trong số 1 triệu cụ ông ở Anh sống độc thân thừa nhận cảm thấy cô đơn do gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Vấn đề người già ở Anh lớn tới mức Bộ trưởng Y tế Anh Ivan Lewis phải lên tiếng kêu gọi cộng đồng và chính phủ quan tâm nhiều hơn tới người già và ví von rằng việc chăm sóc người già có thể trở thành “một dạng chăm sóc trẻ em mới” của thế kỷ.

Chính sự cô đơn và những căn bệnh tuổi già đã khiến người cao tuổi lạm dụng các loại thuốc mất ngủ và an thần - theo một cuộc điều tra của Cơ quan cấp cao giám sát sức khỏe (HAS) của Pháp. Để chống bệnh mất ngủ, sự lo âu hay những chứng bệnh tương tự, có tới 32% người trên 65 tuổi và gần 40% người hơn 85 tuổi ở Pháp sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần.

Để chống tình trạng trầm uất, 13% người trên 65 tuổi và 18% người trên 85 tuổi thường xuyên sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Con đường từ sự buồn chán và bất cẩn đến cái chết là rất ngắn. Theo các thống kê ở Pháp, trong số khoảng 12.000 người tìm tới cái chết mỗi năm tại quốc gia này, có tới 1/3 là những người trên 60 tuổi. Phần đông trong số họ là những người từng chịu những cú sốc về tình cảm (ly hôn hoặc người thân qua đời) và những người sống độc thân.

Gánh nặng của các chính phủ

Bùng nổ “dân số già” đang là một thực tế đáng lo ngại ở các nước phát triển, vì điều này sẽ kéo theo những gánh nặng về chi phí phúc lợi xã hội, bảo hiểm, y tế… Dân số già tăng lên cũng đồng nghĩa với việc mọi người sẽ phải làm việc lâu hơn so với hiện nay để có đủ tài chính trang trải cho cuộc sống về già.

Việc chăm sóc người già cũng là một gánh nặng lớn. Tại Pháp, hiện có khoảng 10.000 nhà dưỡng lão, khoảng 40% do nhà nước quản lý, 40% do các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận đảm nhận và 20% còn lại do các tổ chức tư nhân thực hiện với mục tiêu kinh doanh (có cả các công ty chăm sóc người già niêm yết trên thị trường chứng khoán như Công ty Corian).

Tổng cộng, các cơ sở chăm sóc tập trung người cao tuổi có thể đón tiếp 650.000 người.  Hiện tại, lĩnh vực này sử dụng 350.000 nhân công. Tổng doanh thu của các cơ sở trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi không phải là nhỏ: Khoảng 18 tỷ euro/năm.

Nhưng xung quanh các nhà dưỡng lão ở Pháp, có một vấn đề tồn tại từ lâu, gần đây mới nổi lên và được nhắc tới nhiều: Đó là tình trạng người già bị đối xử tệ. Từ tháng 2-2008, Chính phủ Pháp đã hình thành một đường dây nóng chuyên nhận những tố giác về tình trạng đối xử tệ với người già và người khuyết tật.

Các chuyên gia phụ trách đường dây cho biết 30% các vụ đối xử tệ diễn ra ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và 70% diễn ra tại nhà và thủ phạm lại do chính những người thân của họ gây ra.

Đa số các vụ đối xử tệ với người già ở nhà thường là một sự vô ý, bởi những người thân của họ gây ra những hành động đó mà không ý thức được rằng nó có hại cho người già. Thủ phạm của những hành động đó thường là con cái, chồng hoặc vợ, hoặc thậm chí là một người giúp việc trong gia đình khi mà người này quá mệt mỏi với việc chăm sóc một người già đã quá yếu và hay lú lẫn. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở các nhà dưỡng lão. Người ta nói năng thiếu lễ độ với người lớn tuổi, thậm chí coi họ như trẻ con. 

