Văn hóa công dân đang là một vấn đề thời sự, được xã hội quan tâm. Trong lịch sử phát triển dân tộc, văn hóa công dân luôn là trung tâm, là cơ sở của nền văn hóa Việt. Từ xa xưa, cha ông ta đã lấy con người làm gốc của sự phát triển. Triều đại nào biết “lấy dân làm gốc”, triều đại ấy sẽ phát triển rực rỡ. Và cũng từ xa xưa, những quy định theo kiểu “luật bất thành văn” đối với mỗi thành viên trong cộng đồng đã được lưu truyền trong dân gian.
Có thể thấy trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam những điều khoản trong luật bất thành văn đó. Từ những quy ước về trách nhiệm “Làm trai cho đáng nên trai...”, quy ước về ứng xử “Bầu ơi thương lấy bí cùng...”, quy ước về văn hóa lễ tiết “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng...” cho đến những quy ước về đạo đức làm người, đạo lý xã hội đã trở thành những điều luật, những quy định được lưu hành trong đời sống dân gian.
Có thể nói, văn hóa công dân người Việt sớm được hình thành và luôn luôn tỏa sáng ở lòng tự trọng, tự tin và tự tôn dân tộc. Với quan điểm đúng đắn của Đảng ta: “Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển”, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa công dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng đất nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” có tầm quan trọng đặc biệt. Xây dựng xã hội tốt đẹp nhất thiết phải có những công dân tốt và công dân tốt đương nhiên phải là người có văn hóa công dân.
Văn hóa không tự dưng mà có. Văn hóa được hình thành và phát triển phải trải qua sự rèn luyện, phấn đấu, giao lưu. Văn hóa luôn có tính kế thừa và sàng lọc. Quy luật phát triển văn hóa công dân cũng từ đó. Văn hóa công dân luôn phát triển để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Chính vì vậy, nội hàm của văn hóa công dân luôn mới mẻ và có tính thời đại.
Nói đến văn hóa công dân, người ta thường nói đến sự tổng hòa của văn hóa xã hội, văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục, văn hóa công chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp... Một công dân tốt nhất thiết phải là người hoàn thành tốt chức trách, công việc nghề nghiệp, là người yêu nước, tự trọng cá nhân, tự hào dân tộc, là người có tinh thần trách nhiệm cao đối với gia đình và xã hội, tôn trọng pháp luật, ứng xử văn minh. Chính vì vậy, văn hóa công dân là một chuẩn mực cơ bản để hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt; công chức, viên chức tốt; những người chủ doanh nghiệp, chủ gia đình, những công dân tốt.
Thiết nghĩ, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một dịp để toàn xã hội xây dựng và phát triển văn hóa công dân lên tầm cao mới. Văn hóa công dân tỏa sáng sẽ tạo thêm sức mạnh trong đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực xã hội, suy thoái đạo đức.
HOÀNG TÂN