Cuộc hội thảo “Văn học trẻ” vừa diễn ra tại Cần Giờ nằm trong chương trình Hội nghị “Những người viết văn trẻ TPHCM lần 3”. Ở phần mở đầu, nhiều đại biểu lại sa đà vào các tranh cãi mang tính trừu tượng như khái niệm “tác phẩm hay”, vấn đề “giữ hồn dân tộc của thơ”… nhưng sau đó đã đi thẳng vào những vấn đề mà các tác giả trẻ đang quan tâm nhất hiện nay.
Từ nội dung sáng tác
Trước nhiều ý kiến phê phán rằng văn thơ trẻ hiện nay quá thiên về cái tôi nên khó hòa nhập, nhà thơ Đồng Chuông Tử cho rằng: “Đã nói về văn thơ trẻ thì phải nói về cái tôi”. Nhà văn trẻ Yến Linh cụ thể hơn: “Trách các nhà văn, nhà thơ trẻ chỉ viết cho cá nhân, nhưng chúng em biết viết gì khi cuộc sống của chúng em chỉ là như thế. Quanh quẩn là học tập, tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu đôi lứa… Mà chẳng phải những cái tôi đó cũng là vấn đề của thời đại hay sao?”.
Nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Văn học trẻ Hội Nhà văn (HNV) TP đưa ra một gợi ý: “Người sáng tác có quyền viết cái gì mình biết hay thích nhưng để bạn đọc có thể đón nhận thì phải viết bằng ngôn ngữ của thời đại”. Những sáng tác tách biệt với đời sống xã hội hiện tại, xa rời với cảm xúc của bạn đọc dĩ nhiên sẽ bị đào thải. Nhà thơ trẻ Hoa Níp lại băn khoăn một vấn đề khác “Các sáng tác trẻ thường hay có sự phá cách, nổi loạn thế nên nhiều tác phẩm khi ra đời bị quy chụp khiến người viết hoang mang, mất tinh thần”. Ý kiến này khiến các nhà văn, nhà thơ trẻ hướng sự chú ý đến đại diện Hội Nhà văn TP. Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch hội lên tiếng: “Về việc này hội sẽ có tiếng nói, khen tác phẩm hay, phê phán tác phẩm lệch lạc, bảo vệ hội viên cả ở góc độ pháp luật lẫn chuyên môn, không để xảy ra tình trạng khen chê không minh bạch”.
Dù chưa hoàn toàn thỏa mãn nhưng ở phần nội dung sáng tác, hội thảo đã thể hiện sự tôn trọng tự do sáng tác nơi các tác giả trẻ.
Đến lối ra tác phẩm
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nêu ra 3 vấn đề của thơ trẻ hiện nay. Đầu tiên là thiếu tiền, người sáng tác trẻ thường rất khó khăn để tự in tác phẩm của mình, thứ hai là trình độ đội ngũ biên tập thơ tại một số NXB còn hạn chế, thậm chí có nơi còn để nhân viên mới, tốt nghiệp thủ thư thư viện đi làm biên tập thơ. Cuối cùng là giải thưởng cho các nhà văn, nhà thơ trẻ chưa chú ý đến sự khuyến khích và tạo tên tuổi cho các tác giả trẻ.
Vấn đề cuối có ảnh hưởng rất lớn đến các cây bút trẻ. Nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Nhân giải thích: “Các sáng tác trẻ thiếu nhất chính là tên tuổi, giải thưởng của hội chính là bước đệm cho các bạn trong con đường văn chương”. Tuy nhiên, để có giải thưởng bản thân các tác giả trẻ cũng cần sự nỗ lực, không chỉ ở sáng tác mà cả ở sự tự tin, nhà văn Phạm Sỹ Sáu, Ủy viên BCH HVN TP cho biết: “Có rất ít tác phẩm gửi về dự thi giải thưởng nhà văn trẻ, mà ít thì khó chọn để trao thưởng”.
Với chuyện in tác phẩm, nhà thơ trẻ Hoa Níp nêu ra ý kiến: “Có điều kiện thì in riêng còn không có thể kết hợp 5-10 nhà thơ, nhà văn lại để cùng thực hiện tác phẩm”.
Chỗ dựa cần thiết
Vai trò của HNV rất cần thiết đối với các nhà văn, nhà thơ trẻ đang đi những bước đầu trên con đường sáng tác như việc mở trại sáng tác, tổ chức các buổi trao đổi về kỹ năng viết, tài trợ cho các tác phẩm hay, tổ chức giải thưởng riêng cho các cây bút trẻ… Có ý kiến cho rằng “Ban tổ chức không xác định được những vấn đề mấu chốt của văn học trẻ trong bối cảnh hiện tại”, tuy nhiên nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng: “Nhà văn trẻ còn không biết mình ở đâu nói gì đến người khác”. Chính từ những trao đổi, những ý kiến cọ sát của các nhà văn trẻ tại cuộc hội thảo vừa qua, nhiều vấn đề mấu chốt đã dần lộ diện. Có việc có thể giải quyết được ngay nhưng cũng có nhiều việc phải tiếp tục cần có sự gắn kết hơn nữa giữa hội và các cây bút trẻ.
TƯỜNG VY