Quốc vụ khanh về vấn đề đoàn kết của Pháp Valérie Létard mới đây đã phải khẳng định trước dư luận rằng trong tương lai, để giảm thiểu nạn đối xử tệ bạc với người già, 80% các cuộc kiểm tra tại các nhà dưỡng lão sẽ được thực hiện mà không thông báo trước, so với 50% trước đây. Những cơ sở vi phạm sẽ phải chịu các hình thức trừng phạt thỏa đáng.

Trong 3 năm tới, chính phủ cũng sẽ huy động 132 triệu euro làm kinh phí đào tạo cho 250.000 nhân viên về các kỹ năng hỗ trợ người cao tuổi, đặc biệt là những cụ bị mắc các căn bệnh như Alzheimer.

Bài 3: Chăm sóc người già kiểu  Đan Mạch

Nếu biết huy động và phân phối được các nguồn lực trong xã hội, việc chăm sóc người cao tuổi sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả. Các nước Bắc Âu, đặc biệt là Đan Mạch, từ lâu đã được biết đến nhờ chính sách chăm sóc người cao tuổi rất tốt. Không phải ngẫu nhiên mà người cao tuổi ở đây được ví như những ông vua.

Không có chỗ cho sự trùng lặp

Vấn đề người cao tuổi ở châu Âu ảnh 3

Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch luôn chú trọng việc chăm sóc người cao tuổi

Việc tổ chức chăm sóc người cao tuổi tại Đan Mạch đã được đơn giản hóa nhằm tránh sự hình thành của nhiều tổ chức cùng hoạt động trong một lĩnh vực và cho phép gắn kết các hoạt động của các cơ quan có liên quan.

Ngay từ năm 1992, các thành phố được chính phủ giao đảm nhận toàn bộ việc tổ chức chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, chính phủ còn đang cân nhắc khả năng giao cho các thành phố toàn bộ nguồn tài chính và quyền quản lý hệ thống các cơ sở y tế, giống như mô hình đang được thực hiện hiệu quả ở Phần Lan.

Việc tổ chức như vậy cho phép đơn vị hành chính phi tập trung nhất (cấp thành phố) và gần gũi nhất với người cao tuổi đảm nhận toàn bộ các dịch vụ. Người Đan Mạch tin rằng ông thị trưởng và ê-kíp xung quanh là những người biết rõ hơn cấp trên của họ về các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc người già.

Nguồn tài chính cũng do các thành phố đảm nhận nhờ vào nguồn thuế thu nhập mà địa phương thu được. Ngoài ra, các thành phố cũng nhận được tiền trợ cấp của chính phủ vì chính phủ đặt mục tiêu là xóa bỏ sự bất bình đẳng có thể có do nguồn thu từ thuế là khác nhau ở mỗi địa phương.

Chính sách nhà đất hiệu quả

Kể từ năm 1987, Đan Mạch đã chấm dứt việc xây mới nhà dưỡng lão. Khả năng tiếp đón của các nhà dưỡng lão thậm chí còn có xu hướng giảm đi. Năm 1982, 16% người trên 75 tuổi sống ở các cơ sở chăm sóc, so với mức dưới 6% hiện nay. Cùng với đó, chính phủ cho xây dựng những ngôi nhà mới dành riêng cho người cao tuổi có nhu cầu về nhà ở đặc biệt - tạo điều kiện họ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ đặc biệt. Những ngôi nhà dạng này thường nằm ở các khu vực mà người ở có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tại nhà.

Thêm vào đó, tất cả những ngôi nhà xây mới trong những năm gần đây đều phải đáp ứng tiêu chuẩn thuận tiện cho người khuyết tật đi lại - và đương nhiên, cũng sẽ dễ dàng cho người cao tuổi. Ngoài khả năng có thể dễ dàng di chuyển, tất cả các tòa nhà này đều phải có khả năng mở và đóng cửa thông qua hệ thống cảm ứng giống như hệ thống cửa sử dụng tại các điểm thu thuế cầu đường quốc lộ.

