Văn hóa nghệ thuật năm 2009: Hiếm sự bứt phá - độc đáo

* Nóng nhất chuyện bản quyền
Văn hóa nghệ thuật năm 2009: Hiếm sự bứt phá - độc đáo

* Nóng nhất chuyện bản quyền

  • Xuất bản, văn học yên ả và bão tố

Khác với những vụ scandal đình đám những năm trước đó, văn học Việt Nam năm 2009 có thể gói gọn trong hai chữ “yên ả”. Không còn những tác phẩm làm dư luận xôn xao, cũng vắng bóng những tác phẩm gây tranh luận trên diễn đàn văn học. Ngay cả trong mảng văn học dịch, năm 2009 cũng thiếu hẳn những tác phẩm thuộc dạng rầm rộ của thế giới. Những tác phẩm như Mật mã Tây Tạng (Trung Quốc), Hoàng hôn (Trong bộ truyện Chạng vạng của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer)… chỉ gây chút xôn xao do đây đều là những loại sách có nội dung kén chọn bạn đọc. Mảng văn học mạng những năm trước ồn ào thì năm 2009 lại lặng lẽ với rất ít tác phẩm ra mắt chính thức và những tác phẩm nếu có cũng chỉ thu mình lại trên các quầy sách, không tạo được ấn tượng với bạn đọc.

Nhà văn trẻ, những người được trông đợi nhiều sẽ tạo nên luồng gió mới cho văn đàn trong nước, cũng có một năm im ắng, không có những tác phẩm rúng động dư luận về nhiều phương diện cả tích cực lẫn tiêu cực, cũng vắng hẳn những tác phẩm tự làm mới mình. Đây đó, vẫn có nhà văn trẻ xuất bản tác phẩm mới, nhưng đó dường như chỉ để khẳng định mình vẫn còn sáng tác hơn là tạo dấu ấn cá nhân. Nhà văn trẻ ít tác phẩm, nhà thơ trẻ cũng không khá hơn.

Tập Thơ trẻ 360°, được xem là dấu ấn đậm nhất của thơ trẻ năm 2009, cũng chỉ tạo nhộn nhịp một chút những ngày đầu năm 2009 trước khi lại lặng lẽ chìm xuống. Có điều, trong bối cảnh chung đó nếu nói nhà văn trẻ nổi bật nhất năm 2009 thì chỉ có nữ nhà văn Di Li (Nguyễn Diệu Linh), với tác phẩm Trại hoa đỏ. Tác phẩm này gây ấn tượng không phải vì xuất sắc về mặt văn học mà vì là tác phẩm hiếm hoi viết về đề tài hình sự kinh dị, vì lạ hơn là vì hay.

Sự yên ả của mảng văn học cũng thể hiện rõ nhất qua các giải thưởng văn học lớn. Danh sách vào chung khảo Giải thưởng Văn học 2009 của Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam được đón nhận một cách nhẹ nhàng, không có tác phẩm nào gây tranh luận. Tình hình tương tự ở các giải thưởng địa phương như HNV Hà Nội hay HNV TPHCM. Năm 2009 cũng ghi nhận tình trạng “thất mùa” với giải thưởng thơ, khi từ HNV TPHCM đến HNV Việt Nam, đều không có giải thưởng nào về thơ.

Trái ngược trong lĩnh vực sáng tác, lĩnh vực xuất bản - phát hành sách lại có một năm đầy bão tố.

Đầu tiên là cơn bão lớn trong thị trường truyện tranh, khi các cơ quan truyền thông đồng loạt lên tiếng về tình trạng truyện tranh kinh dị, bạo lực và kích dục xuất hiện tràn lan. Ngay sau đó, thông tin về việc giám đốc cùng ban lãnh đạo NXB Thanh Hóa bị kỷ luật vì cấp phép cho hàng loạt bộ truyện tranh có nội dung không lành mạnh, càng làm cho tình hình thị trường truyện tranh thêm xáo động.

Sách lậu bị phát hiện trong năm 2009.

