Văn hóa còn, dân tộc còn

Thời gian qua, trên một số kênh truyền hình, phim truyền hình và điện ảnh đã đưa đến cho người xem nhiều hình ảnh phản cảm: ăn mặc hở hang, chuyện tình éo le, văn hóa gia đình đảo lộn, hôn hít phô bày ái ân giấu giấu, hở hở. Họ mua bản quyền từ nước ngoài, đem chuyện Tây, chuyện nước khác nhét vào người Việt Nam, nói giọng Việt Nam, biến xã hội ta từ ăn ở, chung sống, tình cảm lẫn lộn với Hàn Quốc, Mỹ, Trung Hoa…

Trên một số chương trình ca nhạc do ca sĩ ta biểu diễn, chuyện ăn mặc hở hang, gợi dục, với những bài hát tình ái lăng nhăng… dễ đưa con cái chúng ta học ăn, học nói, học mặc, học hát theo lối sống không phù hợp với văn hóa dân tộc. Đáng buồn hơn, trên một vài kênh, trong một số vở hài đã đưa lên cách sống đồi trụy, hỗn loạn trong các gia đình, dùng các câu nói thô lỗ, tục tĩu, đảo lộn gia phong để mua tiếng cười. Trên một số bài viết kể lể về các chuyện làm tình, đâm chém, mánh lới ăn cắp như “vẽ đường cho hươu chạy”. Một số tạp chí và trang mạng tìm cách câu khách bằng các hình ảnh hở hang, lời viết và quảng cáo thô tục.

Ngoài trách nhiệm của một số cơ quan báo chí phải kể đến trách nhiệm của ngành văn hóa, thông tin, tuyên giáo. Sự lan tràn các văn hóa độc hại ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng các ngành chức năng lâu nay lại ở ngoài cuộc hoặc có chống cũng chống qua loa cho có lệ; chưa kể có nơi lại tiếp tay cho các sản phẩm văn hóa độc hại chui vào và phổ biến lan tràn ở nước ta.

Ai cho phép các kênh truyền hình nước ngoài chưa qua kiểm duyệt có mặt trên sóng của các đài từ Trung ương đến địa phương? Ai cho phép phát sóng các chương trình nhố nhăng, phản cảm, những chương trình ăn mặc hở hang, lố lăng? Ai cho phép bất cứ người nào cũng leo lên sân khấu ca hát, leo vào các chương trình ca nhạc trên truyền hình? Ai cho phép cứ sáng tác bài nào cũng có thể đưa ra hát mặc kệ bài đó nói gì, hát gì? Người đi xe gắn máy phải học luật giao thông, phải thi tay lái nhưng người đi hát, muốn hát gì, mặc gì đều được, quả là chuyện lạ!

Nhà văn Vũ Hạnh trong lần phát biểu tại cuộc họp kỷ niệm “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” của trí thức Sài Gòn thời chưa giải phóng, có nói: “Ngày đó, văn hóa đồi trụy phản dân tộc đối địch với nhân dân với các trí thức yêu nước nên dễ chống. Bây giờ văn hóa độc hại lẫn lộn trong hàng ngũ chúng ta… làm sao lôi nó ra để chống?”.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiên quyết chống văn hóa độc hại bởi chúng có thể phá hoại nền văn hóa dân tộc, hủy hoại đạo đức xã hội. Nói như tuyên ngôn “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” của trí thức Sài Gòn trước đây: Văn hóa còn, dân tộc còn; văn hóa mất, dân tộc mất. Vì vậy chúng ta, mà trước hết là báo chí cách mạng, phải tích cực tham gia phòng và chống văn hóa độc hại.

Thiết tưởng, trước hết, các cơ quan báo chí phải tự giác không đưa ra trước công chúng các sản phẩm văn hóa độc hại; các ngành văn hóa, thông tin, tuyên giáo phải có quy định nghiêm khắc, chế tài kịp thời và kiên quyết những hành vi bôi bẩn đạo đức con người, gây bại hoại xã hội; báo đài phải vạch trần tên tuổi các đơn vị vi phạm, có những “góc đen”, phải phản ánh các tụ điểm, cơ sở truyền bá văn hóa độc hại và tuyên truyền nhân dân xa lánh. Đồng thời phản ánh các gương văn hóa đạo đức lành mạnh để dân noi theo. Phải kỷ luật những ai tiếp tay, bao che, ngó lơ cho văn hóa độc hại hoành hành. Phát động nhân dân từ tổ dân phố phải thực hiện văn hóa lành mạnh, tố cáo các sản phẩm văn hóa độc hại, đồng thời thi đua xây dựng khu phố văn hóa, đưa ra tổ dân phố phê bình những người, những gia đình sống thiếu văn hóa đồng thời biểu dương khen thưởng các gia đình sống có văn hóa. 

Đinh Phong

Tin cùng chuyên mục