Khi người cao tuổi gặp khó khăn trong sinh hoạt tại nhà, chính quyền thành phố phải cử người giúp sửa nhà miễn phí; còn trong trường hợp không sửa được theo yêu cầu, chính quyền phải đổi cho người cao tuổi một ngôi nhà phù hợp với diện tích tương ứng.

Ngoài ra, còn có hình thức ở theo mô hình “chung sống” (cohousing), theo đó chính phủ cho xây những khu nhà ở mà ở đó, người ở - có thể là người cao tuổi hoặc không - có thể sống thoải mái và ít bị cô lập nhờ khả năng chia sẻ một số công việc, cùng tham gia các hoạt động chung và hưởng các dịch vụ tập thể như phòng giặt hoặc phòng giải trí chung. Hiện có vài chục khu nhà theo mô hình này tại Đan Mạch. Học tập theo Đan Mạch, hiện nay mô hình này đang được áp dụng tại Canada, Anh và một số nước OECD.

Lấy người cao tuổi làm trung tâm

Luật pháp của Đan Mạch quy định các thành phố phải cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ việc nhà cho những người cao tuổi có nhu cầu, cũng như hỗ trợ người cao tuổi trong việc giữ gìn sức khỏe thân thể và tinh thần. Thể thức hỗ trợ như thế nào lại do từng thành phố tự xác định.

Lợi thế quan trọng của cấp thành phố là khả năng ra quyết định nhanh chóng: Một nhân viên hỗ trợ người già chuyên nghiệp, sau khi thảo luận với những người liên quan, sẽ tổ chức các dịch vụ và thời gian biểu cho người cao tuổi. Các dịch vụ có thể bao gồm việc mang đồ ăn tới nhà, hỗ trợ tại đầu dây diện thoại, kiểm tra ban đêm, thăm nơi ở, liệu pháp vận động, cắt tóc, bấm huyệt chân, giúp làm vườn…

Kể từ năm 2003, người cao tuổi có quyền tự do chọn dịch vụ hỗ trợ tại nhà. Ngay từ năm 1999, 13,4 % người già từ 65 - 79 tuổi và 50% người già trên 80 tuổi ở Đan Mạch đã được nhận hỗ trợ tại nhà. Tất cả những người trên 75 tuổi, trừ khi họ phản đối, sẽ được một nhân viên tới thăm nhà 2 lần/năm, cho dù người đó còn đang khỏe mạnh. Mục đích của việc thăm nom này, theo luật Đan Mạch, là “tạo cảm giác an toàn và thoải mái, cũng như cố vấn cho người cao tuổi về các hoạt động cũng như các dịch vụ tại nhà”.

Bộ các vấn đề xã hội của Đan Mạch kết hợp với các cơ quan đại diện của các thành phố phát triển một hệ thống phân tích dịch vụ dành cho người cao tuổi. Mục đích là đảm bảo rằng các dịch vụ trên toàn đất nước đều phải hiệu quả. Đan Mạch có riêng một hội đồng người cao tuổi và một cơ quan chuyên đón nhận những lời phàn nàn của người cao tuổi. Hội đồng người cao tuổi đảm nhận việc cố vấn cho các thành phố về chính sách đối với người cao tuổi nói chung.

Với sự hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá về hiệu quả của các hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Kết quả của các nghiên cứu được đưa ra trao đổi giữa những người có liên quan nhằm rút kinh nghiệm và học hỏi những cách làm hay.

Về phần mình, các tổ chức phi chính phủ rất năng động trong việc theo dõi việc thực hiện và phát triển các dịch vụ cho người cao tuổi. Rất nhiều người Đan Mạch tham gia các hoạt động này. Nhà nước đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ soạn thảo một hiến chương về sự phối hợp giữa những người tình nguyện và chính quyền. Chính phủ cũng cung cấp tài chính để đào tạo người tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, thành công của Đan Mạch trong sự nghiệp chăm sóc người cao tuổi một phần là kết quả của sự phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các nhân viên chuyên nghiệp, những người tình nguyện và sự điều phối của chính quyền địa phương.

Hà Vy

Tin cùng chuyên mục