Sách lậu bị phát hiện trong năm 2009.

Vụ truyện tranh chưa xong thì thị trường sách lại thêm một phen náo động, với việc Tập đoàn Dịch vụ Internet Google thương lượng mua bản quyền số hóa các tác phẩm của Việt Nam. Số tiền được công bố trong thương vụ này lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm ngàn USD, đã khiến tất cả giới sáng tác xôn xao. Khái niệm bản quyền, nhất là bản quyền trên mạng, dù đã được nhắc đến nhiều trước đây nhưng lần đầu tiên được coi trọng thực sự. Các nhà văn vội vã đến Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) của HNV Việt Nam để đăng ký ủy quyền nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, vai trò của VLCC vụt được chú ý, trong khi trước đó chẳng mấy tác giả để ý đến hoạt động của trung tâm này.

Vấn đề bản quyền lại tiếp tục “nóng” khi đại diện 6 NXB quốc tế ở VN đồng lòng chỉ đích danh nhiều đơn vị trong nước vi phạm bản quyền của họ. Vụ việc này càng trở nên kịch tính hơn, khi một trong số những đơn vị bị nêu danh là Nhà sách Quỳnh Mai, đã gửi đơn thưa khắp nơi cho rằng việc mình in sách không bản quyền nhằm giúp cho sự phát triển của đất nước!? Vào những ngày cuối năm, cái tên Quỳnh Mai lại được nhắc đến nhiều, với hai cuộc kiểm tra liên tiếp tại nhà sách và nhà in của đơn vị này.

Sát những ngày cuối cùng của năm 2009, việc HNV Việt Nam chuẩn bị tổ chức “Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài” đã gây chú ý với những ý kiến đóng góp sôi nổi. Tuy nhiều ý kiến cho rằng hội nghị còn thiếu thực tế khi không mời giới phát hành trong và ngoài nước, đến sát giờ mới mời các tác giả trẻ, thiếu sự tham gia của đội ngũ lý luận phê bình… nhưng về cơ bản hầu hết đều cho rằng việc tổ chức những hội nghị như vậy là cần thiết khi đánh động dư luận, góp phần xây dựng những bước đầu tiên để phổ biến văn học Việt Nam ra thế giới. Những ngày đầu năm 2010, hội nghị sẽ diễn ra và với hoạt động này, hy vọng sẽ mở đầu cho một năm sôi động hơn của văn học trong nước.

  • Điện ảnh dò dẫm tìm hướng đi

Nếu không có sự kiện LHPVN diễn ra tại TPHCM vào dịp cuối năm thì có thể nói rằng, năm 2009 điện ảnh VN vẫn chưa tạo nên được ấn tượng gì đặc biệt so với các năm trước. Các hãng phim nhà nước vẫn đang dò dẫm từng bước chuẩn bị cổ phần hóa. Có hãng chỉ hoạt động cầm chừng chờ đợi cơ chế mới, do đó những kịch bản được duyệt gối đầu hết năm này sang năm khác với lý do kinh phí không đủ để sản xuất. Một số đạo diễn tâm huyết với kịch bản thì tìm cách chạy tài trợ từ bên ngoài, số khác trả lại kịch bản, song cũng có đạo diễn chấp nhận làm phim bất chấp kinh phí ít hay nhiều. Kết quả phim do nhà nước sản xuất được chia làm 2 loại: phim mang đậm dấu ấn tác giả và phim có nội dung nhàn nhạt, không tạo được sự chú ý. Cả hai loại phim này trong năm qua đều không đến được với khán giả, phim có dấu ấn tác giả thì thiếu quảng bá, còn phim “chín ép” thì thiếu hấp dẫn.

Cảnh trong phim “Khi yêu đừng quay đầu lại”.

Cảnh trong phim “Khi yêu đừng quay đầu lại”.

Trong khi đó, các hãng phim tư nhân vẫn chủ yếu nhắm đến thị trường phim tết. Một số hãng phim do Việt kiều đầu tư, dù cũng ngấp nghé những mùa phim khác trong năm, song sau một vài thất bại đã lưỡng lự hơn khi đưa ra quyết định. Đó cũng là lý do, có một vài phim dù đã làm xong nhưng vẫn chưa chọn được thời điểm công chiếu chính thức. Dựa vào những sản phẩm làm ra trong năm cũng có thể thấy khoảng cách giữa hai thế hệ làm phim khá rõ rệt. Những đạo diễn gạo cội vẫn giữ một thái độ làm phim chừng mực, trong khi đó, thế hệ đạo diễn trẻ, một số không ngừng khẳng định cái tôi của mình bằng những thể nghiệm, phá cách riêng; số khác chăm chăm tìm cách làm hài lòng thị hiếu khán giả, cóp nhặt những cách làm phim, câu chuyện na ná Mỹ, Hàn Quốc; số khác nữa thì bộc lộ tay nghề còn non trong việc xử lý những tình huống, đường dây trong câu chuyện của chính mình.

Tuy nhiên, mặc dầu có những khoảng cách nhất định, song có thể thấy 2 dòng phim tư nhân và nhà nước đang xích lại gần nhau hơn. Phim giải trí của tư nhân đã chú ý đến yếu tố nghệ thuật và phim nghiêng về nghệ thuật của các hãng nhà nước đã chú ý đến yếu tố giải trí.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến mảng phim ngoại nhập trong bức tranh điện ảnh VN 2009. Ngoại trừ mùa tết, phim ngoại phủ sóng tất cả các rạp hầu hết toàn bộ thời gian còn lại trong năm. Theo nhà phát hành phim ngoại lớn nhất VN là Megastar, thị trường VN năm qua đã thực sự được thế giới chú ý. Hai cuộc ra mắt phim toàn cầu của Hollywood đều có đại diện VN tham gia. Một số siêu phẩm điện ảnh trong năm đã được chiếu cùng thời điểm với các thị trường chính của thế giới. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập của thị trường điện ảnh VN trong tương lai.

  • Âm nhạc thiếu sự bứt phá

Thị trường âm nhạc trong năm tiếp tục duy trì các hoạt động biểu diễn phục vụ công chúng với hàng loạt các chương trình, show diễn. Đó là “cơn bão” Rockstorm 2009, đi qua các thành phố lớn: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Đồng Nai, TPHCM, tạo được dấu ấn rockshow. Dòng nhạc giao hưởng thính phòng cũng có nhiều nỗ lực đưa thể loại âm nhạc đỉnh cao đến gần với công chúng qua nhiều chương trình biểu diễn, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc tên tuổi trên thế giới dù khoảng cách giữa âm nhạc hàn lâm với khán giả hãy còn xa. Các thể loại âm nhạc khác cũng hoạt động ở mức độ chừng mực, thiếu những dấu ấn cần thiết làm nên sự thay đổi và phát triển bộ mặt nhạc Việt trên mặt bằng chung. Hầu hết các liveshow đều được các bầu show, ca sĩ tổ chức nhỏ gọn với sự đầu tư và tính toán kỹ lưỡng. Các ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn ào ạt hết là “chuyện lạ” để có thể thu hút mọi người kéo nhau đi xem như thời gian trước. Việc bay show nước ngoài cũng không còn là mốt và là nguồn thu nhập hấp dẫn. Nhiều ca sĩ bày tỏ, bay show chủ yếu là để đổi không khí, có thêm chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn…

Nhìn chung, âm nhạc năm 2009 thiếu hẳn sự bứt phá riêng biệt, độc đáo. Chưa kể nạn hát nhép tồn tại dai dẳng, lùm xùm chuyện đạo nhạc của một số ca sĩ trẻ, nhếch nhác hình ảnh ca sĩ ôm cột điện đầy đường phố… gây bức xúc trong công chúng, làm giảm đi sự yêu thích và quan tâm của khán giả đối với sự phát triển nhạc Việt ngày nay

Nhóm PV VHVN

Tin cùng chuyên mục